LTS: Sau thời kỳ "vàng" ngắn ngủi 1993 - 1998 của cây cà phê, đời sống của công nhân ngành cà phê chững lại rồi dần sa sút. Đặc biệt là trong quãng thời gian 10 năm trở lại đây với cơ chế "khoán trắng", tiếp đó là việc tái canh chưa đạt như kỳ vọng, cổ phần hóa bế tắc đã khiến đời sống người công nhân lâm vào cảnh túng quẫn. Câu hỏi "đi về đâu các công ty cà phê?" đang ngày càng nhức nhối…
Từ vị trí 20 trong số 70 quốc gia sản xuất cà phê cuối thập niên 1980, năm 1991 Việt Nam đã vượt lên trở thành "cường quốc cà phê" với thứ hạng nhì thế giới, chỉ đứng sau Brazil.
Trong xu thế bùng nổ của loại cây được cho là "xóa đói giảm nghèo", Gia Lai – từ một tỉnh trắng tên trên bản đồ cũng đã vượt lên trở thành một trong những vùng đất chuyên canh cà phê chủ lực của cả nước.
Đuối sức với vườn cây
Trước tình hình vườn cây già cỗi, năng suất quá thấp, từ năm 2014 các công ty cà phê ở Gia Lai bắt đầu tổ chức tái canh. Sau hơn 4 năm, lứa cà phê tái canh đầu tiên đã bước vào chu kỳ kinh doanh.
Tuy nhiên "nước cờ" được gửi gắm bao hy vọng dần tắt, đời sống công nhân ngỡ sẽ được cải thiện lại càng thêm khó khăn…
Theo ông Vũ Tiến Hợp - Chủ tịch Công đoàn Công ty 705, với giá nhân công và vật tư hiện tại, năng suất vườn cây phải đạt từ 20 tấn quả tươi trở lên mới có lãi. Tuy nhiên chỉ 15 tấn đã ít người đạt tới, thì 20 tấn có lẽ là con số ước mơ.
Nhìn lô cà phê tái canh của mình sắp đến kỳ thu hoạch, ông Lê Quý Nhữ - Đội trưởng Đội 9, Công ty Cà phê 705 không giấu được vẻ lo âu. Đầu năm nay nắng hạn kéo dài, trong khi các vùng khác nhiều lắm cũng chỉ tưới 4 đợt, thì ở đây cà phê phải tưới nước đến 6 - 7 đợt mà quả vẫn nhỏ.
Bằng kinh nghiệm của người trồng cà phê lâu năm, ông Nhữ biết niên vụ này may ra thì chỉ lỗ khoản tiền tưới nước. Cứ tính khoảng 12 triệu đồng mỗi ha, gánh 5ha, chí ít ông cũng mất 60 triệu…
Là đội trưởng đội sản xuất, chắc không ai nghi ngờ kỹ năng thâm canh và sự gắn bó với vườn cây của ông và gia đình, ấy thế mà vẫn ôm nợ. Đội ông còn 12 công nhân, hầu hết ai cũng lỗ, cũng liên tục ôm nợ… Cà phê tái canh, công ty đưa định mức 16 tấn quả tươi/ha, nộp khoán 4 tấn. Tuy nhiên thực tế lô đạt năng suất cao cũng chỉ tới 15 tấn; còn lại bình quân chỉ 12 tấn.
Cứ làm một con tính đơn giản sẽ thấy: 12 tấn sau khi trừ nộp khoán, công nhân còn lại 8 tấn; quy ra cà phê nhân là khoảng 2 tấn. Với giá bán năm rồi, họ thu được 62 triệu đồng. Trong khi đó tổng đầu tư (gồm tiền tưới nước, phân bón, bảo hiểm, tiền công) gần 70 triệu đồng.
Công ty Cà phê 706 - một thời được coi là điển hình trong cung cách làm ăn nhưng đến nay dư nợ đã gần 40 tỷ đồng – trong đó nợ đọng của công nhân và người lao động trên 20 tỷ. Trên 50% số công nhân và người lao động mắc nợ công ty.
Đứng chân trên vùng đất thuận lợi hơn Công ty 75 rất nhiều cả về nước tưới và thổ nhưỡng nhưng Công ty Cà phê 706 cũng đang "đau đầu" với cà phê tái canh.
