Tiếp theo loạt bài "Đột phá trong hoạt động chất vấn, dấu ấn nghị trường khóa XIV", Dân Việt đã gặp gỡ một vị nguyên ĐBQH khá nổi tiếng trong hoạt động chất vấn, đó là ĐBQH khóa XII và XIII, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhìn nhận:
Điều đáng mừng là cứ mỗi nhiệm kỳ Quốc hội đều có sự đổi mới, đặc biệt đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Ông Tiến dẫn chứng, ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, ĐBQH chất vấn không quá 2 phút và người trả lời không quá 5 phút; từ kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, câu hỏi chất vấn không quá 1 phút và câu trả lời không quá 3 phút.
"Đây là sự đổi mới rất mạnh mẽ, việc rút ngắn thời gian đặt câu hỏi và câu trả lời sẽ giúp cho nhiều ĐBQH được chất vấn hơn và người trả lời chất vấn có cơ hội nói được nhiều nội dung hơn, đặc biệt những vấn đề nóng đang được dư luận xã hội quan tâm", ông Lê Như Tiến nói.
Việc đổi mới phương thức chất vấn là hỏi 1 phút, trả lời 3 phút đã được thí điểm tại Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên họp này Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ lúc đó là ông Chu Ngọc Anh là thành viên Chính phủ trả lời chất vấn.
Qua thí điểm đổi mới về thời lượng hỏi và trả lời chất vấn được cử tri đánh giá cao vì không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn thể hiện năng lực của người hỏi và người trả lời, đi thẳng vào vấn đề, không bị dàn trải. Bắt đầu từ kỳ họp thứ 5 trở đi, cách thức chất vấn này được Quốc hội thực hiện cho đến nay.
Theo ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau), việc đổi mới về thời gian trong chất vấn và trả lời chất vấn đã tạo áp lực cho người chất vấn và người trả lời chất vấn phải biết lựa chọn những gì tinh túy nhất về nội dung để cung cấp thông tin cho Quốc hội và cử tri.
"Từ áp lực đó, buộc mỗi ĐBQH và những thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải tự đổi mới mình trong diễn đạt và cung cấp thông tin làm sáng tỏ vấn đề mà Quốc hội quan tâm", ĐBQH Lê Thanh Vân nói và cho biết thêm, dù không nhiều nhưng tại các phiên chất vấn vẫn có những ĐBQH khi nêu câu hỏi còn diễn đạt dài dòng, hết thời gian chất vấn nhưng vẫn chưa nêu được câu hỏi.
Là người thường xuyên đặt câu hỏi tại các kỳ chất vấn, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết: Khi Quốc hội thay đổi thời gian chất vấn từ hỏi 2 phút sang hỏi 1 phút, ông đã cố gắng rèn kỹ năng hỏi nhanh để thích nghi với sự đổi mới.
"Khi ĐBQH muốn hỏi vấn đề gì phải có sự chuẩn bị trước, đồng thời nắm rõ vấn đề đó. Khi đặt câu hỏi ĐBQH nêu thẳng vào nội dung, tránh diễn giải dài dòng", ĐB Hòa nói và cho biết, qua theo dõi, trong các phiên chất vấn ở kỳ họp Quốc hội gần đây như kỳ họp thứ 10, kỳ thứ 6,7,8 (kỳ thứ 9 không chất vấn trực tiếp), đa số các ĐBQH đã có kỹ năng để hỏi nhanh đáp ứng yêu cầu về thời gian. Đi cùng với đó nội dung câu hỏi chất vấn cũng ngày càng chất lượng, nêu được những vấn đề nổi cộm, những bức xúc của đời sống xã hội.
Theo tinh thần "chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận", một trong những đổi mới của Quốc hội khóa XIV là ĐBQH có quyền giơ biển tranh luận tại các phiên thảo luận về kinh tế -xã hội, thảo luận các dự án luật, các dự thảo nghị quyết…đặc biệt là tranh luận trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Là ĐBQH thường xuyên giơ biển tranh luận tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng: Việc tranh luận sẽ giúp cho vấn đề được mổ xẻ ở nhiều góc độ khác nhau để tìm ra chân lý. Chính hình thức mới này đã mang lại không khí sôi nổi sinh động, hấp dẫn hơn cho các phiên chất vấn của Quốc hội.
