Xã Xuân Quế từng là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Trước đây, địa phương này có trên 60ha cà phê. Nhưng do năng suất thấp, giá cả sụt giảm nên nhiều người đã chặt bỏ cà phê để chuyển sang cây trồng khác. Hiện cả xã chỉ còn 16ha cà phê.
Ông Ngô Hoàng Danh ở xã Xuân Quế cho biết, trên diện tích 2ha đang cho thu hoạch, ông chỉ thu được 1,5 tấn trái; giảm 1 tấn so với năm ngoái. Phải tốn từ 5-6kg cà phê tươi mới được 1kg cà phê nhân nhưng giá cà phê nhân hiện chỉ 31.000 đồng/kg.
Ông Danh cho biết, năng suất không đạt, giá cả thấp; sản lượng hái được không đủ bù cho một ngày công. Cây nào thu hoạch xong thì ông chặt bỏ bớt để chuyển sang các loại cây trồng khác.
Ông Nguyễn Văn Khởi, nông dân tại huyện Trảng Bom cũng cho biết, mùa cà phê năm nay gặp nhiều khó khăn do khô hạn kéo dài suốt từ tháng 3, là thời điểm cà phê ra hoa. Điều này khiến tỉ lệ đậu quả giảm hẳn so với những mùa cà phê được tưới đủ nước.
Hiện mức giá thu mua chỉ 31.000-32.000 đồng/kg không đủ làm người trồng cà phê yên tâm vì thu không đủ bù chi.
Cà phê từng là cây trồng chủ lực của huyện Trảng Bom với diện tích lớn. "Nhưng đến nay, năng suất thấp, dịch bệnh nhiều, giá lại giảm nên người dân không còn tha thiết với cây cà phê", ông Khởi buồn rầu kể.
Không chỉ giá thấp, nông dân trồng cà phê ở Bình Phước còn đối mặt với khó khăn khác khi đã vào vụ mà rất khó tìm được nhân công thu hoạch. Ông Trần Ngọc Thảo ở huyện Đồng Phú kể, đến khi tìm được công hái thì nhiều người lại chê cà phê kém năng suất nên không làm tiếp.
Ông Thảo có 5ha cà phê trồng xen canh. Năm ngoái ông thu được hơn 3,5 tấn/ha thì đến vụ này chỉ còn hơn 2 tấn/ha.
Theo ông Thảo, cà phê giảm năng suất do bị ảnh hưởng nặng từ đợt hạn hán ở đầu vụ. Đến đợt lũ lụt ở miền Trung mới đây khiến nhiều lao động phải lo ổn định đời sống, không vào miền Nam và Tây Nguyên hái thuê như mọi năm.
Với tiền công hái cà phê mỗi ngày 200.000 đồng/người thì giá bán hiện nay, người trồng cà phê không có lãi. Trong khi cà phê thu hoạch muộn sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của cây trồng vụ sau, năng suất sẽ tiếp tục giảm. Ông Thảo phải tận dụng nhân lực trong gia đình tự thu hái để tiết giảm chi phí.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời tiết đang thuận lợi cho vụ thu hoạch mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, giá cà phê lại giảm so với cuối tháng trước.
Đầu tháng 12/2020, giá cà phê trong nước giảm từ 4,2 – 4,3% so với cuối tháng 11. Mức giảm 4,2% này phổ biến ở hầu hết các vùng trồng cà phê, đưa mặt bằng giá cà phê xuống mức 31.600-32.000 đồng/kg.
Nhiều quốc gia đã tái lập các biện pháp giãn cách xã hội khiến mức tiêu thụ cà phê giảm. Cục Xuất nhập khẩu dự báo, áp lực bán cà phê vụ mới tăng nên giá cà phê toàn cầu trong thời gian tới sẽ còn giảm.