Dân Việt

Việt Nam thử nghiệm mũi tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên trên người

Diệu Linh 17/12/2020 10:57 GMT+7
Sáng 17/12, 3 tình nguyện viên đã được thử nghiệm mũi tiêm đầu tiên vắc xin ngừa Covid-19 do Việt Nam sản xuất.

Người tình nguyện đầu tiên tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 là nam giới. Đây là 1 trong 3 người được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 trong sáng 17/12.

Đại diện Học viện Quân y cũng cho biết, trong vòng 1 tuần tuyển chọn tình nguyện viên, đã có hơn 200 người đăng ký tình nguyện tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax ngừa Covid-19 do Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen (Công ty Nanogen) sản xuất.

Cận cảnh: Người Việt đầu tiên tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 Nano Covax - Ảnh 2.

Chuẩn bị tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người tình nguyện. Ảnh: Ngô Nhung

Ông Đỗ Minh Sỹ - Giám đốc Nghiên cứu phát triển của Nanogen cho biết, giai đoạn 1 sẽ có 60 tình nguyện viên khỏe mạnh từ 18 đến 50 tuổi tham gia và được phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm, bao gồm nhóm 1a 20 người dùng mức liều 25mcg sẽ được thu tuyển đầu tiên, tiếp theo là nhóm 1b gồm 20 người dùng mức liều 50mcg và sau đó là nhóm 1c gồm 20 người dùng mức liều 75mcg. Tất cả các đối tượng tham gia nghiên cứu giai đoạn 1 sẽ được tiêm bắp 2 mũi vắc xin, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày.

Để đảm bảo tính an toàn cho người tham gia nghiên cứu, giai đoạn thu tuyển 60 đối tượng tham gia đánh giá an toàn theo thiết kế dò liều tăng dần. Quy trình thu tuyển đối tượng tham gia vào giai đoạn 1 sẽ được bắt đầu với 3 người thuộc nhóm liều 25mcg. Trên cơ sở kết quả theo dõi đánh giá sau 72 giờ sau tiêm vắc xin trên 3 người đầu tiên này mới quyết định mức liều và số người tham gia tiếp theo.

Để chuẩn bị buổi tiêm thử nghiệm đầu tiên và các giai đoạn thử nghiệm sau đó, Học viện Quân y đã sẵn sàng các thiết bị theo dõi chỉ số sinh học, kết nối các bệnh viện xung quanh. Sau đó, tình nguyện viên sẽ tiếp tục được theo dõi tại địa phương, nơi cư trú trong 56 ngày.

Cận cảnh: Người Việt đầu tiên tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 Nano Covax - Ảnh 4.

Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người tình nguyện đầu tiên.

Trước đó, TS Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vắc xin - cho biết, tất cả những người tham gia thử nghiệm sẽ được tiêm bắp 2 liều vắc xin. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày. Mỗi tình nguyện viên được theo dõi trong 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên. 

Theo ông Quang, nguy cơ mà người thử nghiệm vắc xin gặp phải có thể là đau, sưng đỏ, cứng vùng tiêm; nhiễm trùng vùng tiêm; sốt, buồn nôn và không loại trừ nguy cơ có một số người bị tai biến, phản ứng nặng khi tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19. 

"Trong Đề án thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19, các nhà nghiên cứu đã đều tính đến nguy cơ này. Học viện Quân y cũng đã chuẩn bị phòng ốc nghỉ ngơi, những trang thiết bị, bác sĩ tốt nhất để theo dõi sức khỏe cho các tình nguyện viên. Học viện cũng đã chuẩn bị cả bác sĩ cấp cứu, phòng cấp cứu hồi sức phòng khi có tình huống xấu", ông Quang nói. 

GS-TS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y cũng chia sẻ, để chuẩn bị tinh thần tốt nhất cho lần tiêm thử nghiệm, Học viện đã tổ chức diễn tập trong 3 ngày (14 đến 16/12) trước khi tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người để nếu có bất cứ tai biến hay tác dụng phụ nào thì Học viện Quân y cũng sẽ xử lý được. "Dù tỉ lệ không cao nhưng vẫn phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho tình nguyện viên" - GS Quyết khẳng định. 

Trước đó, Công ty Nanogen (đơn vị sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 Nano Covax) và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiểm đã ký hợp đồng bảo hiểm cho chương trình thử nghiệm vắc xin Nano Covax trước khi chính thức tiêm ngừa trên người tình nguyện. Chương trình bảo hiểm này kéo dài trong suốt 3 giai đoạn thử nghiệm vắc xin với số tiền bảo hiểm 20 tỷ đồng, trong đó quyền lợi tối đa cho cá nhân là 100 triệu đồng.