Mẹ đơn thân khởi nghiệp
Căn nhà nhỏ nằm sát đường tránh Nam Hải Vân, là nơi bà Nguyễn Thị Liễu miệt mài với công việc may thảm chùi chân suốt 10 năm nay. Lúc trước, nhờ được người quen giới thiệu và hướng dẫn cách làm nên bà mang hàng về may thử, rồi chăm chỉ học hỏi, sáng tạo hơn để nâng cao tay nghề.
Bà Liễu vui vẻ nói: "Tôi đơn thân bươn chải nuôi 2 đứa con ăn học nên cuộc sống rất khó khăn, cứ thiếu trước hụt sau. Nhưng từ khi biết đến việc tận dụng vải vụn để may thảm chùi chân, thì tôi như có chiếc phao cứu sinh để bám vào đó cải thiện kinh tế. Tuy thời gian đầu sản phẩm của tôi bị một số nơi từ chối, nhưng tôi không nản lòng mà tiếp tục rèn luyện để tay nghề cứng cáp và khéo léo hơn, nhằm tạo nên một chiếc thảm đẹp mắt".
Nguyên liệu vải vụn được bà Liễu mua từ các khu công nghiệp may mặc ở TP Hồ Chí Minh, chủ yếu là vải thun hoặc vải nỉ với giá 6,5 triệu đồng/tấn. Vải sau khi nhập về được cắt thành từng mảnh vuông nhỏ, đều nhau và được may nối thành một dây vải dài. Người thợ sẽ tiếp tục may những dây vải vụn vào một tấm vải đế đã được cắt sẵn khuôn. Đó là tất cả những công đoạn thủ công để hình thành nên một chiếc thảm chùi chân tiện lợi.
Bà Liễu cho hay, thoạt nhìn thì may thảm rất dễ vì không yêu cầu kỹ thuật cao, nhưng để làm nên một sản phẩm vừa đẹp, rẻ, bền thì lại khó. Bởi mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và đặc biệt là sự cần cù, chăm chỉ. Nếu người thợ cắt vải kích thước không bằng nhau thì thảm nhìn không đẹp, hoặc vải may nối có khoảng cách không đều và may ráp khuôn không kín sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm.
Vươn lên làm giàu
Từ hoạt động sản xuất nhỏ lẻ ban đầu, đến nay bà Liễu đã mở rộng quy mô và thành lập nên Hợp tác xã (HTX) thảm chân Xuân Phát. Với những chiếc thảm chùi chân vừa đẹp, vừa rẻ và dày, xưởng của bà Liễu trở thành địa chỉ cung cấp hàng đáng tin cậy và sản xuất quanh năm. Điều đó giúp bà tạo thêm nhiều việc làm ổn định cho các chị em phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Vừa may nối những mảnh vải vụn, bà Liễu vừa chia sẻ: "Công việc may thảm khá đơn giản, rất thuận tiện cho các chị em bận chăm gia đình hoặc lo việc đồng áng làm những lúc rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập. Chính vì thế, tôi luôn sẵn lòng dạy nghề, hỗ trợ máy may, cung cấp nguyên liệu và hướng dẫn tận tình để họ thành thạo công việc may thảm. Hiện nay, tôi nhận bao tiêu sản phẩm cho 8 phụ nữ trong vùng, trung bình mỗi người có thêm thu nhập từ 3,5-6 triệu đồng/tháng".
Mỗi người sẽ nhận làm một công đoạn riêng để giúp tiết kiệm thời gian hoàn thành một chiếc thảm chùi chân. Chỉ sau khoảng 1 tháng học và may thảm thì người thợ đã vững tay nghề, cho ra những chiếc thảm có chất lượng tốt. Tuy nhiên, theo bà Liễu, việc phối màu và sắp xếp vải theo một bố cục mới thì không phải ai cũng làm được. Bởi nó đòi hỏi người thợ phải có ý tưởng sáng tạo kết hợp với con mắt "thẩm mỹ" cao, phối màu sao cho đơn giản nhưng cân đối, hài hòa và nhìn tổng thể không bị rườm rà.
Vì nguồn nhân lực còn hạn chế nên bà Liễu chỉ sản xuất hàng đủ cung ứng cho thị trường Đà Nẵng, tập trung may thảm chân với nhiều hình dáng, kích thước, mẫu mã đa dạng (có may đệm lót ghế ô tô, bao tay). Loại thảm chân tròn có giá từ 15.000-20.000 đồng/chiếc, thảm hình bầu dục và chữ nhật khoảng 25.000 đồng/chiếc. Ngoài ra, bà cũng nhận làm thảm theo yêu cầu riêng của từng khách hàng.
Dù trời có mưa nắng thất thường hay dịch bệnh Covid-19 có hoành hành thì xưởng may thảm chân của bà Liễu vẫn sản xuất ổn định. Đặc biệt vào mùa mưa và cận Tết, các chị em phụ nữ phải tăng cường hoạt động để kịp các đơn hàng. Mỗi năm, bà cung cấp cho thị trường hàng chục nghìn chiếc thảm chùi chân các loại, vào vụ Tết bán hơn 15.000 chiếc. Ngoài ra, sản phẩm thảm chân mang thương hiệu bà Liễu cũng không ít lần theo cánh tài xế ra Bắc vào Nam, trở thành món hàng tiêu dùng thiết yếu.
"Nhờ nghề may thảm chân mà tôi kiếm được 300.000-400.000 đồng mỗi ngày, hoàn toàn tự chủ về tài chính để nuôi 2 con ăn học thành tài và có đời sống khấm khá hơn trước. Đặc biệt, việc giúp được các chị em phụ nữ đơn thân, cực khổ, khó khăn giống mình có công việc ổn định để thoát nghèo chính là động lực và là niềm vui lớn nhất của tôi. Thêm vào đó, sự quan tâm và giúp đỡ của các cấp chính quyền, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Nhơn đã tạo tiền đề để HTX thảm chân Xuân Phát mở rộng và phát triển", bà Nguyễn Thị Liễu tâm sự.