Lợi ích kép từ nông nghiệp công nghệ cao
Trong những năm qua, nông dân huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) đã hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với các phương thức sản xuất khác nhau.
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao đem lại hiệu quả cao cho người sản xuất và lợi ích cho người tiêu dùng. Đặc biệt, nông nghiệp công nghệ cao làm đổi thay diện mạo bộ mặt nông thôn mới và thúc đẩy nền nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững.
Những năm qua, huyện Xuân Lộc đã tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và xem đây là giải pháp quan trọng hàng đầu để thực hiện đề án xây dựng huyện Xuân Lộc đạt nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng "Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững" giai đoạn 2018- 2025.
Trong xu thế hội nhập như hiện nay, đòi hỏi người sản xuất nông nghiệp cần phải thay đổi tư duy và sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả nhằm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường và an toàn cho người tiêu dùng.
Những năm gần đây, trên diện tích 5ha đất trồng rau, gia đình anh Vũ Văn Chuyển ngụ ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc đã mạnh dạn đầu tư áp dụng hệ thống nhà màng, nhà lưới trồng các loại rau ăn lá như cải ngọt, cải thìa, cải nhúng.
Bằng hình thức sản xuất gối vụ mỗi năm trồng 7 lứa rau, mô hình sản xuất trong nhà màng, nhà lưới đã giúp cho anh chủ động được việc tưới nước, chăm sóc và không phụ thuộc vào thời tiết bên ngoài.
Nông dân có lợi nhuận cao
Mô hình trồng rau công nghệ cao còn giúp anh Vũ Văn Chuyển giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của các loại côn trùng, sâu hại tới cây trồng nên không phải dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng như phân bón hóa học.
Anh Vũ Văn Chuyển hoàn toàn sử dụng các loại phân hữu cơ, phân chuồng, bảo đảm sản phẩm rau sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Các loại rau trong nhà màng, nhà lưới ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đã phát triển tốt, rút ngắn thời gian sinh trưởng nhưng lại cho năng suất cao hơn từ 2 đến 4 lần trên cùng diện tích so với trồng rau ngoài trời.
Do đó năng suất rau an toàn cũng như hiệu quả kinh tế từ vườn rau của gia đình anh Chuyển đem lại rất cao. Bình quân mỗi ha rau của gia đình anh cho sản lượng khoảng 130 tấn/ha/năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi ha anh thu lãi 160 triệu đồng.
Đặc biệt với việc trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nên khoảng 50% các loại rau của gia đình anh Chuyển được xuất bán tại các siêu thị ở TP.Hồ Chí Minh và TP.Biên Hòa, còn lại cung ứng cho các chợ tại địa phương, tạo đầu ra rất ổn định.
Huyện Xuân Lộc xác định ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là yếu tố then chốt nhằm tạo ra bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp và là cơ sở chuyển nhanh nền nông nghiệp hiện đại và phát triển bền vững.
Những năm qua, huyện Xuân Lộc đã tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác này và xem đây là giải pháp quan trọng hàng đầu để thực hiện đề án xây dựng huyện Xuân Lộc đạt nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng "Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững" giai đoạn 2018 - 2025.
Theo đó các hoạt động chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, tập huấn kỹ thuật và dạy nghề tới hội viên nông dân được đẩy mạnh. Qua các hoạt động nêu trên, giúp nông dân huyện Xuân Lộc từng bước đổi mới tư duy sản xuất. Nhiều hộ nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, góp phần tích cực làm đổi thay diện mạo nông thôn.
Có thể khẳng định rằng, từ việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã tạo sự chuyển mình cho nền nông nghiệp của huyện Xuân Lộc. Đầu tư xây dựng, phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần đưa nhiều chỉ tiêu chủ yếu của địa phương đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Ứơc tính đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của người dân huyện Xuân Lộc đạt 66,5 triệu đồng.