Dân Việt

7 bài học rút ra từ 44 ngày xung đột đẫm máu ở Nagorno-Karabakh

Phạm Tri 30/11/2020 09:57 GMT+7
Dưới sự trung gian hoà giải của Nga, Armenia và Azerbaijan đã kết thúc cuộc đụng độ đẫm máu để tranh chấp khu vực Nagorno - Karabakh kéo dài 44 ngày.

Đây có thể coi là một cuộc chiến tranh quy ước xảy ra giữa 2 quốc gia mà đã lâu không xảy ra trên toàn cầu.

Armenia đồng ý với việc phải từ bỏ một dải đất lớn bên trong và xung quanh vùng đất ly khai, nằm bên trong đường biên giới được quốc tế xác nhận của Azerbaijan. Thủ tướng Nikol Pashinyan của Armenia gọi đó là thỏa thuận "đau đớn kinh khủng". 

Chiến thắng vẻ vang cho Azerbaijan, đạt được nhờ sự đánh đổi về nhân lực và vật chất, đã khiến các nhà phân tích quân sự quan tâm sâu sắc và rút ra một số bài học cho các cuộc chiến trong tương lai.

Đặc biệt là việc khai thác, sử dụng hiệu quả các hệ thống máy bay không người lái (UAV) hoặc thiết bị bay không người lái của Azerbaijan đã hạ gục nhiều trang thiết bị phòng không và thiết giáp của Armenia, dẫn đến những tranh luận đáng chú ý xung quanh việc tiếp tục sử dụng xe tăng chiến đấu trong những chiến dịch đụng độ quân sự khốc liệt trong tương lai. 

Xuất hiện nhiều ý kiến trên các kênh truyền thông và được minh họa bằng các đoạn video ngắn chia sẻ trên mạng xã hội, rằng các trang thiết bị thiết giáp có thể đã quá lỗi thời khi đối đầu với các cuộc tấn công chính xác từ trên không của các thiết bị bay UAV.

7 bài học rút ra từ 44 ngày xung đột đẫm máu ở Nagorno-Karabakh - Ảnh 1.

Lực lượng quân đội Azerbaijan

Tuy nhiên, kết luận trên còn nhiều thiếu sót và che khuất đi các bài học chiến thuật quan trọng được rút ra từ cuộc đụng độ, có 7 điều chủ đạo nổi bật cần nêu ra ở đây là:

Thứ nhất: Các phân tích về kết quả của cuộc giao tranh của các nhà bình luận đều không đưa ra được chứng cứ thuyết phục nào cho thấy xe tăng chiến đấu và thiết bị bọc thép khác không còn phát huy hiệu quả trong chiến trường hiện đại với lý do dễ bị vô hiệu hóa và tiêu diệt bởi các thiết bị UAV. 

Hiện nay, một số nước trong đó có các nhà quân sự của Anh cho rằng các thiết giáp là mẫu hình tồi tệ nhất trong việc bảo vệ người lính sử dụng phương tiện chống lại các thiết bị UAV, tác dụng của lực lượng thiết giáp chỉ làm bia đỡ đạn thay cho lực lượng khác. Tuy nhiên, diễn biến thực tế cho thấy những người lính bị thương hoặc thiệt mạng trong những cuộc chiến gần đây ở môi trường mở ngoài trời hoặc trong một vị trí cố định, giống như địa điểm chỉ huy và những phương tiện không được bọc giáp, thường ở tình trạng tồi tệ hơn nhiều so với những người lính được bảo vệ bởi những phương tiện bọc thép, một phần do sự hạn chế về mức độ tải trọng xuyên giáp có thể mang của UAV. 

Vì lẽ đó, đến nay vẫn chưa có phương tiện thay thế hữu hiệu cho vai trò của xe tăng và những phương tiện bọc thép khác sử dụng trong chiến tranh cơ động và hỗ trợ hỏa lực tầm gần cho bộ binh tiến công trong chiến trường hiện đại. UAV và bộ binh trang bị hạng nhẹ hầu như không có khả năng giữ và phòng thủ mặt đất trong một thời gian kéo dài.

Thứ hai: Phương pháp tấn công chính xác bằng không quân của lực lượng Azerbaijan đã dần làm suy yếu một cách có hệ thống các khí tài phòng không của Armenia khẳng định tầm quan trọng của các loại đạn động năng tấn công tầm ngắn đến tầm xa kết hợp với tình báo phân tán, giám sát, thu nhận các mục tiêu và trinh sát (thuật ngữ quốc tế gọi là năng lực ISTAR). UAV đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trong sử dụng tấn công và các mặt khác của năng lực ISTAR, và quân đội các nước cũng sẽ cần phải điều chỉnh phương án tác chiến lâu dài theo hướng này. Tuy nhiên, đây có thể là một việc khó khăn với các nước có sức mạnh quân sự vừa và nhỏ vì nó yêu cầu một nguồn lực tài chính mạnh để có thể trang bị số lượng hạn chế những vũ khí và thiết bị theo yêu cầu ISTAR. 

