Đó là thông tin từ bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường (TNMT) TP.HCM, khi đề cập tới việc thực hiện Cuộc vận động "Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước".
Vận động mọi người dân không xả rác ra môi trường
Thật vậy, ngay 19/10/2018, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 19-CT/TU, về thực hiện cuộc vận động trên. Đây là cuộc vận động sâu sắc và toàn diện, được triển khai đến từng hộ dân ở TP.HCM, nhằm thực hiện bảo vệ môi trường TP.HCM.
Bởi, bảo vệ môi trường không chỉ là một trong những nhiệm vụ hết sức cấp bách làm cơ sở cho việc xây dựng những định hướng chiến lược cho sự phát triển bền vững cho mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mà cón là nhiệm vụ của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức cộng đồng và của mọi cá nhân.
Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nói chung và vấn đề xả rác bừa bãi nói riêng, là một bài toán khó, đòi hỏi phải có một quá trình thực hiện thường xuyên, xuyên suốt và lâu dài.
Chỉ thị 19 là mệnh lệnh yêu cầu mọi tổ chức cá nhân phải đẩy mạnh các giải pháp giải quyết vấn nạn xả rác bừa bãi trên địa bàn TP. Từ xây dựng, hoàn thiện các chính sách quản lý, sắp xếp lại lực lượng thu gom rác, chuyển đổi phương tiện, đến tăng cường các biện pháp chế tài hành vi vi phạm.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TNMT TP.HCM: Từ ngày Chỉ thị 19 ra đời cho đến nay, TP.HCM đã tăng cường công tác quản lý nhà nước, phát động nhiều cách làm hay, huy động mọi người dân thực hiện công tác bảo vệ môi trường TP.HCM.
Kết quả bước đầu đã tạo được chuyển biến về ý thức giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường của người dân TP. Hành vi vi phạm xả rác ra môi trường đã được xử lý nghiêm minh.
Tăng cường quản lý nhà nước, xử lý nghiêm hành vi vi phạm
Báo cáo chính thức của Sở TNMT thống kê: Toàn TP đã có 321/322 phường – xã – thị trấn đã tổ chức đối thoại với nhân dân. Có trên 2,1 triệu hộ dân đã cam kết thực hiện bảo vệ môi trường, đạt tỷ lệ 99,9%. TP đã tiếp nhận và xử lý được 20.937/20.999 ý kiến phản ánh về môi trường.
Đặc biệt, TP đã ghi nhận và nhắc nhở 10.223 trường hợp, xử phạt đối với 13.325 trường hợp xả rác ra môi trường, với tổng số tiền xử phạt khoảng 25,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, TP cũng rà soát, giải tỏa được 824/825 điểm ô nhiễm về rác thải, chuyển hóa 142 điểm thành khu vực sinh hoạt cộng đồng và hiện còn 27 điểm đang tiếp tục triển khai giải quyết.
Bên cạnh đó, TP đã trang bị 37.400 thùng rác công cộng, vận động 2.366 đường dây thu gom rác dân lập vào các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, đã chuyển đổi 675/1.941 phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.v.v…
Chưa kể, TP đã vận động xã hội hóa việc lắp đặt, bổ sung các camera an ninh: Tổng số camera đã lắp đặt bổ sung đến nay là 37.321 camera.
Vẫn theo Sở TNMT, thì ngoài việc tuyên truyền vận động hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, tăng cường sử dụng sản phẩm than thiện với môi trường đến tận từng cán bộ, công chức, người dân, TP.HCM còn thực hiện nạo vét, khơi thông dòng chảy 5 tuyến kênh của TP.HCM.
Ông Huỳnh Minh Nhựt – Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường – Đô thị TP.HCM - nhận định: "Thành tựu trên là kết quả của sự quyết tâm và nỗ lực của chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, sự lan tỏa và đi vào nhận thức của người dân trong công cuộc bảo vệ môi trường".
Tuy nhiên, vẫn cón một bộ phận có ý thức chưa cao, dẫn đến một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục như: một số tuyến đường, công trình công cộng, công trường xây dựng… vẫn cón tình trạng xả rác bừa bãi, mất vệ sinh; hành vi ứng xử với môi trường của một số người dân vẫn còn rất tệ, như: xả rác xuống kênh rạch, xả rác trên đường, nơi công cộng…
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TNMT TP.HCM: "Thời gian tới, TP cần tăng cường hướng dẫn cách phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành 2 nhóm (nhóm chất thải có thể tái chế, tái sử dụng và nhóm chất thải cón lại) để phù hợp với công nghệ xử lý.
Mặt khác, phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước, xử lý nghiêm các vi phạm về vệ sinh môi trường là hết sức quan trọng".