Dân Việt

10 năm qua 1 triệu dân ĐBSCL phải bỏ xứ ra đi, 10 năm tới sẽ thêm 1 triệu người nữa, đâu là nguyên nhân?

Huỳnh Xây 14/12/2020 19:00 GMT+7
Trong 10 năm qua, khu vực ĐBSCL đã có gần 1,1 triệu dân bỏ xứ ra đi. Dự báo của các chuyên gia, trong 10 năm tới, nếu không có những yếu tố đột biến, sẽ có một lượng dân số tương đương với một tỉnh tiếp tục rời ĐBSCL để đến các khu vực khác tìm việc làm, mưu sinh. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Chiều nay (14/12), tại TP Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) tổ chức lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020.

Lí do gì buộc hơn 1 triệu dân ĐBSCL phải bỏ xứ ra đi? - Ảnh 1.

Ông Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý (FSPPM) trình bày báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 trong khuôn khổ lễ công bố.

Theo ban tổ chức, báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 được thực hiện bởi 20 chuyên gia kinh tế, chính sách hàng đầu Việt Nam dưới sự chủ trì, điều phối của VCCI, chịu trách nhiệm chuyên môn của FSPPM. Báo cáo này vừa hoàn thành sau hơn 1 năm nghiên cứu, hợp tác thực hiện.

Tại đây, ông Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý (FSPPM), Trưởng ban biên soạn thông tin rằng, một nội dung then chốt được đề cập đến trong báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 là vấn đề người dân di cư và khẳng định đây là "câu chuyện nhức nhối của ĐBSCL".

"Số lượng người dân rời khỏi ĐBSCL trong thập niên vừa qua là gần 1,1 triệu người, tương đương dân số của một số tỉnh trong vùng" - ông Anh nói.

Lí do gì buộc hơn 1 triệu dân ĐBSCL phải bỏ xứ ra đi? - Ảnh 2.

Tỷ lệ người dân di cư, nhập cư và tăng trưởng dân số ĐBSCL

Chuyên gia Vũ Thành Tự Anh giải thích, do không có nhiều cơ hội việc làm, phát triển kinh tế nên người dân phải di cư về TP.HCM và Đông Nam Bộ (nơi có khả năng tạo việc làm). Từ tỷ lệ di cư cao, nhập cư thấp nên ĐBSCL là vùng duy nhất trong cả nước có tỷ lệ tăng dân số 0% trong giai đoạn 2009 – 2019.

Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 cho rằng, ĐBSCL đang trải qua giai đoạn di cư rất lớn, trong một thập niên tới "sẽ có một lượng dân số tương đương với một tỉnh tiếp tục rời ĐBSCL" nếu không có những yếu tố đột biến.

Báo động hơn, tỷ lệ di cư thường tập trung vào lực lượng lao động có chuyên môn và dưới 35 tuổi, dẫn đến lực lượng lao động còn lại tại ĐBSCL có xu hướng ngày càng già hóa, kỹ năng thấp, thiếu linh hoạt và sẽ là gánh nặng cho vùng trong trung và dài hạn.

Lí do gì buộc hơn 1 triệu dân ĐBSCL phải bỏ xứ ra đi? - Ảnh 3.

Một trong những nguyên nhân khiến cho người dân rời khỏi ĐBSCL là khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, tình trạng dịch bệnh, hạn hán kéo dài, xâm lấn mặn ngày càng nghiêm trọng. Môi trường, hệ sinh thái sông nước đồng bằng sông Cửu Long đang biến đổi theo chiều hướng tiêu cực, trong đó có tác động phần lớn của biến đổi khí hậu

Các nguyên nhân khác mà báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 dẫn chứng, chứng minh làn sóng di cư tiếp tục tăng tốc là sản xuất nông nghiệp truyền thống hiện nay đã "tới hạn".

 Biến đổi khí hậu và nước biển dâng liên tiếp diễn ra làm cho tình trạng ngập lụt ở ĐBSCL sẽ gia tăng và các cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập cho người dân ở ĐBSCL ngày một suy giảm.

Cũng về vấn đề di cư, tại buổi lễ công bố, ông Phạm Thiện Nghĩa  - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nói: "Thời gian gần đây, đã có rất nhiều người dân di cư ra khỏi ĐBSCL, qua đó đã ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng. Thời gian tới, cần phải có chính sách, giải pháp hợp lý để người dân ở lại quê hương phát triển kinh tế".