Ngày 28/11, tại TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra hội thảo khoa học "Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới"; sinh hoạt thường niên Câu lạc bộ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) các tỉnh, thành phía Nam năm 2020.
Giáo viên lo lắng về dạy tích hợp
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung làm rõ vai trò của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trước yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông; phân tích, đánh giá thực trạng và đưa ra những kiến nghị về chính sách để phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý trước yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, đặc biệt là trước yêu cầu của việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Toàn cảnh hội thảo
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk), cho rằng một trong những điểm mới là việc tích hợp liên môn để giúp học sinh giảm tải. Tuy nhiên, từ trước đến nay, giáo viên chủ yếu dạy chuyên sâu 1 môn học, việc tích hợp nhiều môn học đòi hỏi giáo viên phải có năng lực hiểu sâu và rộng mọi lĩnh vực và đây chính là thách thức lớn đối với giáo viên và nhà trường.
Lắng nghe ý kiến, đề xuất của giới chuyên môn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ dành trọn 1 giờ để phát biểu. Ông đề cập nhiều vấn đề đang được dư luận quan tâm, trong đó có sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 1 mới - bộ Cánh Diều, việc chuẩn bị thay thế SGK lớp 2 và lớp 6.
Đối với vấn đề chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói rằng trước hết, phải đổi mới tư duy, nhận thức và phương pháp trong quản lý, dạy học, giáo dục cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đây là nhân tố then chốt quyết định sự thành bại của đổi mới giáo dục.
Về những băn khoăn trong việc triển khai dạy tích hợp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin: Vấn đề này sẽ được thực hiện theo lộ trình từ đơn môn đến liên môn rồi mới tiến tới tích hợp. Trong quá trình đó, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các trường sư phạm thay đổi hình thức đào tạo, mở thêm các lớp đào tạo, tập huấn để thầy cô nâng cao năng lực chuyên môn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội thảo
"Hiện nay, một số thầy cô đang cảm thấy băn khoăn về việc lấy đâu ra giáo viên dạy tích hợp nhưng thực tế không phải như thế mà có lộ trình. Chúng ta không quyết tâm từ bây giờ thì không bao giờ có giáo viên dạy tích hợp, mà tích hợp là xu hướng quốc tế" - ông Nhạ nhấn mạnh.
Nhiều sách cũng có "sạn"
Vấn đề phụ huynh, dư luận cả nước quan tâm, bức xúc thời gian qua là SGK, với những "hạt sạn "lớn trong SGK Tiếng Việt lớp 1 mới - bộ Cánh Diều.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, khởi đầu năm học khoảng 3 tháng về cơ bản là tốt nhưng "có một số vấn đề dẫn tới đâu đó hình ảnh của ngành bị ảnh hưởng". Thực hiện sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện, khó tránh khỏi những thiếu sót nhưng phải vững vàng, có niềm tin vào đổi mới, niềm tin những gì đã, đang làm và sẽ làm theo đúng đường lối chính sách của Đảng.
Nói về bộ những lùm xùm liên quan đến SGK, Bộ trưởng GD-ĐT nói từ điển còn hiệu đính, huống hồ SGK. Không chỉ Cánh Diều mà các bộ sách khác cũng có "sạn".
"Tư lệnh" ngành GD-ĐT yêu cầu toàn ngành cần vững vàng trong lộ trình đổi mới giáo dục; kiên định, tránh "đẽo cày giữa đường", tránh cực đoan nhưng cần cầu thị lắng nghe. Cần phải rút kinh nghiệm từ SGK lớp 1; SGK lớp 2 và lớp 6 phải chuẩn bị tốt. Tác giả, nhà xuất bản, các khâu liên quan từ biên soạn đến phát hành mẫu SGK phải cẩn thận, bám sát chương trình.
"Tôi đề nghị phải bám sát kế thừa của bộ sách hiện nay về cứ liệu, phương pháp... Ngôn ngữ sách phải trong sáng, chuẩn mực, phù hợp lứa tuổi. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng. Cố gắng không có "sạn" về văn hóa, chính trị, tín ngưỡng…" - bộ trưởng lưu ý.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng hoa cho các tân Giám đốc Sở GD-ĐT
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, công tác chuẩn bị biên soạn SGK sẽ trải qua nhiều vòng. Bộ GD-ĐT đã có văn bản, mỗi sở chọn 10 thầy cô có kinh nghiệm, nhiệt huyết góp ý nội dung vì không ai góp ý sát, chặt chẽ bằng các thầy cô. Sau khi hoàn chỉnh nội dung, sẽ gửi cho tất cả các thầy cô xem, tiếp tục góp trước khi in thành sách.
"Trước đây, SGK in xong, giáo viên mới được xem, nay trước khi in giáo viên được tiếp cận rất kỹ, sau đó góp ý, xuất hiện gì sẽ chỉnh sửa, đính chính, chứ ngồi cầu toàn không bao giờ là đủ được. Qua các vòng, qua ý kiến SGK sẽ tốt lên. Đây là nhiệm vụ, quyền lợi của giáo viên, không ai làm thay được" - ông Nhạ nhấn mạnh.