Nhớ lại phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV (tháng 6/2017), khi đã 3 lần giơ biển tranh luận với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng cho biết: Tranh luận của tôi cũng chính là câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng. Tuy nhiên ở góc độ tranh luận, tôi cũng như cử tri sẽ được nghe Bộ trưởng, các ĐBQH tranh luận lại để nhìn thấy vấn đề nhiều chiều hơn. Từ đó cũng làm toát lên suy nghĩ của ĐBQH và Bộ trưởng, có những vấn đề còn ý kiến khác, chưa có sự đồng thuận.
"Tranh luận của ĐBQH cũng là kênh để phản biện lại những chính sách, các chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng để làm rõ thêm vấn đề cử tri quan tâm, từ đó làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, cũng như xây dựng pháp luật tốt hơn", ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng nói.
ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, nếu như áp lực để thay đổi cách thức chất vấn và trả lời đó là việc siết thời gian thì đòi hỏi của công luận đó là nội dung của chất vấn và trả lời chất vấn. Về nội dung thông tin trong chất vấn và trả lời chất vấn tới đây phải tiếp tục đổi mới để những vấn đề đang được cử tri và nhân dân quan tâm phải được quyết đáp ngay trong phiên chất vấn.
Chẳng hạn, cử tri quan tâm đến kết quả giải quyết của Bộ trưởng, trưởng ngành của lãnh đạo Chính phủ về một vấn đề nào đó thì cần được giải quyết ngay tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, hoặc định ra lộ trình giải quyết. Ví dụ, như dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội), nhiều lần bị chất vấn nhưng người có trách nhiệm chỉ nêu thời gian giải quyết là "tới đây", "tới đây" không biết là lúc nào.
"Tôi đã nhiều lần đề nghị, việc chất vấn của ĐBQH phải rõ thông tin liên quan đến trách nhiệm và việc làm của các Bộ trưởng, trưởng ngành. Về phía các Bộ trưởng, trưởng ngành phải trả lời rõ việc đó đang nằm trong giai đoạn nào, lộ trình trong 3 tháng, 6 tháng và 1 năm sẽ thế nào. Đó là những cam kết phải thực hiện. Như vậy Quốc hội mới có cơ sở đánh giá được các Bộ trưởng, trưởng ngành có hoàn thành nhiệm vụ không", ĐBQH Lê Thanh Vân nói.
Theo ông Lê Như Tiến, nếu ĐBQH chịu khó tìm tòi, suy nghĩ, tiếp cận thông tin từ nhiều kênh khác nhau sẽ tìm ra được những vấn đề mang hơi thở cuộc sống, từ đó thay mặt cho cử tri và nhân dân chất vấn các thành viên Chính phủ và các cơ quan hữu quan.
Ông Tiến nhớ lại, tại kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ khóa XIII, ông từng nêu câu hỏi chất vấn ai cho thuê đất rừng ở vùng nhạy cảm của vùng núi phía Bắc và một số vùng miền núi khác. Một câu nhưng hỏi cả 3 thành viên Chính phủ là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư với trách nhiệm cấp phép đầu tư; Bộ trưởng Bộ NNPTNT với trách nhiệm quản lý đất rừng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường với trách nhiệm quản lý tài nguyên đất đai.
"Thời gian gần đây, hoạt động của Quốc hội có những đổi mới, đặc biệt trong hoạt động chất vấn. Tôi mong đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026) sẽ tiếp tục có sự đổi mới hơn nữa, bởi nhiệm kỳ sau được kế thừa và phát huy những tích cực của nhiệm kỳ trước", ông Lê Như Tiến nói.
(Còn nữa)