Tính từ đầu năm đến nay, Hội đã tổ chức 562 buổi tập huấn, tư vấn KHKT cho hơn 19.000 lượt hội viên nông dân; hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng 23 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị; phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức 12 lớp đào tạo nghề cho hơn 300 hội viên.
Ngoài ra, Hội phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp như: Phân bón, giống theo hình thức trả chậm, máy nông nghiệp... với tổng trị giá trên 133 tỷ đồng. Qua đó, góp phần giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất canh tác, giảm chi phí vật tư, công lao động, gia tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
Để giúp hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, Hội ND các cấp đã đứng ra nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội 1.240 tỷ đồng; qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 891 tỷ đồng và giải ngân nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân 55,5 tỷ đồng cho hội viên vay vốn đầu tư.
Các cấp Hội ND đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã giúp nông dân phát huy tiềm năng, lợi thế, chuyển đổi trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trên đất dốc; thực hiện cải tạo vườn tạp đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Đến năm 2020, nông dân Sơn La đã trồng được hơn 80.000ha cây ăn quả và cây sơn tra, tăng 311% so với năm 2015, gồm: Xoài, na, chanh leo, bơ, cây ăn quả có múi, mận, sơn tra, nhãn..., góp phần đưa Sơn La trở thành tỉnh có vùng cây ăn quả đứng thứ 2 của cả nước.
Nhiều hộ nông dân đã cùng nhau liên kết tạo thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Các cấp Hội đã hướng dẫn thành lập 106 hợp tác xã với 360 thành viên là hội viên nông dân.
Hiện, toàn tỉnh Sơn La có 28.389 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã tạo việc làm cho hơn 12.000 lao động; giúp đỡ vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho hộ nghèo. Công tác giảm nghèo được thực hiện hiệu quả, đời sống nông dân từng bước được nâng lên, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng biên giới, hàng năm có hơn 1.000 hộ nông dân thoát nghèo.