Dân Việt

Cà phê hết thời “cây vàng”, công nhân về đâu? (Kỳ 2): Nợ "ngập đầu" phải bỏ nghề, ly hương kiếm sống

Ngọc Tấn 09/12/2020 18:20 GMT+7
Kỳ II: Bỏ nghề, ly hương kiếm sống.

Mùa thu hái cà phê sắp bắt đầu. Ngày này những năm trước, không khí bận rộn đã thấy rõ trong mỗi gia đình, mỗi đường thôn ngõ xóm ở Tây Nguyên. Thế nhưng mấy năm gần đây, tại các công ty cà phê không khí ngày mùa quen thuộc nhạt hẳn đã đành, đến cả con người cũng thưa vợi. Nguyên nhân là do nhiều công nhân đang phải đi làm thuê tứ xứ để kiếm sống, trả nợ...

Hai thế hệ ly hương

Tranh thủ lúc đứa cháu nhỏ đang ngủ, ông Dương Văn Chút (thôn 1, Đội 2 Công ty Cà phê 706, huyện Ia Grai, Gia Lai) ra vườn hái vội đám đậu đã chín rục. Tất bật với nhà cửa và 3 đứa cháu nội con trai gửi nuôi để đi làm ăn tận Bình Dương, đến cả việc nhỏ ấy ông cũng không có thì giờ…

Cà phê hết thời “cây vàng”, công nhân về đâu?  - Ảnh 1.

Cà phê hết thời “cây vàng”, công nhân về đâu?  - Ảnh 2.

Những ngôi nhà công nhân làm cà phê hiện chỉ còn người già và trẻ nhỏ. N.T

"Những người hiện còn trụ lại ở các công ty như chúng tôi, phần đông đều đã chịu đựng gian khổ hơn 20 năm rồi, bỏ thì phí, vả lại cũng chẳng còn biết đi đâu nên cố thêm ít nữa để kiếm cái sổ hưu" – một công nhân tâm sự thật lòng.

Ông Chút (quê ở Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh, Quảng Trị). Năm 1982 nuôi hy vọng đổi đời trên miền đất mới, vợ chồng ông được tuyển vào công nhân. 

Sau hơn 10 năm nếm trải mọi gian khổ, gia đình ông cũng được hưởng thành quả từ những mùa cà phê hoàng kim. Tiếc là niềm vui lại quá ngắn ngủi. Năm 1994 vợ ông xin nghỉ mất sức, còn ông cầm cự được đến năm 2013 thì sang lô nhận khoán cho các con để nghỉ hưu với mức lương hàng tháng 3,8 triệu đồng.

Tuy nhiên, đến giờ anh con đầu Dương Văn Hà phải đi làm phụ hồ. Người con thứ 2 - chị Dương Thị Lan có chồng cũng từng là công nhân cà phê nhưng nghề nuôi sống họ bây giờ không phải là... đi làm thuê. Người con trai thứ 3, anh Dương Văn Ngọc cũng phải dứt hẳn nghề cà phê, trả vườn trả đất cho công ty, gửi 3 đứa con cho ông bà nuôi rồi li hương vào tận Bình Dương làm ăn… 

"Cuộc sống gia đình tôi bây giờ so với ngoài quê thì thua xa anh ạ. Cứ ngỡ một đời mình ly hương, ai ngờ đời con cũng lại ly hương!" - ông Chút thốt lên.

Đến thời điểm này, chưa có thống kê chính xác những người thuộc diện này nhưng một số đội sản xuất ước tính có đến 50% công nhân phải ly hương làm thuê. Mà đấy là công nhân của các công ty cà phê có mức thu nhập khá nhất một thời. 

Ở những địa bàn canh tác không thuận tiện, kinh tế - xã hội kém phát triển, tình trạng công nhân bỏ việc, ly hương làm thuê kiếm sống còn phổ biến hơn nhiều. Chủ quán cà phê G ở Ia Kha từng làm nghề thợ mộc luyến tiếc kể cho tôi nghe một thời "hái ra tiền" - ấy là những năm 1993 - 1998.