Anh Bình - một công nhân thuộc Đội 1 kể: Nhà tôi nhận khoán 2ha, tái canh từ năm 2009 - 2013 mới xong. Lô này niên vụ vừa rồi thu được 16 tấn quả tươi, nộp khoán cho công ty 6 tấn. 10 tấn còn lại tương đương 70 triệu đồng thì trừ các chi phí gồm: Tiền đầu tư phân hữu cơ, vô cơ; nước, vật tư, công thu hái hết 48 triệu…, tôi lãi 22 triệu đồng. Bình quân thu nhập mỗi tháng chỉ 1,8 triệu đồng sau một năm quần quật.
Theo anh Bình thì đấy là anh thuộc diện "làm giỏi nhất đội". Nhiều ha năng suất chỉ đạt đến 7 tấn quả tươi, thậm chí thấp hơn.
Theo anh, nguyên nhân của tình trạng tái canh mà năng suất thụt lùi là do công nhân đã… làm đúng theo quy trình của công ty. Lẽ ra sau một quy trình sản xuất, đất đai cằn cỗi thì phải giành thời gian ít nhất 1 năm để cải tạo. Thế nhưng vừa nhổ bỏ cây cũ, công ty đã cho trồng mới. Đã vậy suất đầu tư cho mỗi ha lại quá thấp (chỉ từ 115 - 145 triệu đồng/ha, trong khi định mức của Bộ NNPTNT là 140 - 200 triệu đồng).
Để dẫn chứng, anh Bình dẫn chúng tôi đến một góc lô nơi chất lượng vườn cây khác hẳn. "5 sào này tôi "làm lén" công ty bằng cách để đất nghỉ 1 năm, tự bù sản lượng rồi mới tái canh; lại bỏ tiền đầu tư thêm mới được thế này…". Theo anh, để có chất lượng vườn cây như 5 sào "làm lén" này, định mức đầu tư phải trên 200 triệu đồng/ha…
Nhiều vườn cà phê tái canh của các công ty khác ở những mức độ khác nhau cũng trong tình trạng "không như kỳ vọng".
Đặc biệt là quãng thời gian trên 10 năm trở lại đây, do giá cà phê xuống thấp, công nhân hầu như không bổ sung nguồn phân hữu cơ cho đất, trong khi lại lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất diệt cỏ; kiểu tưới nước chảy tràn khiến lớp đất bề mặt bị rửa trôi…, đất đai dần bị thái hóa và suy kiệt độ mùn nghiêm trọng.
Những món nợ truyền đời
Nợ nần - với công nhân ngành cà phê bây giờ có lẽ đã là "chuyện thường ngày ở huyện". Với năng suất và chất lượng vườn cây như vậy có lẽ không khó để trả lời câu hỏi "vì sao"…
Thực ra thì từ hơn 10 năm trước, đời sống của họ đã bắt đầu khó khăn thể hiện qua việc nợ sản phẩm. Từ đó theo thời gian, với đà xuống dốc của vườn cây và các yếu tố khách quan, tình trạng nợ đọng không những không được cải thiện mà còn chất chồng thêm trong bối cảnh hiện tại…
Công ty Cà phê 706 - một thời được coi là điển hình trong cung cách làm ăn nhưng đến nay dư nợ đã gần 40 tỷ đồng – trong đó nợ đọng của công nhân và người lao động trên 20 tỷ. Trên 50% số công nhân và người lao động mắc nợ công ty. Chỉ một đội sản xuất như Đội 3, bình quân mỗi công nhân phải gánh nợ 100 triệu đồng. Có những công nhân đang ôm nợ tới 200 triệu đồng. Đó là chưa tính những khoản nợ ngân hàng do công nhân tự vay thì còn cao gấp nhiều lần…
Trầm trọng hơn, Công ty 705 chỉ với 183 công nhân nhưng tổng dư nợ với công ty đã 20 tỷ đồng, có những công nhân nợ công ty tới 600 – 700 triệu đồng.
Công nhân nợ doanh nghiệp, doanh nghiệp nợ ngân hàng; nợ lưu cữu từ mùa này sang mùa khác, đời cha truyền sang đời con; nợ năm sau nhiều hơn năm trước, càng ngày nợ càng lún sâu… là bức tranh màu xám đang bao phủ hầu hết các doanh nghiệp cà phê.
Tình cảnh nợ nần của công nhân và người lao động lẽ ra sẽ nhẹ đi phần nào nếu các công ty tiếp cận được vốn vay ưu đãi 6,5%/năm dành cho tái canh. Thế nhưng do nợ nần mà có công ty đã phải vay vốn thương mại với lãi suất 11,6%/ năm.