Mô hình "Hỗ trợ nuôi gà thịt an toàn sinh học kết hợp trồng bí đỏ cải thiện dinh dưỡng" được triển khai tại xã biên giới Bản Lang (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), với 34 hộ nghèo, cận nghèo tham gia.
Hiệu quả bước đầu
Bản Lang là xã vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ. Toàn xã có 11 bản, với 1.666 hộ, 8.012 nhân khẩu, thuộc 5 dân tộc anh em cùng sinh sống là: Kinh, Thái, Dao, Mông, Giấy. Tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo của xã tương đối cao với 59%, trong đó có bản tỷ lệ hộ nghèo lên đến 87,5%. Do trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu nên cái đói, cái nghèo mãi bám riết lấy người dân nơi đây.
Ông Phàn A Tỏn – Chủ tịch UBND xã Bản Lang, cho biết: Những năm qua, nhờ có sự quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án của Nhà nước, xã Bản Lang đã có những đổi thay đáng kể. Tuy nhiên nhìn vào mặt bằng chung của huyện Phong Thổ, thì Bản Lang vẫn thuộc xã nghèo, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em còn cao.
Thời gian gần đây, được sự quan tâm giúp đỡ của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN&PTNT), Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu và các ban, ngành có liên quan trong huyện, 34 hộ dân thuộc diện nghèo, cận nghèo trong xã đã được tham gia mô hình "Hỗ trợ nuôi gà thịt an toàn sinh học kết hợp trồng bí đỏ cải thiện dinh dưỡng" gắn với chương trình không còn nạn đói tại tỉnh Lai Châu.
"Mô hình này khá hay và hiệu quả. Việc thực hiện mô hình không chỉ giúp các hộ dân tiếp cận được với tiến bộ khoa học kĩ thuật, mà còn giúp họ có thêm thu nhập, cải thiện dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày. Thông qua mô hình, người dân đã biết cách làm chuồng trại, chăm sóc, phòng dịch bệnh cho đàn gà, thay vì thả rông như trước" – ông Tỏn nhấn mạnh.
"Nói có sách, mách có chứng" ông Tỏn cử cán bộ xã đưa chúng tôi đi xem đàn gà của các hộ dân tham gia mô hình ở bản Nà Cúng và bản Hợp 1.
Trên đường đưa chúng tôi đi tham quan mô hình nuôi gà của các hộ dân, chị Lìu Thị Tập, công chức địa chính - nông nghiệp xã Bản Lang, thông tin: "Khác với một số mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai tại xã trong những năm qua, mô hình nông nghiệp dinh dưỡng này gần như là hỗ trợ toàn phần. Các hộ tham gia mô hình ngoài được hỗ trợ con giống, còn được hỗ trợ thức ăn và vắc xin phòng bệnh cho gà. Được hỗ trợ như thế, bà con phấn khởi lắm. Ai cũng làm chuồng cẩn thận để nuôi gà".
Đến nhà ông Lò Văn Dẽ, dân tộc Giấy, ở bản Nà Cúng, xã Bản Lang, chúng tôi được "mục sở thị" đàn gà khá đẹp, con nào, con nấy cũng khỏe mạnh, béo tốt. Chỉ tay vào đàn gà đang đua nhau thò đầu mổ thức ăn trong chiếc máng treo ngang chuồng, ông Dẽ vui vẻ tâm sự: "Gia đình tôi từng nuôi nhiều lứa gà rồi, nhưng trước đây chỉ nuôi gà ta và thả rông trong vườn, chứ không làm chuồng như bây giờ. Có lẽ do thả rông, lại không biết cách tiêm vắc xin nên gà nhà tôi hay bị dịch, có lứa chết hàng loạt. Được lựa chọn tham gia mô hình nuôi gà thịt an toàn sinh học này, gia đình tôi ai cũng mừng. Giống gà mía này khá dễ nuôi.