Bấy giờ mỗi tấn cà phê quả tươi ngang giá mỗi cây vàng. Ở các nông trường người, ta chen nhau xin vào làm công nhân; rồi người tứ xứ tìm đến làm ăn khiến ông phải làm việc không ngơi tay mà vẫn không đủ hàng để bán. Thế nhưng chỉ mấy năm trở lại đây mà cảm giác cư dân vơi đi quá nửa…

Trò chuyện với Chủ tịch Công đoàn Công ty cà phê 705 - ông Vũ Tiến Hợp, được biết trong vòng 6 năm (từ 2014 đến nay) riêng số công nhân bỏ việc tại công ty đã là 100 người. 

Còn số ly hương đi làm thuê các nơi để kiếm sống chưa thống kê được, chỉ biết rằng người lao động từ độ tuổi 40 trở xuống gần như chẳng còn ai ở nhà. Để giải quyết tình trạng thiếu lao động, công ty phải "giao cho các đội trưởng tổ chức sản xuất", kỳ thực là các đội trưởng phải đứng ra gánh nợ cho công nhân. Thế nhưng hiện công ty vẫn còn 40ha tái canh vẫn chưa có lao động đăng ký…

Gắng sống đến… về hưu

"Tình yêu nghề của người công nhân cà phê hôm nay dường như đã nguội lạnh" - đó là nhận xét của những người từng chứng kiến thời mà công nhân nhà nhà ai cũng "dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá" chăm chút vườn cây. Điều này chẳng có gì là khó hiểu khi cà phê bấy giờ là tất cả nguồn sống và tiền đồ của gia đình họ.

Ở Đội 2 Công ty 704 (Đăk Hà, Kon Tum), anh Phạm Văn Sơn được tiếng là "làm ăn khá". Niên vụ 2018, lô cà phê nhận khoán của anh đạt sản lượng 20 tấn quả tươi bán được 180 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư và các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, công đoàn phí…, anh còn lại 30 triệu đồng. Nếu không tính công phụ giúp của vợ và con cái, thu nhập của anh mỗi tháng vỏn vẹn 2,5 triệu. 

Đấy là những công nhân thâm canh giỏi, được mùa, còn số công nhân nhận khoán cà phê tái canh, năng suất phổ biến chỉ đạt 13 - 15 tấn quả tươi/ha thì huề vốn đã là may lắm, còn hầu như bị lỗ.

Trong khi lao động ngành cà phê có thể xếp vào hàng nặng nhọc và độc hại hàng đầu trong các ngành nông nghiệp. Cây cà phê ngay khi mới trồng xuống đã cần được bảo vệ bằng hóa chất và các loại thuốc trừ sâu bệnh. Theo thời gian, cùng với biến đổi khí hậu và xử lý đất tái canh, việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật không giảm mà còn tăng thêm.

Một thống kê gần đây của Công ty Cà phê 706 đưa ra con số giật mình: Trong vòng 10 năm trở lại đây, đơn vị này có 60 trên tổng số 700 công nhân và người lao động bị ung thư, trong đó 58 người đã chết. Không chỉ chịu ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật, gần như 100% công việc của một niên vụ cà phê, công nhân vẫn phải dùng sức người, nặng nhọc nhất là công đoạn tưới nước, đào hố, thu hái...

Cũng theo khảo sát của Công đoàn Công ty Cà phê 706 thì trừ bộ phận lao động gián tiếp, công nhân và người lao động hầu hết không ai đủ sức khỏe để làm việc đến tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành. Ở độ tuổi 45 đối với nữ, nam 50, qua giám định, khả năng lao động đều suy giảm từ 61 - 81% với các căn bệnh phổ biến như thái hóa cột sống, viêm xoang, rối loạn tiền đình… 

Đây là minh chứng rất rõ ràng về tính chất lao động nặng nhọc, độc hại đối với công nhân và người lao động ngành cà phê. Thế nhưng dù có trụ đủ 30 năm, đạt đến bậc thợ cao nhất (bậc 6) thì lương hưu của họ cũng chỉ 4,5 triệu đồng/tháng…