Theo bà con ngư dân quanh khu vực đầm Ô Loan (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), do ảnh hưởng nước ngọt từ thượng lưu đổ về, kèm theo gió mạnh khiến tôm đất phải di chuyển trên đầm Ô Loan.
Nắm bắt được yêu tố này, nên trong những ngày qua, bằng nhiều hình thức khai thác, đánh bắt như đóng đáy, đăng chấn, hoặc thả lưới, thả lờ, bình quân mỗi đêm mỗi ngư dân có thể khai thác được từ 1,2 - 1,5kg tôm đất đặc sản.
Đáng chú ý, tại các xã An Cư, An Hòa Hải và An Ninh Đông, nhờ tôm đất xuất hiện dày nên mỗi đêm có nhiều ngư dân khai thác được từ 3 - 5kg tôm đất.
Tuy nhiên, phần lớn tôm đất khai thác được ở đầm Ô Loan trong thời gian gần đây có kích cỡ còn quá nhỏ, chỉ từ 260 - 280 con/kg.
Do vậy, giá bán tôm đất đặc sản trên thị trường quá thấp, chỉ từ 130.000 - 170.000 đồng/kg.
Nhưng nhờ sản lượng tôm đất khai thác được tương đối, nên ngư dân hành nghề khai thác thủy sản trên đầm Ô Loan vẫn có thu nhập cao so với nhiều tháng trước đây.
Mặc dù có nguồn tôm đất đặc sản khá dồi dào, nhưng một số tiểu thương chuyên mua bán hải sản tại đây cho biết, nếu để tôm đất tiếp tục sinh trưởng trong tự nhiên từ 10 - 15 ngày nữa, thì trọng lượng của tôm sẽ tăng đáng kể.
Và nếu để tôm đất đặc sản sinh trưởng trong đầm Ô Loan khoảng 10-15 ngày thì nguồn lợi từ tôm đất đem lại cho ngư dân có thể cao gấp 2 - 3 lần so với thời điểm hiện nay.
Tôm đất là một trong những đối tượng thủy sản tự nhiên ở đầm Ô Loan, được xếp vào hàng con đặc sản ở huyện Tuy An.
Ở đầm Ô Loan (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) cao điểm tôm đất đặc sản xuất hiện bắt đầu vào tháng 9 và cho khai thác đến tháng 2 năm sau.
Nhờ chế biến được nhiều món ăn ngon, món ăn bổ dưỡng, nên tôm đất đặc sản này thường bị hút hàng trên thị trường, nhất là trong dịp Lễ, Tết./.