Từ khi nhận gà về nuôi cho đến nay, đàn gà nhà tôi sinh trưởng, phát triển tốt, lớn nhanh, không hề bị dịch bệnh gì cả. Đàn gà 55 con, ngoài 1 con lúc nhỏ bị chuột tha, còn tất cả đều khỏe mạnh. Tôi cho chúng ăn đều đặn mỗi ngày 4 bữa. Lúc gà còn nhỏ tôi cho ăn cám công nghiệp. Còn bây giờ thì tôi cho chúng ăn cơm trộn với thân cây chuối băm nhỏ.
Đàn gà nhà tôi bây giờ có thể bán được rồi, vì con nhỏ nhất cũng cỡ gần 2kg. Đợt vừa rồi, nhờ anh em về gặt lúa giúp, vì không có thức ăn nên gia đình đã làm thịt mấy con. Đợt vừa rồi, trộm lẻn vào bắt mất của gia đình 16 con gà. Tiếc ngẩn tiếc ngơ nhưng cũng chả biết kêu ai, vì an ninh ở đây không được tốt lắm. Tôi sẽ giữ lại khoảng chục con gà mái để nuôi lấy trứng, cải thiện bữa ăn cho gia đình".
Nhân rộng mô hình
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, chị Trần Thị Linh Nga – Trưởng phòng Phát triển nông thôn và Bố trí dân cư, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, cho hay: Nhằm cải thiện chế dộ dinh dưỡng cho các hộ nghèo và cận nghèo ở xã Bản Lang, đặc biệt là giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em, Chi cục đã triển khai mô hình "Hỗ trợ nuôi gà thịt an toàn sinh học kết hợp trồng bí đỏ cải thiện dinh dưỡng" gắn với chương trình không còn nạn đói tại tỉnh Lai Châu.
"Qua kiểm tra, đánh giá, mô hình đã phát huy được hiệu quả bước đầu. Sau hơn 3 tháng nuôi, với tỷ lệ sống đạt từ 90 – 95%, trọng lượng gà đạt từ 2,2 – 2,5kg, người dân có thể thu từ 11 – 12 triệu đồng nếu bán ra thị trường. Không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, các hộ tham gia mô hình còn có gà thịt để bổ sung dinh dưỡng cho bữa ăn hàng ngày hoặc có thể giữ lại nuôi để lấy trứng và nhân giống mở rộng chăn nuôi" – chị Nga cho biết thêm.
"Tham gia mô hình, tôi được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho gà. Tôi đã hiểu được thế nào nuôi gà an toàn sinh học. Nuôi theo kiểu này, gia đình tôi rất yên tâm và phấn khởi. Đàn gà giống được tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng ngừa dịch bệnh nên con nào cũng khỏe mạnh, mập mạp.
Cứ 10 ngày tôi lại dọn dẹp vệ sinh chuồng nuôi 1 lần, sau khi dọn xong tôi lại rải 1 lớp trấu để cho gà ở. Làm theo cách này vừa giữ được vệ sinh lại vừa tránh được dịch bệnh xảy ra ở đàn gà. Gia đình tôi mong tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ mô hình nuôi gà như thế này." – bà Đèo Thị Lan, dân bản Hợp 1, xã Bản Lang, chia sẻ.
Theo chị Nga, mô hình nông nghiệp dinh dưỡng thực hiện thành công ở xã Bản Lang sẽ góp phần thúc đẩy việc chăn nuôi gia cầm tại địa phương. Nhận thức của người dân về áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật trong nuôi gà thịt nói riêng, chăn nuôi gia cầm nói chung cũng nhờ đó mà được nâng lên. Đây cũng là cơ sở để đánh giá, rút kinh nghiệm, từ đó nhân ra diện rộng ở các xã khác trên địa bàn tỉnh Lai Châu, góp phần tạo thêm công ăn việc làm, giảm nghèo cho người dân trong tỉnh.