Đột phá trong hoạt động chất vấn, dấu ấn nghị trường khóa XIV

Lương Kết Thứ bảy, ngày 28/11/2020 07:44 AM (GMT+7)
LTS: Chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội là hoạt động giám sát đặc biệt, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử và trách nhiệm của các đại biểu dân cử với cử tri của mình, đồng thời cũng xác định rõ trách nhiệm của các thành viên Chính phủ...
Bình luận 0

LTS: Chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội là hoạt động giám sát đặc biệt, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử và trách nhiệm của các đại biểu dân cử với cử tri của mình, đồng thời cũng xác định rõ trách nhiệm của các thành viên Chính phủ. Tại mỗi phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong các kỳ họp, các ĐBQH đều thể hiện trách nhiệm cao nhất để nói lên tiếng nói của nhân dân. Và ở chiều ngược lại, các thành viên Chính phủ cũng nỗ lực hiện thực hóa các lời hứa trên nghị trường. Loạt bài "Đột phá trong hoạt động chất vấn, dấu ấn nghị trường khóa XIV" sẽ phần nào giúp bạn hình dung điều này rõ hơn.

Bài 1: Một nhiệm kỳ 2 lần chất vấn tổng thể kiểm tra việc thực hiện "lời hứa" với người đứng đầu

Tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành chất vấn 2 lần với tất cả các Thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội (còn gọi là chất vấn tổng thể).

Từ đánh giá giữa nhiệm kỳ

Ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, tại kỳ họp thứ 6 (giữa nhiệm kỳ), tại phiên chất vấn Quốc hội dành một buổi để nghe báo cáo của Chính phủ, thảo luận và cũng có chất vấn tiếp về việc thực hiện nghị quyết chất vấn của Quốc hội tại các kỳ họp trước thứ 3, thứ 4, thứ 5. 2,5 ngày chất vấn sau đó, hoạt động chất vấn của Quốc hội được thực hiện như thông lệ, đó là theo nhóm vấn đề đối với một số lĩnh vực.

Đột phá trong hoạt động chất vấn, dấu ấn nghị trường khóa XIV - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời câu hỏi chất vấn của ĐBQH tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV (ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội).

Còn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, tại kỳ họp thứ 6 (kỳ họp giữa nhiệm kỳ), Quốc hội đã dành chọn 3 ngày để chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4.

Trong 3 ngày này, tổng cộng đã có 135 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt câu hỏi chất vấn, có 82 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ, trong đó 19 Bộ trưởng, 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình. 

Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã có phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời một số đại biểu có câu hỏi chất vấn.

Đột phá trong hoạt động chất vấn, dấu ấn nghị trường khóa XIV - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trả lời chất vấn ĐBQH tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV (ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội).

Có thể nói từ đổi mới trên, phiên chất vấn tổng thể tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV diễn ra rất sôi nổi, sinh động, nêu bật được những vấn đề nóng đang diễn ra trong đời sống xã hội được cử tri và người dân quan tâm.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 này, có thể coi như là cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, thể hiện thái độ trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng đối với những quyết định của Quốc hội về những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.

...Đến đánh giá cuối nhiệm kỳ

Đến kỳ họp thứ 10 (diễn ra tháng 10 và 11/2020 -kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ), Quốc hội lại tiếp tục thực hiện phiên chất vấn đối với các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Diễn ra trong 2,5 ngày, phiên chất vấn của kỳ họp thứ 10 đã diễn ra sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 10, tổng cộng đã có 121 lượt ĐBQH chất vấn, 41 lượt ĐBQH tranh luận. Các thành viên Chính phủ, trong đó có ba Phó Thủ tướng và 15 Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã trực tiếp trả lời chất vấn. 

Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo làm rõ, cụ thể thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời chất vấn của các ĐBQH.

Đột phá trong hoạt động chất vấn, dấu ấn nghị trường khóa XIV - Ảnh 3.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp -ảnh Thành An).

Tại phiên chất vấn này lần đầu tiên trong nhiệm kỳ có một đại biểu (bà Trần Thị Quốc Khánh –Hà Nội) đã thẳng thắn nêu câu hỏi chất vấn đối với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là bao giờ xây dựng Luật hành chính công, dịch vụ công (dự luật này là sáng kiến của đại biểu Khánh).

Chủ tịch Quốc hội cũng rất trách nhiệm, dân chủ khi đứng dậy trả lời câu hỏi mà đại biểu nêu. Mặc dù lý do dẫn tới việc dự luật chưa thể trình ra Quốc hội đã được Chủ tịch Quốc hội nêu ra trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó. 

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp: Tại các phiên chất vấn của nhiệm kỳ khóa XIV, đặc biệt qua 2 phiên chất vấn tổng thể (giữa và gần cuối nhiệm kỳ) đã mang nhiều dấu ấn và thành quả quan trọng.

