Bãi chôn lấp rác Đông Thạnh sẽ thành công viên – thể dục thể thao
Trước đây, theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, thì Bãi chôn lấp rác Đông Thạnh được quy hoạch là đất nông nghiệp. Sau đó, đồ án này được UBND TP điều chỉnh, Bãi chôn lấp rác Đông Thạnh được quy hoạch thành đất công viên – thể dục thể thao.
Theo quy hoạch xã nông thôn mới Đông Thạnh vào năm 2014, khu vực Bãi chôn lấp rác Đông Thạnh được quy hoạch đất công viên – thể dục thể thao.
Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn có diện tích 1.282 ha, là xã có nhiều khu vực có mức độ đô thị hóa cao. Các khu vực dân cư hiện hữu với mật độ dân cư cao đã phát triển trên phần lớn diện tích quy hoạch xã nông thôn mới Đông Thạnh. Bãi rác Đông Thạnh thuộc khu vực quy hoạch xã nông thôn mới, do đó TP không lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000.
Việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch tại khu vực Bãi rác Đông Thạnh cần được nghiên cứu, rà soát tổng thể từ đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP, trên cả địa bàn xã Đông Thạnh để đảm bảo đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sở Quy hoạch – Kiến trúc cho rằng, cần phải rà soát, nghiên cứu để xác định lại các khu vực phát triển đô thị và nông thôn, trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP được duyệt là cơ sở để lập đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, tại khu vực Bãi chôn lấp rác Đông Thạnh, làm cơ sở kêu gọi đầu tư, triển khai thực hiện dự án.
Quy hoạch Bãi chôn lấp rác Gò Cát thành đất cây xanh – công viên cấp đô thị
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, thì Bãi chôn lấp rác Gò Cát được quy hoạch đất cây xanh – công viên. Tuy nhiên, năm 2012, TP.HCM có sự điều chỉnh, phần lớn diện tích Bãi chôn lấp rác Gò Cát được quy hoạch thành đất công viên cấp đô thị, với quy mô 19 ha.
Theo đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, thì khu vực Bãi rác Gò Cát thuộc các chức năng quy hoạch: Đất cây xanh tập trung (cấp đô thị, 13,14 ha), đất cây xanh đơn vị ở (3,88 ha), đất cây xanh cách ly tuyến điện (0,22 ha), Trường THPT (1,76 ha), đất trụ sở hành chính (2,1 ha) và đường giao thông (2,9 ha).
Ngày 24/9/2019, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã từng lắng nghe đề xuất giải pháp xử lý các bãi chôn lấp rác lâu năm, xử lý ô nhiễm môi trường và tạo quỹ đất phát triển đô thị.
Lãnh đạo TP.HCM đã chỉ đạo các cơ quan chức năng lập tổ công tác xem xét, điều chỉnh quy hoạch tổng thể tại khu vực Bãi rác Gò Cát, quận Bình Tân, gắn liền với việc phát huy sáng kiến của các doanh nghiệp. Trong năm 2020, nghiên cứu tổ chức đấu thầu triển khai Khu đô thị sinh thái trên nền bãi rác trước đây sau khi xử lý, đảm bảo tính hiệu quả, khả thi, nhà nước và doanh nghiệp cùng có lợi.
Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, việc xem xét điều chỉnh quy hoạch công viên – cây xanh cấp đô thị tại khu vực Bãi rác Gò Cát phải đảm bảo phù hợp với chủ trương giữ diện tích công viên cây xanh đã được quy hoạch.
Việc quy hoạch phải được Sở Xây dựng rà soát, theo Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TP giai đoạn 2020 – 2030…
Sở Kế hoạch – Đầu tư cần cân đối nguồn vốn ngân sách, xem xét phương án kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn xử lý môi trường Bãi chôn lấp rác Gò Cát.
Theo ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM: "Trong thời gian tới, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM sẽ nghiên cứu, tổ chức hội thảo chuyên đề về Quy hoạch đô thị xanh, trước những thách thức từ việc giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường của các Bãi chôn lấp rác trước đây tại TP.HCM.
Kết quả ghi nhận từ ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu tại hội thảo sẽ được tổng hợp, chọn lọc để báo cáo UBND TP, đề xuất giải pháp phù hợp".
Bãi chôn lấp rác Đông Thạnh có quy mô 45 ha, tại ấp 7, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, cách trung tâm TP.HCM khoảng 26 km. Bãi rác Đông Thạnh là bãi chôn lấp mở, không có lớp lót đáy, lớp phủ định, không có hệ thống ống thu gom, xử lý khí gas và nước rỉ rác.
Hoạt động từ năm 1991 đến năm 2002, Bãi rác Đông Thạnh có công suất tiếp nhận rác trung bình từ 2.000 – 2.500 tấn/ngày. Khối lượng chất thải rắn tiếp nhận nơi đây từng lên đến 4.000 tấn/ngày vào năm 2002, khi BCL số 1 tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi chưa xây dựng xong. Tổng khối lượng đã tiếp nhận của BCL Đông Thạnh chôn lấp hơn 10,8 triệu m3. Từ năm 2002 đến nay, Bãi rác Đông Thạnh đã được UBND TP.HCM ra quyết định đóng cửa để bảo vệ môi trường.
Bãi chôn lấp rác Gò Cát hoạt động từ năm 2001 đến năm 2007, có diện tích 24 ha, thuộc xã Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Bãi rác được thiết kế sử dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, theo kiểu hỗn hợp chìm-nổi. Trong đó, diện tích chôn lấp thiết kế là 17,5 ha. Bãi rác Gò Cát đã tiếp nhận và xử lý tổng cộng trên 3,6 triệu tấn rác thải.
Mặc dù cả 2 bãi rác Đông Thạnh và Gò Cát đã ngưng tiếp nhận xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Và, suốt 10 năm qua, Công ty TNHH MTV Môi trường - Đô thị TP.HCM là đơn vị duy nhất được UBND TP giao quản lý 2 bãi rác này.