Dân Việt

Đông Anh kỳ vọng thu 2.700 tỷ đồng từ OCOP

Minh Ngọc 15/12/2020 09:57 GMT+7
Sau 2 năm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, huyện Đông Anh đã dẫn đầu Hà Nội về số lượng các sản phẩm OCOP. Theo đó, 106 sản phẩm đã được Hội đồng đánh giá của thành phố phân hạng từ 3 sao trở lên.

Để có được kết quả này, huyện Đông Anh đã ban hành các chương trình, đề án để nâng cao chất lượng sản phẩm hướng đến việc được "gắn" sao OCOP, từ đó giá trị sản phẩm và hướng đến nâng cao nguồn thu nhập cho các chủ thể tham gia.

Huyện đứng đầu Thủ đô về sản phẩm OCOP

Ngay trong năm đầu tiên tham gia Chương trình OCOP - năm 2019, huyện Đông Anh đã được UBND TP.Hà Nội công nhận 20 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (trong đó, có 18 sản phẩm đạt 3 sao và 2 sản phẩm đạt 4 sao).

Đông Anh kỳ vọng thu 2.700 tỷ đồng từ OCOP - Ảnh 1.

Anh Lê Văn Tám - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng với sản phẩm ống hút làm từ rau, củ quả đạt OCOP 5 sao. Ảnh: M.N

"Dự kiến, giai đoạn 2020-2025 Đông Anh sẽ có khoảng 150 sản phẩm được chọn, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 56 sản phẩm được chọn là sản phẩm chủ lực của huyện".

Ông Nguyễn Xuân Linh -

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh

Bước sang năm 2020, Chương trình OCOP tiếp tục được Đông Anh triển khai bài bản và được đầu tư về nhiều mặt. UBND huyện Đông Anh đã đưa vào kế hoạch, đánh giá, phân hạng 80 sản phẩm và nâng hạng sao cho 6 sản phẩm nhóm ngành thực phẩm.

Thực hiện Đề án "Phát triển, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ trên địa bàn huyện Đông Anh giai đoạn 2020 - 2025 theo bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP", với tổng kinh phí dự kiến là 230 tỷ đồng, ngay trong đợt 1 năm 2020, Đông Anh đã có 38 sản phẩm được Hội đồng thành phố đánh giá xếp loại, trong đó có 20 sản phẩm 4 sao và 24 sản phẩm đạt 3 sao.

Tại đợt 2 năm 2020, Đông Anh tiếp tục có thêm 40 sản phẩm được đánh giá xếp loại OCOP 3 sao trở lên. 

Với kết quả này đã nâng tổng số sản phẩm OCOP của Đông Anh lên 98 sản phẩm (tính cả năm 2019), trở thành địa phương có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất Hà Nội.

Ông Nguyễn Xuân Linh - Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết: "Qua hơn 1 năm triển khai Chương trình OCOP đã tạo được động lực phát triển khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, góp phần giải quyết việc làm, phát huy lợi thế về tiềm năng của địa phương và thực hiện có hiệu quả mục tiêu, chương trình, sản phẩm được phát triển từ thấp đến cao và từng bước hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn về mẫu mã, được người tiêu dùng đón nhận" - ông Linh khẳng định.

Chủ thể OCOP là người "được hưởng lợi"

Ông Nguyễn Văn Thiềng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh cho biết, đến nay Đông Anh đã xây dựng, phát triển và duy trì hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất hàng hóa, sản phẩm trên địa bàn huyện giai đoạn 2019 - 2020; triển khai xây dựng website có địa chỉ da.check.net.vn và gắn tem truy xuất QR đối với gần 600 sản phẩm các loại tại 70 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến. Từng bước triển khai công tác giám sát chất lượng các sản phẩm được gắn tem truy xuất nguồn gốc.

Theo Đề án "Phát triển, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ trên địa bàn huyện Đông Anh giai đoạn 2020 - 2025 theo bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP", sản phẩm sau khi được "gắn" sao OCOP dự kiến giá thành tăng khoảng 40 - 60%; tăng trưởng sản xuất kinh doanh hàng năm trên 15%.

Dự kiến tổng doanh thu trong giai đoạn 2020 - 2025 của 100 sản phẩm hiện có tham gia vào đề án đạt 2.761 tỷ đồng; doanh thu bình quân hàng năm là 460 tỷ đồng, tăng 40% so với hiện nay. Lợi nhuận dự kiến đạt 698,2 tỷ đồng; lợi nhuận bình quân hàng năm 116,3 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với hiện nay.

Có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, chị Trần Thị Thanh (chủ cơ sở sản xuất và chế biến gà tần Thiên Thanh) cho biết: "Để tiếp cận thị trường được dễ dàng cũng như được huyện hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tôi đã quyết định đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Sau khi được gắn sao OCOP, chúng tôi sẽ mở ra được nhiều cơ hội về phân phối sản phẩm tại hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện ích, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng.