Phó Chủ tịch phụ trách kỹ thuật, Công ty TNHH Techtronic Industries (TTI) Việt Nam, ông Jeff Nessom cho biết, TTI đang đẩy mạnh tìm khoảng 200 nhà cung ứng nội địa có thể làm nhà cung ứng cho tập đoàn.
Thông tin được nêu ra tại Diễn đàn Cơ hội kết nối và đầu tư cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa tổ chức tại TP.HCM hôm 9/12.
Tập đoàn TTI chuyên thiết kế, phát triển, sản xuất và tiếp thị các dụng cụ điện cầm tay, thiết bị điện không dây có hiệu suất và chất lượng cao, không phát khí thải. Tập đoàn có nhiều kênh phân phối tại các quốc gia với số lượng ngày một tăng.
Theo ông, TTI Việt Nam đang có dự án đầu tư 650 triệu USD vào Khu Công nghệ cao TP.HCM. Năm 2019, TTI tại Việt Nam đạt doanh số xuất khẩu 300 triệu USD. Tập đoàn kỳ vọng năm 2020, dù ảnh hưởng của Covid-19 nhưng doanh số sẽ tiếp tục tăng gấp 5 lần lên con số 1,5 tỷ USD.
Ông Jeff Nessom nhấn mạnh, tham vọng của TTI Việt Nam là mỗi năm tăng thêm khoảng 1,5 tỷ USD giá trị hàng hóa xuất khẩu tại Việt Nam.
Ông Jeff Nessom cũng cho hay, TTI Việt Nam đang có nhu cầu tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa Việt Nam, để tăng tỉ lệ nội địa hóa nhằm tối ưu hóa chi phí sản xuất. Trước mắt, TTI Việt Nam đang đẩy mạnh tìm kiếm khoảng 200 nhà cung ứng nội địa có thể làm nhà cung ứng cho tập đoàn này trong các lĩnh vực như kim loại, điện tử và nhựa.
Phó Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM - ông Robert Greenan, đánh giá ngày càng có nhiều DN vừa và nhỏ đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của DN đầu chuỗi đưa ra.
Theo ông, cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành của Việt Nam cùng các tổ chức hỗ trợ DN như Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM nhằm thúc đẩy kết nối kinh doanh giữa các DN nhỏ và vừa Việt Nam với các DN đầu chuỗi cung ứng.
Ông Robert Greenan đánh giá việc tiếp cận thông tin, tăng cường kết nối và tham gia chuỗi cung ứng sẽ giúp các DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phục hồi sau những gián đoạn của chuỗi cung ứng do dịch Covid-19.
"USAID sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam và các tổ chức hỗ trợ DN để nâng cao năng lực và thúc đẩy sự tham gia của các DN nhỏ và vừa Việt Nam vào chuỗi cung ứng trong khu vực và toàn cầu", Phó Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM nhấn mạnh.
Dù vậy, các DN toàn cầu cũng đặt ra những yêu cầu với các DN Việt muốn tham gia vào chuỗi cung ứng.
Ông Jeff Nessom cho biết, ngoài yếu tố cạnh tranh về giá, DN Việt đặc biệt phải tuân thủ một số điều khoản về thanh toán, cam kết thời gian giao hàng nhằm đảm bảo dây chuyền sản xuất chung không bị gián đoạn.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM - ông Nguyễn Phương Đông cho biết, Sở đã tổ chức nhiều đợt hướng dẫn cải tiến doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn của nhà sản xuất đưa ra, giúp cho doanh nghiệp thành phố nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp FDI.
Theo ông Đông, DN mở rộng phát triển các dự án đầu tư sản xuất lĩnh vực công nghiệp được vay vốn hỗ trợ 50% hay 100% lãi suất. Bên cạnh đó, việc xét duyệt các dự án vay vốn cũng nới rộng hơn, thủ tục hồ sơ tinh giản giúp nhiều DN có thể tiếp cận được các gói vay kích cầu.
Bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cũng cho biết, thời gian qua, đơn vị này có nhiều hoạt động hỗ trợ DN trong nước kết nối với các DN FDI đầu cuối. Cụ thể, hỗ trợ DN tham gia các triển lãm, hội chợ chuyên ngành để tiếp cận thị trường; Xây dựng và cập nhật dữ liệu nhu cầu dịch vụ, sản phẩm hỗ trợ của các nhà sản xuất công nghệ cao…
Theo bà Loan, để hỗ trợ các DN trong nước kết nối, tiếp cận được với DN FDI đầu cuối trong Khu Công nghệ cao TP.HCM, đơn vị này dành quỹ đất 162.000 m2 cho các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước đầu tư.
Bên cạnh đó, khi đầu tư tại đây, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN trong 15 năm, trong đó miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Ngoài các ưu đãi trên, các DN công nghiệp hỗ trợ TP.HCM còn được hưởng ưu đãi hỗ trợ lãi suất theo chương trình kích cầu đầu tư của TP.HCM. Thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa 7 năm, mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất không quá 200 tỷ đồng cho một dự án.