Vì vậy, có một lý do hợp lý để nhận định rằng những cuộc chiến quy ước trong tương lai, các nước sẽ tăng cường sử dụng năng lực ISTAR và khả năng tấn công đường không chính xác và nó cũng chỉ phát huy hiệu quả tối đa ở thời điểm khởi đầu của cuộc chiến, để tiêu diệt và vô hiệu hóa nhân lực và trang thiết bị phương tiện của đối phương.

Thứ ba: Cuộc chiến cũng đã cho thấy tầm quan trọng của tấn công tầm xa không động năng hay còn gọi là chiến tranh điện tử để phòng thủ chống lại tấn công động năng và không động năng. Azerbaijan đã nhanh chóng phân tách những hoạt động tác chiến điện tử của Armenia trong ngày đầu tiên nổ ra cuộc chiến. 

Sau đó các thiết bị UAV của Azerbaijan hoạt động ngoài tầm với của các vũ khí phòng không chiến thuật của Armenia hoặc thường bay rất thấp để tấn công các hệ thống vũ khí của Nga trong biên chế quân đội Armenia giống như hệ thống vũ khí phòng không tầm gần và trung Pantsir-S1. Armenia đã có thể chống lại một số hoạt động UAV của Azerbaijan bằng việc triển khai các hệ thống tác chiến điện tử như làm nhiễu tầm xa, thông tin chưa được xác nhận có thể đó là nhờ khai thác tốt các hệ thống tác chiến điện tử của Nga.

Tuy nhiên, tác chiến điện tử cũng không phải là thuốc chữa bách bệnh, nó cần phải được phối hợp với hệ thống phòng không khác để phòng thủ hiệu quả các mối đe dọa từ đường không.

Thứ tư: Cuộc chiến cũng chỉ ra rằng cần phải có khái niệm và học thuyết hợp nhất những nền tảng kế thừa như xe tăng chiến đấu và khí tài tác chiến điện tử với khả năng công nghệ mới bao gồm cả UAV. Điều này cũng bao gồm tích hợp các hoạt động phòng thủ, tấn công mạng điện tử và chiến tranh thông tin. 

Mặc dù tác chiến mạng không đóng vai trò chủ đạo trong cuộc chiến này, nhưng nó cũng được sử dụng để vô hiệu hóa thậm chí phá hủy những khí tài điều khiển chỉ huy và kiểm soát hệ thống phòng không khi bắt đầu một cuộc xung đột cường độ cao trong tương lai.

Về lâu dài, tất cả các nước muốn phát triển nền quân sự tiên tiến sẽ phải chuyển đổi từ cơ cấu tập trung sang cơ cấu lực lượng tập trung tích hợp mạng. Trong thập kỷ sắp tới, quân đội cần phải hiểu rõ cách kết hợp một cấu trúc lực lượng hỗn hợp tích hợp các hệ thống vũ khí, thiết bị thế hệ trước với các công nghệ mới sẽ tạo được lợi thế khi phải đối đầu với kẻ thù trong chiến đấu với cường độ cao. 

Điều này có thể áp dụng đối với tất cả quân đội các nước từ lực lượng nhỏ, vừa đến các cường quốc quân sự. Có rất nhiều trang thiết bị, phương tiện của nhiều lực lượng với tính chất, đặc tính kỹ thuật, khả năng chiến đấu cũ đã có sẵn trong biên chế và quân đội cần phải tìm cách để nâng cấp và tích hợp chúng lại để phát huy sức mạnh của cả hệ thống.

Ở cách xa chiến tuyến, một cuộc chiến khác cũng đồng thời diễn ra quyết liệt không kém, đã xác nhận về sự quan trọng của không gian thông tin đối với cuộc chiến tranh tương lai. Cả hai bên đều mở rộng những nguồn lực đáng kể để cố gắng kiểm soát các luồng thông tin xung quanh cuộc giao tranh. 

Huy động dư luận quốc tế ủng hộ đất nước của họ và thu hút sự chú ý của các chính phủ nước ngoài. Nền tảng truyền thông trên mạng xã hội, đặc biệt là Twitter là đấu trường trung tâm cho cuộc chiến thông tin, với những công dân bình thường và các con Bot tự động tranh cãi bằng những đoạn hội thoại gọi là "Hashtag" về kết quả của cuộc chiến ở Nagorno - Karabakh và có những luận điệu cáo buộc, biện minh, gây hấn được đưa ra từ cả 2 bên.

Thứ năm: Cuộc chiến đã thể hiện thực tế quan trọng đó là trong các cuộc xung đột hiện đại phải kết hợp sử dụng các loại vũ khí một cách đồng bộ, hiệu quả ở cấp độ chiến thuật dựa trên thực tế khi quân đội Armenia phải lĩnh hậu quả tàn khốc theo cấp số nhân do không thực hiện hoạt động này. 

Sự thất bại trong phối hợp của một bộ phận đơn lẻ với hệ thống hoạt động vũ khí, như bộ binh không thể hỗ trợ cho thiết giáp, hoặc tổ hợp phòng không không thể bảo vệ được pháo binh sẽ tạo thành một lỗ hổng lớn trong hệ thống phòng thủ và nhanh chóng bị khai thác. 

