Theo Quyết định số 242/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, thì hết năm 2020, tất cả các ngân hàng thương mại phải đưa cổ phiếu ngân hàng niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.
Đó chính là lý do khiến các nhà băng hối hả chào sàn trong những tháng gần đây. Đến nay, đã có 3 "tân binh" ngân hàng giao dịch trên UPCoM và 2 ngân hàng đã chuyển sàn thành công từ UPCoM lên niêm yết trên HoSE. Và theo dự kiến, có 5 ngân hàng lên HoSE trong thời gian tới.
Cụ thể, ba mã chứng khoán mới xuất hiện và đăng ký giao dịch trên UPCoM trong năm vừa qua bao gồm BVB (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt), SGB (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Công Thương) và NAB (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á).
2 ngân hàng đã chuyển sàn thành công từ UPCoM lên niêm yết trên HoSE là cổ phiếu LPB của LienVietPostBank. LienVietPostBank cũng chính là ngân hàng đầu tiên niêm yết thành công trên HoSE trong năm 2020.
Ngay sau LPB, hơn 924 triệu cổ phiếu của ngân hàng VIB chính thức giao dịch trên HoSE từ ngày 10/11 với giá tham chiếu 32.300 đồng/cp.
Chưa dừng lại ở đó, loạt ngân hàng như ACB, SHB, OCB, SeABank, MSB cũng đang rục rịch lên sàn, chuyển sàn.
Mới đây nhất, ACB thông báo đã dừng giao dịch trên HNX từ ngày 2/12 để thực hiện chuyển sàn. Hơn 2,16 tỷ cổ phiếu này sẽ chính thức giao dịch trên HoSE từ ngày 9/12 với giá tham chiếu 26.400 đồng/cp, biên độ dao động trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20%.
Lãnh đạo ACB cũng không giấu tham vọng khi chuyển sang HoSE cổ phiếu ACB sẽ được lọt vào rổ chỉ số của HoSE với tỷ trọng đáng kể như VN30 (tỷ trọng khoảng 4%), VN DIAMOND (10%), VN FINSELECT (12%). VN FINLEAD (12%)…
Theo nhận định của giới chuyên gia, trong năm nay, việc lên sàn hoặc chuyển sàn của các ngân hàng vẫn khá thuận lợi. Thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tăng trưởng tốt, thanh khoản tích cực so với các thị trường khác trong khu vực và thậm chí cả so với nhiều nước trên thế giới. Nhờ các chỉ số cơ bản tốt nên cổ phiếu ngân hàng vẫn đang nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư và có nhiều dư địa tăng trưởng.
TS. Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Đầu tư của Dragon Capital nhìn nhận, việc niêm yết cổ phiếu trong thời điểm hiện nay sẽ giúp các ngân hàng khẳng định giá trị của mình, đồng thời tiếp cận và thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao vị thế thương hiệu. Ông Tuấn đánh giá, hoạt động của ngành ngân hàng đang dần tăng trưởng và nợ xấu không đáng lo ngại.
Trên thực tế, những "tân binh" ngân hàng lên sàn, chuyển sàn thời gian qua có được thị trường "ưu ái"?
Diễn biến các cổ phiếu ngân hàng mới lên sàn
Nhìn lại diễn biến của các cổ phiếu của ngân hàng mới lên sàn hay chuyển sàn, có thể thấy, dù đáp ứng yêu cầu lên sàn theo quy định, song không phải cổ phiếu nào cũng chuyển động tích cực hậu lên sàn/chuyển sàn.
Cụ thể, với cổ phiếu BVB của VietCapitalBank. Ngày 9/7/2020, cổ phiếu BVB của VietCapitalBank lên UPCoM với giá tham chiếu 10.700 đồng/cổ phiếu và có lúc được giao dịch lên mức kịch trần 14.900 đồng/cổ phiếu ngay trong phiên. Cổ phiếu này cũng nhanh chóng tăng 30% chỉ trong vòng 3 phiên, đạt mức 18.200 đồng/cổ phiếu trong phiên ngày 13/7.
