Tài xế tắt app, đình công
Trong 2 ngày qua, ở Hà Nội và TP HCM, nhiều tài xế xe máy công nghệ GrabBike đồng loạt tắt ứng dụng (app) để phản đối việc đơn vị này tăng chiết khấu thuế VAT lên đối tác tài xế.
Từ sáng 7/12, rất đông tài xế GrabBike tập trung trước trụ sở Grab (ngõ 78 phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) để phản đối. Sau khi bị cảnh sát nhắc nhở, nhiều tài xế GrabBike tập trung di chuyển qua nhiều tuyến phố.
Ở TP. HCM, nhiều tài xế GrabBike tập trung chạy thành đoàn qua một số tuyến đường và tập trung gần Văn phòng hỗ trợ đối tác Grab tại một con hẻm trên đường Lý Thường Kiệt (quận 10) với mong muốn đối thoại với đại diện văn phòng Grab tại TP. HCM.
Sau hai thành phố lớn nói trên, đến sáng 8/12, nhiều tài xế Grab bike tại Đà Nẵng cũng đã tập trung ở trụ sở đại diện của hãng Grab để phản ứng, sau đó hàng trăm tài xế Grab tiếp tục tổ chức diễu hành, bấm còi inh ỏi trên các trục đường chính của thành phố để phản đối việc ứng dụng này nâng mức phí trên mỗi cuốc xe.
Nguyên nhân xuất phát từ việc Grab chuyển đổi cách tính thuế GTGT theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12.
Dù đại diện Grab đã giải thích cho tài xế về cách tính mới, tuy nhiên, câu trả lời trên của Grab vẫn chưa được các đối tác chấp nhận. Nhiều tài xế muốn Grab làm rõ khoản thu VAT 10% do khách trả, doanh nghiệp trả hay tài xế phải trả.
Cần phải xem xét lại chính sách thuế
Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhận định, NĐ126 có hiệu lực, tăng từ 3 lên thành 10% VAT trong khi Grab không được khấu trừ (hoàn thuế VAT) như các hãng taxi truyền thống thì sẽ không công bằng với Grab. Lúc này, nếu Chính phủ vẫn đánh thuế 10% tổng cuốc xe mà không có các khoản khấu trừ thì thuế này không còn là VAT nữa mà nó giống thuế doanh thu.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV công ty luật BASICO, cho rằng vấn đề nằm ở sự chưa rõ ràng trong Nghị định mà Bộ Tài chính ban hành, trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề, cần xác định những đặc thù để từ đó đưa ra cách khấu trừ chính xác nhất.
Theo ông Đức, nếu không thể xác định được khấu trừ, sẽ dẫn tới tình trạng đánh thuế VAT như đánh thuế doanh thu. Ví dụ, trong mua bán vàng, nếu đánh thuế VAT trên doanh số thì cả thị trường sẽ sập. Chính vì thế, cần có những hướng dẫn khác về Nghị định này.
Trong trường hợp của các tài xế Grab, chi phí mà công ty bỏ ra để vận hành sẽ không nhiều. Trong khi đó, chi phí của các tài xế lại rất lớn. Họ phải bỏ phương tiện, trả tiền xăng xe, bỏ công sức trên mỗi cuốc xe. Nếu vẫn đánh thuế 10% tổng cuốc xe mà không có các khoản khấu trừ thì thuế này không còn là VAT nữa mà nó giống thuế doanh thu.
"Cần phải xem xét lại chính sách thuế chứ không thể cào bằng thế này được. Nếu nhà nước vẫn áp dụng mức thuế này, cần có khấu trừ xăng xe và các khoản chi phí khác cho tài xế. Nếu không thể xác định các khoản chi phí này bằng sổ sách, chứng từ thì có thể khoán", ông Đức cho hay.
Theo vị luật sư này, tài xế có rất nhiều khoản chi và thực sự rất khó cho ngành thuế để có thể khấu trừ chi tiết. Để giải quyết vấn đề này, có thể khấu trừ theo hình thức khoán. Xăng xe, công sức, khấu hao, vé, phí… có thể được tính và giảm cho tài xế ở một mức xác định giống như mức khấu trừ 11 triệu, người phụ thuộc giảm trừ 4,5 triệu của thuế thu nhập.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Anh Dũng Phó Tổng Giám Đốc Cty TNHH Greystones Data Systems Việt Nam cho rằng, 25 năm trước, Luật thuế doanh thu năm 1995 áp 4% cho hoạt động vận tải, sau 1997 đổi thành luật thuế VAT, tuy nhiên VAT 10% được khấu trừ thuế VAT cho các chi phí đầu vào.
Nay thì Grab bị thuế cào bằng đánh 10% (VAT) trên tổng doanh thu của Grab nhưng nghịch lý ở chỗ doanh thu của Grab chỉ thu có 20%-25%, còn doanh thu của giới tài xế lên đến 80% nên Grab không thể khấu trừ trực tiếp vào doanh thu của tài xế, do vậy Grab tăng giá cước lên 5%-20% để bù 10% VAT phải nộp cho nhà nước.
Vô hình chung ngoài tiền xăng, tài xế phải cộng thêm khoảng 30% chi phí đầu vào được khấu trừ trong thu nhập thì 70% công sức cả năm của giới tài xế đều bị đánh thuế VAT 10% không thương tiếc, mà tiền công lao động thì lấy gì mà cấn trừ VAT đầu vào, phần thua thiệt vẫn thuộc về giới tài xế.
Theo ông Dũng, như vậy sau 25 năm đổi mới, mô hình Grab bị đưa về đánh thuế doanh thu (VAT 10% theo nghị định 126 ngày 5/12/2020) còn hơn cả luật thuế doanh thu cũ năm 1995 (4%).
"Năm 1997 nhà nước tuyên truyền VAT được cấn trừ nên doanh nghiệp không mất gì cả, cuối cùng người tiêu dùng phải trả thêm 10% vào túi tiền của mình. Nay thì Grab bị buộc phải moi tiền người tiêu dùng lần nữa", ông Dũng nhấn mạnh.