Không hoảng sao được khi rất nhiều người dân có thói quen bất cứ món gì không xài được đều mang ra thùng rác: từ cái bàn, cái ghế đến cục pin, rồi sử dụng túi ni lông vô tội vạ, xài 1 lần là cho vào sọt rác.
Thử cân rác tính tiền cho một gia đình cơ bản gồm 4 người (vợ chồng và 2 đứa con nhỏ), mỗi ngày thải ra 2- 3 kg rác, trung bình mỗi tháng khoảng 80 kg, nếu tiền rác tính theo Quyết định 38/2018/QĐ-UBND của UBND TP HCM ban hành năm 2018 về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, thì số tiền hộ này phải trả trong năm 2020 khoảng 40.000 đồng/tháng. Tức ngang với mức giá thu gom hiện nay. Riêng chi phí xử lý rác, ngân sách Nhà nước vẫn cấp bù, sau năm 2022 người dân mới trả phí này với mức 475.000/kg.
Quyết định 38 rõ ràng đã tính toán đến việc cân rác tính tiền theo tinh thần người dân phải trả đúng, trả đủ lượng rác thải ra, hạn chế lượng rác phát thải mỗi ngày, giảm gánh nặng cho ngân sách TP; đồng thời nâng cao hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn. Thế nhưng gần 2 năm kể từ khi Quyết định 38 có hiệu lực và TP giao về UBND các quận huyện ban hành giá thu gom trên địa bàn, đến nay vẫn chưa có địa phương nào ban hành chính thức, chỉ duy nhất huyện Củ Chi ban hành đơn giá 27.000 đồng hộ/tháng (trong đó 10.000 chi phí vận chuyển, 17.000 chi phí thu gom, khiến người thu gom rác phản ánh vì thu không đủ bù chi và huyện này đang tính toán lại).
Hầu hết các địa phương chưa thể ban hành giá thu gom vì cho rằng mức giá thu gom tại nguồn mà TP đưa ra còn thấp với thực tế, việc cân đo chính xác lượng rác thải cần phải tính toán lại nhằm đảm bảo tính chính xác, công bằng giữa các hộ dân. Rõ ràng, một hộ thải ra 1 kg rác không thể trả phí bằng một hộ thải ra 10 kg rác.
Tại TP HCM, mỗi tháng phát sinh khoảng 9.500 tấn rác thải sinh hoạt, lượng rác này tăng khoảng 10%/năm, ngân sách TP mỗi năm chi hơn 2.000 tỉ đồng để vận chuyển, xử lý. Theo các chuyên gia, việc cân rác trả tiền sẽ tác động đến túi tiền người dân từ đó giúp giảm phát thải một cách vô tội vạ như hiện nay. Muốn hạn chế phát thải, người dân buộc phải phân loại rác tại nguồn tốt hơn, khi phân loại rác tại nguồn tốt họ sẽ có chi phí từ việc bán ve chai, phế liệu để bù chi phí trả tiền rác. Riêng Nhà nước khi người dân phân loại rác tại nguồn tốt, nguồn rác tái chế thay vì vào bãi chôn lấp sẽ là nguyên liệu đầu vào tiếp tục đẻ ra tiền, giảm chi phí xử lý đáng kể cho ngân sách.
Việc người dân phản ứng là do đã quen với việc trợ giá Nhà nước nhiều năm nay. Đã đến lúc, ngân sách Nhà nước phải ngừng bao cấp chi phí xử lý và vận chuyển rác, tiến đến người dân phải trả đúng trả đủ cho chi phí rác mình thải ra. Chỉ như vậy việc phân loại rác tại nguồn, giảm rác phát thải mới hiệu quả. Còn thực hiện như thế nào để đảm bảo công bằng, hiệu quả thì cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn các đơn vị thu gom. Bên cạnh đó, các chế tài về việc xả rác không đúng quy định phải thực hiện nghiêm nhằm tránh tình trạng người dân mang rác xả ra đường, kênh rạch.
Ở nhiều nước, muốn mang bỏ một cái bàn cũ, để không tốn chi phí vận chuyển và xử lý, người dân phải tự rã ra, khuân lên xe và mang đến điểm tiếp nhận. Chi phí trả tiền rác được tính theo ký nên hầu hết các loại rác như vỏ rau củ, cơm, vỏ trứng…đều được tận dụng làm phân hữu cơ bón cây. Cân rác tính tiền là chuyện không mới, thế giới đã thực hiện từ lâu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.