Đưa chuối Laba đi Nhật
Chuối Laba là loại cây được người Pháp đưa về trồng ở Lâm Đồng khoảng 100 năm trước. Trái cây có sự nổi trội hơn so với các giống chuối thông thường vì mùi thơm đặc biệt, chuối dẻo và ngọt. Trong quá khứ, nông sản này từng được tiến vua.
Thế nhưng, khi đưa sản phẩm mới này vào trồng ở xã Đạ K'Nàng, anh Nguyễn Huy Phương - Giám đốc HTX Laba Banana Đạ K'Nàng đã phải đắn đo, suy nghĩ rất nhiều trước khi đưa ra quyết định.
"Người Nhật rất khắt khe trong khâu chăm sóc, đặc biệt họ đặt chất lượng của sản phẩm lên hàng đầu. Chính vì vậy, mọi quy trình của chúng tôi hiện tại đều được khép kín để sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Hiện HTX Laba Banana Đạ K'Nàng có 7 thành viên, với khoảng 15ha".
Anh Nguyễn Huy Phương
Giơ tay chỉ những buồng chuối xanh mướt, anh Phương trải lòng: "Thời gian tôi bắt đầu mua cây giống về trồng, cũng là thời điểm chuối tại Đồng Nai, Tây Ninh đang không bán được, đổ đi cho bò ăn. Thế nhưng, vợ chồng tôi vẫn quyết định làm".
Trời không phụ lòng người, đầu năm 2018, những chuyên gia cũng như doanh nghiệp ở Nhật Bản biết đến danh tiếng của chuối Laba tại Lâm Đồng nên đã tìm đến huyện Đam Rông.
"Người ta rất bất ngờ với kết quả xét nghiệm. Cây chuối Laba rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại Đạ K'Nàng. Từ cuối năm 2019 vừa qua, chúng tôi đã xuất khẩu trực tiếp với khối lượng 1 tháng 4 container, mỗi container khoảng 15 tấn" - anh Phương vui mừng nói.
Đến nay, mỗi tháng HTX Laba Banana Đạ K'Nàng xuất khẩu trực tiếp chuối Laba qua Nhật Bản, sản lượng khoảng 60 tấn.
Hợp tác trồng sả, thu nhập tăng 6-8 lần
Trồng sả Java để lấy tinh dầu cho hiệu quả gấp 6 - 8 lần so với cây ngô, cây lúa nương, mở ra triển vọng phát triển kinh tế mới, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân địa phương.
Đó là mô hình liên kết giữa HTX Hương Chanh (huyện Trạm Tấu) với HTX Thanh Tùng (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) và HTX Hướng Nghiệp (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai).
Ông Lò Văn Chanh - Giám đốc HTX Hương Chanh, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu cho biết, nhận thấy việc trồng sả lấy tinh dầu phù hợp với thổ nhưỡng và có thể phát huy tiềm lực về đất đai, lao động trên địa bàn, cuối năm 2018, HTX Hương Chanh, HTX Thanh Tùng và HTX Hướng Nghiệp đã liên kết sản xuất, khuyến khích bà con trồng sả lấy tinh dầu trên vùng đất trồng ngô, lúa nương cho năng suất thấp. Đồng thời, HTX cấp giống miễn phí cho bà con và thu mua toàn bộ lá nguyên liệu.
Đến nay, mô hình liên kết trồng, sản xuất tinh dầu sả của HTX Hương Chanh đã thu được kết quả bước đầu. Với trên
20ha sả trồng tại 2 xã Hát Lừu và Bản Công (huyện Trạm Tấu), cây sả phát triển rất tốt và lứa đầu cho thu hoạch được khoảng 600kg lá khô/ha; tổng sản lượng thu lứa đầu đạt 6 tấn lá tươi.
Bên cạnh diện tích sả trồng tại Trạm Tấu, HTX Hương Chanh còn liên kết với HTX Hướng Nghiệp trồng 28ha sả tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai; xây dựng xưởng chưng cất tinh dầu tại xã Tân An, huyện Văn Bàn và ký hợp đồng cung cấp, bao tiêu sản phẩm ổn định lâu dài với đối tác Trung Quốc trong vòng 10 năm.
Chia sẻ với chúng tôi về kế hoạch trong thời gian tới, ông Lò Văn Chanh - Giám đốc HTX Hương Chanh cho biết, để chủ động về nguyên liệu đầu vào, HTX có kế hoạch liên kết với HTX Hướng Nghiệp tiếp tục mở rộng vùng trồng sả tại huyện Văn Bàn (Lào Cai) và huyện Văn Yên (Yên Bái); xây dựng Dự án mở rộng quy mô trồng xả tại huyện Trạm Tấu lên 500 ha đến năm 2020.