"Chiếc phao" công nghệ cao
TP.HCM xác định, với tốc độ đô thị hóa nhanh, đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp…, để phát triển nền nông nghiệp thành phố thì không còn cách nào khác là phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.
Chính vì thế, dù năm qua gặp khủng hoảng dịch Covid-19, nhưng lĩnh vực NNCNC vẫn phát triển.
Sở NNPTNT TP.HCM nhận định, năm 2020 tuy bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng nền sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM vẫn tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học.
Theo Sở NNPTNT, TP.HCM tiếp tục triển khai đầu tư 4 dự án NNCNC, gồm: Xây dựng Khu NNCNC ngành thủy sản tại huyện Cần Giờ; dự án mở rộng khu NNCNC (23,3ha) tại huyện Củ Chi; dự án xây dựng khu chăn nuôi CNC tại huyện Bình Chánh; dự án mở rộng khu NNCNC (200ha) tại xã Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi).
Bên cạnh đó, một số dự án chuyển đổi sang trồng các loại rau ăn lá và ăn quả ứng dụng CNC đã đi vào sản xuất với tổng diện tích hơn 435ha; thực hiện nghiên cứu sản xuất một số loại rau ăn lá trong hệ thống Plant Factory; ứng dụng hệ thống điều khiển tự động tích hợp với thiết bị di động để duy trì dòng bố mẹ và sản xuất hạt lai dưa lưới F1 trong nhà màng; ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi lợn với tổng đàn hơn 52.700 con, bò sữa với tổng đàn hơn 1.500 con và gia cầm với tổng đàn hơn 277.600 con; trong nuôi tôm với diện tích hơn 73ha...
Theo ông Phạm Lâm Chính Văn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, hiện trung tâm đang hỗ trợ triển khai mô hình nuôi cá koi cho xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh).
Theo đó, từ năm 2018, UBND thành phố đã ban hành danh mục 6 nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp thành phố có tỷ trọng và giá trị cao, có khả năng mở rộng sản xuất giống, phát triển ứng dụng CNC, công nghệ sinh học; có khả năng mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người dân ngoại thành trong quá trình xây dựng NTM, trong đó có nhóm sản phẩm thủy sản tiềm năng là cá cảnh.
"Thời gian tới, tùy vào nhu cầu của nông dân xã Bình Lợi, chúng tôi sẽ đầu tư hỗ trợ mô hình phát triển cá cảnh giá trị cao với nguồn giống bố mẹ nhập từ nước ngoài (Nhật) để giúp nông dân cải thiện nguồn giống đạt chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu và thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng..." - ông Văn cho biết.
Tiếp tục nâng hiệu quả
Ông Đỗ Việt Hà - Phó Giám đốc khu NNCNC TP.HCM cho biết, sau thời gian thành phố chuyển giao công nghệ cho nông dân, hiện tại thành phố đã hình thành một số vùng ứng dụng NNCNC, như: Vùng sản xuất hoa lan tại huyện Củ Chi; vùng sản xuất rau an toàn tại huyện Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn…
Ngoài ra, còn xây dựng nhiều mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ sinh học cho năng suất cao.
"Các công nghệ cao được chuyển giao và ứng dụng đã làm tăng sản lượng và thu nhập của nông dân, giúp nông dân nâng cao trình độ và kỹ năng sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của thành phố" - ông Hà bộc bạch.
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, để tiếp tục nâng cao hiệu quả lĩnh vực NNCNC thành phố, mục tiêu trong năm 2021, ngành nông nghiệp sẽ chọn được 1-2 giống rau ăn lá, 2-4 giống hoa, kiểng mới phù hợp với thị trường, thích nghi với điều kiện tại thành phố; chọn 5-8 dòng thuần của cây rau ăn quả (ớt, dưa leo, khổ qua) và hoa cúc đồng tiền để tạo giống mới; xây dựng 1-2 quy trình nhân giống hoa nền; xây dựng 2 mô hình trình diễn và 12 mô hình thử nghiệm lĩnh vực cây trồng ứng dụng CNC, chế phẩm sinh học, chất điều hòa sinh trưởng thực vật; thực hiện 21 nhiệm vụ nghiên cứu NNCNC trong chăn nuôi, thủy sản và cây trồng; đào tạo 400 lao động NNCNC về chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản…