Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank – EIB) vừa thông báo hoãn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên lần 3. Lý do hoãn là để chấp hành chỉ đạo của Sở Y tế thành phố Hà Nội tại công văn số 13856/SYT-NVY ngày 9/12/2020.
Eximbank cho biết, việc tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên sẽ được dời sang thời điểm thích hợp khi đảm bảo các nội dung nêu trong Tờ trình của Eximbank và tuân thủ theo chỉ đạo của cơ quan chính quyền địa phương.
Trước đó, ngân hàng dự kiến họp ĐHĐCĐ thường niên lần 3 ngày 15/12/2020 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, quận Ba Đình, Hà Nội.
Như vậy, đây là lần thứ 5 ngân hàng thông báo họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.
Lần đầu, Ngân hàng tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 vào sáng ngày 30/6/2020. Phiên họp không thể tiến hành do không đủ túc số khi tỷ lệ cổ phần tham dự dưới 65%
Tiếp đó, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 lần 2 được Eximbank triệu tập vào ngày 29/7/2020 cũng không thể diễn ra. Nguyên nhân cũng là do không đủ túc số.
ĐHĐCĐ thường niên lần thứ 3 không còn yêu cầu tỷ lệ cổ đông tham dự tối thiểu, song sau 2 lần thông báo trước đó, cuối cùng vẫn chưa thể diễn ra vì lý do phòng dịch Covid-19.
Từng lý giải về nguyên nhân "đỗ vỡ" của ĐHĐCĐ, Eximbank cho biết, nguyên nhân thực sự dẫn đến việc tổ chức các lần đại hội không thành công là do các cổ đông chưa tìm được tiếng nói chung.
Đến nay, những mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông dường như vẫn còn rất gay gắt.
Bằng chứng là ngay sau khi nhà băng này thông báo triệu tập ĐHĐCĐ lần thứ 3, một số nhóm cổ đông liên tục có văn bản đề nghị thanh lọc Hội đồng quản trị (HĐQT).
Cụ thể, chiều ngày 8/12, đại diện các cổ đông sở hữu trên 10% vốn của Eximbank đề nghị HĐQT đưa vào chương trình họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 tổ chức vào ngày 15/12 tới đây (theo dự kiến trước đó) việc miễn nhiệm đối với 4 thành viên HĐQT là các ông Yasuhiro Saitoh, Lê Minh Quốc, Cao Xuân Ninh và Lê Văn Quyết.
Trước đó, chiều ngày 7/12, Eximbank cũng nhận được công văn của cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) yêu cầu HĐQT bổ sung nội dung vào Đại hội đồng cổ đông thường niên lần 3 việc thanh lọc HĐQT thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với từng thành viên, nhằm giảm số lượng thành viên HĐQT từ 9 người hiện nay xuống còn từ 5-7 người.
Hiện HĐQT của Eximbank gồm 9 người là các ông Saitoh, Cao Xuân Ninh, Lê Minh Quốc, Ngô Thanh Tùng, Lê Văn Quyết, Nguyễn Quang Thông, Đặng Anh Mai, Hoàng Tuấn Khải và bà Lương Thị Cẩm Tú.
Điều đáng nói, những kiến nghị về nhân sự trên không phải là nội dung quá xa lạ với cổ đông Eximbank. Các nhóm cổ đông, đặc biệt là SMBC, hơn 1 năm qua đã nhiều lần yêu cầu tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để xử lý xong các vấn đề tồn đọng cũ, trước khi đại hội 2020 bầu ra HĐQT nhiệm kỳ mới.
Trước thềm đại hội cổ đông bất thường ngày 30/6/2020, các nhóm cổ đông của ngân hàng gồm SMBC (nắm 15% vốn) và nhóm cổ đông Ngô Thị Thúy (nắm giữ 10,36% cổ phần phổ thông của Eximbank (vào thời điểm tháng 9/2019) cũng gửi văn bản tới HĐQT yêu cầu thảo luận 2 vấn đề là, bãi nhiệm ông Yasuhiro Saitoh (hiện là chủ tịch HĐQT Eximbank) và giảm số lượng thành viên, bỏ phiếu tín nhiệm đối với HĐQT.
Một chuyên gia chứng khoán nhận định, việc Eximbank triệu tập ĐHĐCĐ vào ngày 15/12 như kế hoạch trước đó, cho thấy sự kiên trì của ban lãnh đạo ngân hàng muốn đi đến cùng, giải quyết triệt để những xung đột mà nhà băng này "vấp phải". Cũng chính những xung đột này đã kéo Eximbank "rớt" khỏi câu lạc bộ nghìn tỷ trong nhiều năm.
Thế nhưng, một lần nữa kế hoạch ĐHĐCĐ lại "delay" và bỏ ngỏ về thời gian tổ chức. Câu hỏi đặt ra là đến bao giờ những mâu thuẫn do bất đồng quan điểm vốn đã tồn tại dai dẳng tại Eximbank mới có hồi kết?