Hôm nay (4/12), tại phiên thảo luận và giải trình kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Hậu Giang khóa IX, vấn đề đời sống người dân làm nông nghiệp được được quan tâm đề cập. Cụ thể nhất là những khó khăn của người nông dân trồng mía và cam sành.
Tại kỳ họp, ông Nguyễn Tấn Phong, đại biểu ở TP Ngã Bảy phản ánh, hiện cây mía không còn là cây chủ lực của tỉnh Hậu Giang. Vậy khoảng 5.000 ha mía của tỉnh sẽ ra sao, đời sống người dân trồng mía sẽ như thế nào?
Ông Phong cũng nói: "Ngoài cây mía, cây cam sành đang được trồng chủ lực ở TP Ngã Bảy, có thương hiệu nhưng hiện nay đang... chết yểu. Vậy, hướng tới, lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh có hướng gì tìm đầu ra gì cho dân hoặc chuyển đổi cây giống gì không".
Một đại biểu khác ở huyện huyện Châu Thành A cũng đề nghị lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang có những giải pháp hỗ trợ người dân, nhất là cây mía.
Trả lời các vấn đề này, ông Trần Chí Hùng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, toàn tỉnh có 13 sản phẩm nông sản chủ lực và cây mía hiện nay đã không còn được xem là cây chủ lực. Mặc dù tỉnh không đưa cây mía vào sản phẩm chủ lực nhưng ngành nông nghiệp tỉnh vẫn quan tâm hỗ trợ.
Theo ông Hùng, hiện đầu ra cây mía rất bấp bênh, cả vùng ĐBSCL chỉ có ba nhà máy đường, riêng tỉnh Hậu Giang chỉ còn nhà máy đường Phụng Hiệp nằm ở huyện Phụng Hiệp.
Về cách tháo gỡ khó khăn cho người dân trồng mía, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, ngành nông nghiệp đã đề xuất UBND tỉnh xây dựng mô hình đưa cơ giới hóa vào sản xuất cây mía để giảm giá thành sản xuất, giúp tăng năng suất trên cùng diện tích trồng, để từ đó người dân có thêm lợi nhuận.
Cũng theo Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang, đơn vị này đã tham mưu lãnh đạo tỉnh xem xét quy hoạch lại diện tích mía phù hợp với nhu cầu của nhà máy đường trên địa bàn tỉnh.
Về cây cam sành, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho hay, do giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định diện tích cây cam sành trên địa bàn Hậu Giang giảm, từ hơn 15.000 ha xuống còn khoảng 8.000 ha.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các tỉnh phía Bắc phát triển rất mạnh cây có múi, trong đó có cây cam sành. Do đó, việc tiêu thụ cam sành bị cạnh tranh.
Thời gian tới, ông Hùng sẽ chỉ đạo các đơn vị có liên quan tìm giải pháp tiêu thụ tốt hơn cũng như nghiên cứu chuyển đổi cho phù hợp.