Tuy nhiên, ngay sau đó cổ phiếu này lao dốc mạnh và có lúc rớt xuống dưới mệnh giá. Mã BVB bắt đầu phục hồi lại kể từ tháng 10 và đến nay, đóng cửa ngày 3/12/2020, giá cổ phiếu BVB đứng ở mức 13.300 đồng/cp.
Nếu so với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên, thị giá của BVB đã tăng tới 24%. Tuy nhiên, so với mức giá chốt phiên giao dịch đầu tiên, thị giá của BVB đã bốc hơi 5% và giảm 26,9% so với mức giá đỉnh.
Cổ phiếu NAB của NamABank cũng tương tự. Hơn 389 triệu cổ phiếu nhà băng này giao dịch chính thức trên UPCoM từ ngày 9/10 với giá tham chiếu là 13.500 đồng/cp. Trong ngày giao địch dầu tiên, giá cổ phiếu này bất ngờ tăng tới hơn 18% và chốt phiên ở mức 16.000 đồng/cp. Sau gần 2 tháng niêm yết, chốt phiên giao dịch ngày 3/12, giá cổ phiếu NAB đứng ở mức 13.600 đồng/cp. So với giá chốt phiên giao dịch đầu tiên cũng là mức giá cao nhất từ khi lên sàn của NAB, thị giá hiện tại đã suy giảm 15% sau gần 2 tháng.
Thậm chí, cổ phiếu SGB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Công Thương nhanh chóng "rớt giá" từ những phiên đầu tiên (15/10). Theo đó, từ mức giá tham chiếu 25.800 đồng/cổ phiếu, SGB "lao dốc" giảm xuống 15.500 đồng trong phiên đầu, tương đương giảm 39,9%. Đáng nói, số phiên cổ phiếu này hồi phục chỉ đếm trên đầu ngón tay trong hơn 1 tháng vừa qua, chủ yếu là giảm và đứng giá.
Tính đến hiện tại, thị giá của SGB đứng ở mức 13.000 đồng/cp (Chốt phiên giao dịch ngày 3/12), tức là giảm 49,6 so với giá chào sàn và "bốc hơi" 16% so với giá chốt phiên giao dịch đầu tiên của mã cổ phiếu này trên sàn UPCoM.
Như vậy, có thể thấy, điểm chung của các "tân binh" ngân hàng này là thị giá đều đã giảm so với phiên giao dịch đầu tiên lên sàn, hiện chỉ quanh ngưỡng 13.000 đồng/cp.
Diễn biến các cổ phiếu ngân hàng mới "đổ bộ" lên HoSE
Tương tự, với nhóm ngân hàng mới chuyển sàn giao dịch, LPB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt cũng chính thức giao dịch trên HoSE từ ngày 9/11 với mức giá 11.800 đồng/cổ phiếu. Sau khi tăng nhẹ phiên đầu tiên, cổ phiếu này rớt giá 3 phiên liên tiếp. Chốt phiên 3/12, LPB đóng cửa ở mức 11.850 đồng/cp, giảm 4% so với giá chốt phiên đầu tiên chuyển sàn.
Đó là những "chuyển động" trước mắt, còn về dài hạn, theo đánh giá của nhiều chuyên gia chứng khoán, kinh tế Việt Nam vẫn đang được đánh giá tích cực trong trung, dài hạn. Khi kinh tế phát triển tăng trưởng, là ngành trụ cột, hệ thống ngân hàng sẽ càng mạnh, tăng trưởng tín dụng tốt hơn và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Do đó, trong dài hạn hơn nhóm cổ phiếu ngân hàng bao gồm cả các "tân binh" ngân hàng trên sàn chứng khoán vẫn là nhóm cổ phiếu triển vọng bên cạnh nhóm cổ phiếu cơ bản khác như tiêu dùng, công nghệ, dịch vụ, tài chính, bảo hiểm kể cả dầu khí. Thậm chí, trong giai đoạn hậu Covid-19 với triển vọng tốt hơn, nhóm cổ phiếu ngân hàng sôi động hơn và sẽ là mục tiêu của nhà đầu tư phòng thủ.