Ví dụ lực lượng tăng thiết giáp của Armenia đã liên tục có số lượng tỷ lệ thương vong đặc biệt cao trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến, sau khi Azerbaijan thành công trong phá hủy một loạt các hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn. Hệ thống phòng không thay thế cho các thiết bị đã bị phá hủy chỉ có thể khắc phục một phần sau những thiệt hại đáng kể của quân đội Armenia chỉ khi nó được tích hợp vào mạng lưới cảm biến rộng hơn và kết nối với những hệ thống phòng không khác. 

Thứ sáu: Trang thiết bị phương tiện và vật chất có tỷ lệ hao mòn cao liên quan trong những cuộc chiến thúc đẩy nhu cầu cần thiết của các nền tảng và hệ thống vũ khí có thiết kế, độ tin cậy cao và khả năng dễ bảo trì chi phí thấp, có thể tái sử dụng và cuối cùng có thể sử dụng hiệu quả. 

Cũng phải khẳng định rằng, công tác huấn luyện về hoạt động của các loại vũ khí phải gắn liền với học thuyết chỉ huy tập trung và áp dụng hiệu quả, linh hoạt các loại chiến thuật, nếu không các lực lượng nhất định sẽ phải gánh chịu một tỷ lệ tiêu hao đặc biệt cao trong chiến tranh quy ước hiện đại. Những phân tích sơ bộ cho thấy quân đội Armenia quá chậm chạp để thích nghi và thay đổi các quy trình và học thuyết hoạt động tiêu chuẩn trong cung ứng và hậu cần.

Điều tương tự đối với khu tập kết quân đội, ngay từ khi bắt đầu cuộc chiến đã quá gần chiến tuyến và hầu hết không được bảo vệ, các vị trí cố định của Armenia nhìn chung không được gia cố bảo vệ đủ vững chắc để chống lại tấn công từ trên không và pháo binh, điều này chứng tỏ cần phải nhấn mạnh sự thay đổi về học thuyết mới về kỹ thuật quân sự, đặc biệt là kỹ thuật chiến đấu. Cuộc chiến cũng cho thấy cần phải nâng cao khả năng chỉ huy điều hành và trao quyền cho các chỉ huy cơ sở ở cấp đại đội và trung đội để tiến hành cơ động trong các đội hình nhỏ hơn.

Thứ bảy: Là tổng hợp của tất cả các yếu tố ở trên và có lẽ là điều quan trọng nhất rút ra sau cuộc chiến: Nguồn lực chính yếu nhất của quân đội trong những thập kỷ tới sẽ vẫn là yếu tố con người vận hành.

Như giáo sư Robert Bateman, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Đại học Georgetown, Washington DC đã xác định nguyên nhân gây ra tỷ lệ thiệt hại cao của các xe tăng và phương tiện thiết giáp trong cuộc chiến quan phân tích những video được phổ biến trên mạng đã làm sáng tỏ khả năng sát thương khủng khiếp của UAV xuất phát từ lý do các xe tăng của Armenia tập trung lại với nhau cùng một chỗ, không cơ động phân tán rộng theo đội hình để đảm bảo điều kiện chiến đấu. Yếu điểm này chỉ ra lỗi nghiêm trọng do yếu tố con người khi không được huấn luyện hiệu quả. Thương vong thấp hơn của phía Azerbaijan không chỉ là kết quả từ những năng lực vượt trội của thiết bị UAV, mà do sự chuẩn bị kỹ càng và huấn luyện tốt hơn. Không ngạc nhiên khi Azerbaijan là bên chủ động gây chiến từ ban đầu.

Do đó những điểm rút ra trong cuộc chiến này chính là cần phải đầu tư mạnh cho công tác huấn luyện quân sự thực địa cùng với tích hợp và phân tán hoạt động vũ khí đa địa hình. Trong tương lai, những người chỉ huy quân đội trên thế giới có thể sẽ được trang bị tất cả năng lực tấn công và khả năng phân tích dự báo nhờ công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI), nhưng nếu họ không thông thạo các nguyên tắc cơ bản trong chiến tranh cơ động, họ vẫn sẽ phải gánh chịu nhiều thương vong không đáng có trong chiến trường tương lai.

Cuộc chiến Nagorno - Karabakh có thuộc tính duy nhất còn nhiều yếu tố liên quan, gây khó khăn để tổng kết và có nguy cơ làm cho chúng ta rút ra những kết luận sai lầm khi nói đến chiến tranh cường độ cao và huy động sức mạnh tổng lực to lớn. Tuy nhiên, có thể rút ra một bài học lâu dài, xuyên suốt qua tất cả các cuộc chiến, đó là nếu một quân đội được huấn luyện bài bản và việc bảo dưỡng, bảo quản phương tiện, khí tài quân sự tốt thì sẽ có đủ sức mạnh để đánh gục bất cứ quân đội đối phương có tổ chức kỷ luật kém, dù được trang bị ứng dụng công nghệ cao nào đi nữa.