Chủ sở hữu, chủ đầu tư nhà yến đã được xây dựng nằm trong khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư.cần có thỏa thuận với các hộ dân liền kề xung quanh về cách thức đảm bảo vệ sinh môi trường, nếu không sẽ phải di dời đi nơi khác.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn ( Sở NNPTNN), trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, hiện có 371 hộ chăn nuôi yến với 416 nhà nuôi chim yến trên địa bàn 9/9 huyện, thị xã, thành phố.
Số nhà nuôi yến tăng hơn 2 lần so với năm 2019, tập trung chủ yếu tại các huyện: Dương Minh Châu (85 nhà yến, chiếm 20,43%), Châu Thành (69 nhà yến, chiếm 16,6%), Tân Châu (62 nhà yến, chiếm 14,9%), Tân Biên (61 nhà yến, chiếm 14,66%) và thị xã Trảng Bàng (68 nhà yến, chiếm 16,35%).
Trong đó, có 166/416 nhà yến (chiếm gần 40%) được xây dựng trong khu vực nội thành, nội thị và khu dân cư. Tuy nhiên thời gian qua, có 6 nhà yến bị khiếu nại, phản ánh về tiếng ồn từ loa dẫn dụ chim yến và phân chim yến vấy bẩn quần áo người dân.
Tuy chưa có số liệu điều tra cụ thể, nhưng ước tính có khoảng 50% nhà yến hoạt động có hiệu quả về kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều nhà nuôi chim yến được xây dựng trong đô thị, khu dân cư, trên đất nông nghiệp chưa đảm bảo quy định về việc xây dựng.
Vẫn còn chủ nhà yến sử dụng đất sai mục đích, cũng như việc sử dụng loa phóng phát âm thanh dẫn dụ chim yến, phân chim yến rơi vãi mất vệ sinh. Mùi hôi xuất phát từ nhà yến làm ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống, sinh hoạt bình thường của các hộ dân sống xung quanh.
Trước thực trạng trên, nhằm chủ động quản lý hoạt động nuôi chim yến, ngày 8.11.2019 UBND tỉnh Tây Ninh có Chỉ thị số 09/CT-UBND về việc tăng cường quản lý nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
UBND tỉnh Tây Ninh thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý hoạt động nuôi chim yến.
Theo Sở NNPTNT, nuôi chim yến và khai thác tổ yến là ngành chăn nuôi khá mới mẻ, góp phần đa dạng hóa ngành nghề chăn nuôi, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Nhiều nhà yến có hiệu quả kinh tế cao; đem lại thu nhập khá cho nông dân, góp phần tăng tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp.
Vì vậy, việc định hướng phát triển nuôi chim yến trong thời gian tới là tạo điều kiện để chăn nuôi chim yến và khai thác, chế biến tổ yến phát triển. Tuy nhiên, không phát triển nghề nuôi chim yến ồ ạt, tự phát, thiếu kiểm soát về quy mô bởi vì chim yến phát triển đàn cần phải có thời gian.
Song song đó cần phải tăng cường quản lý chặt chẽ việc xây dựng mới nhà yến, chỉ cho phép xây dựng mới nhà nuôi chim yến khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về vùng nuôi, đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường. Đồng thời tập trung xử lý nhà yến xây dựng không đúng quy định, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Theo Sở NNPTNN tỉnh Tây Ninh, đối với nhà yến đã được xây dựng nằm trong khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư...thì không được sử dụng loa phóng, phát âm thanh theo quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP.
Chủ hộ, chủ đầu tư nhà yến cần có thỏa thuận với các hộ dân liền kề xung quanh về cách thức đảm bảo vệ sinh môi trường, nếu không sẽ phải di dời đi nơi khác.
Đồng thời phải triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn dịch tễ đàn chim yến; đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh phòng bệnh và xử lý tốt môi trường nuôi chim yến. Định kỳ, đột xuất lấy mẫu xét nghiệm bệnh cúm gia cầm từ đàn chim yến để giám sát, đánh giá...
Hiện nay Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh đang chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai xây dựng dự thảo Nghị quyết trình HĐND tỉnh Tây Ninh về Quy định khu vực không được phép chăn nuôi chim yến, quy định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi chim yến ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Tây Ninh...