Tại phiên chất vấn đánh giá cả nhiệm kỳ tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, các ĐBQH đã chất vấn đúng những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, nêu những câu hỏi khó đối với các thành viên Chính phủ.

"Vì là chất vấn tổng thế không theo chủ đề nên các thành viên Chính phủ phải có tâm thế chuẩn bị trước, bởi không biết các ĐBQH hỏi gì, nội dung như thế nào. Khi câu hỏi của ĐBQH đặt ra đối với lĩnh vực nào thì người đứng đầu phải trả lời được, trả lời gọn, đúng trọng tâm. Hiệu quả từ phiên chất vấn tổng thể rất tích cực, cần nghiên cứu, tổng kết để phát huy trong thời gian tới", ĐB Hòa nói.

Vẫn theo ĐB Hòa, điểm nổi bật nữa tại phiên chất vấn của kỳ họp 10, sau khi các thành viên Chính phủ trả lời chưa đúng câu hỏi đặt ra hoặc không rõ thì các ĐBQH đã tranh luận với người trả lời. "Những tranh luận mới là những vấn đề đặt ra", ĐB Hòa nói và nêu ví dụ như tranh luận của nữ ĐBQH Kso H’Bơ Khắp (Gia Lai) với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trưởng về vấn đề thủy điện. 

Nữ ĐBQH nói một cách rất thẳng thắn: "Tôi rất chăm chú lắng nghe và cố gắng thấu hiểu, nhưng Bộ trưởng có nghe mà không hiểu tôi hỏi gì". Một ví dụ khác, như tranh luận của ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) về sự cấp bách trong xây dựng kè sông ở biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Bà nói: "Trả lời như Bộ trưởng (Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chưa có hướng giải quyết"…

Theo ĐB Hòa, từ sự thẳng thắn đó cũng là vấn đề để những thành viên Chính phủ suy nghĩ để khi trả lời chất vấn đúng vào nội dung và đạt được yêu cầu ĐBQH đặt ra.

Đột phá trong hoạt động chất vấn, dấu ấn nghị trường khóa XIV - Ảnh 5.

ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau- ảnh Ngọc Lương).

ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho biết, càng ngày Quốc hội càng thực hiện tốt vai trò đại diện, đặc biệt qua phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10 vừa qua. Phiên chất vấn này đã nêu hết tất cả những vấn đề đang được xã hội quan tâm.

Nội dung chất vấn từ những vụ việc cụ thể như vụ kỷ luật Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng. Có 2 vấn đề được dư luận quan tâm, thứ nhất liên quan đến việc tự chủ đại học đã được làm đúng theo quy định pháp luật hay không; thứ hai là cơ sở pháp lý trong xử lý kỷ luật có được thực hiện đúng hay không.

"Những vấn đề lớn hơn như làm thủy điện phá rừng làm ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của người dân chịu sự tác động của lũ lụt; rồi chính sách thu hút đầu tư, phân bổ vốn; tình trạng hạn mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; vấn đề giao thông… đã được Quốc hội sát hạch rất kỹ qua phiên chất vấn", ĐBQH Lê Thanh Vân nói.

Từ hiệu quả của phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10 (trước đó là kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV), ĐBQH Lê Thanh Vân góp ý, cần nghiên cứu thực hiện chất vấn tổng thể tất cả các vấn tại mỗi kỳ họp của Quốc hội. 

Bởi việc chất vấn như vậy là cuộc sát hạch đối với các Bộ trưởng, trưởng ngành và những vấn đề nóng, những vấn đề bức xúc được dư luận xã hội quan tâm được đưa lên bàn nghị sự để có hướng giải quyết nhanh chóng, kịp thời.

Đột phá trong hoạt động chất vấn, dấu ấn nghị trường khóa XIV - Ảnh 7.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương-ảnh Ngọc Lương).

Theo ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), phương thức chất vấn theo chuyên đề và chất vấn tổng thể đều sự tích cực. Nếu Quốc hội muốn ra nghị quyết về một vấn đề nào đó thì phải chất vấn theo một nhóm vấn đề, còn chất vấn ở diện rộng rất khó ra nghị quyết.

Chất vấn theo chuyên đề có điểm tích cực là Quốc hội tập trung vào một vấn đề và chọn vấn đề nóng nhất để chất vấn trên tinh thần trao đi đổi lại để có hướng xử lý. Sau đó Quốc hội ra nghị quyết để Chính phủ tập trung giải quyết trên cơ sở Quốc hội giám sát thì vấn đề sẽ được giải quyết triệt để. 

Theo ĐB Hồng, trong một nhiệm kỳ, Quốc hội tổ chức 2 phiên chất vấn tổng thể (giữa và gần cuối nhiệm kỳ) như cách làm của Quốc hội khóa XIV là phù hợp. Vừa chất vấn theo chuyên đề, vừa chất vấn tổng thể sẽ tạo được bức tranh toàn diện, có chiều sâu trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem