Mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi tôm công nghệ cao
Trò chuyện với PV NTNN, ông Bảy cho biết, cách đây gần 20 năm ông đã mạnh dạn ra vùng ven biển của xã Thạnh Phong để đầu tư nuôi tôm.
"Thời điểm đó, nơi đây chỉ là vùng cắt trắng, chỉ có lác đác vài hộ gia đình nuôi trồng thủy sản. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi đã quyết định đánh liều đầu tư vào nuôi tôm" - ông Bảy nhớ lại.
"Được đại diện là một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Bến Tre ra Thủ đô tham dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X, bản thân tôi rất vinh dự và tự hào. Đây được coi là động lực rất lớn để tôi tiếp tục vươn lên làm giàu từ nuôi tôm công nghệ cao trên chính mảnh đất quê hương".
Ông Đặng Văn Bảy
Ban đầu, nuôi tôm gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất thuận, chật vật tìm thị trường, cùng với đó là kinh nghiệm nuôi tôm cũng chưa nhiều nên tôm bị chết với số lượng lớn.
Sau hơn chục năm nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống, cuối năm 2016, nhận thấy nuôi tôm siêu thâm canh đang và sẽ trở thành xu thế tất yếu trong nền nông nghiệp hiện đại. Trong đó, nuôi tôm theo hướng CNC sẽ giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, giảm dịch bệnh, nâng cao sản lượng, chất lượng tôm, hướng đến phát triển bền vững.
Ông Bảy chia sẻ, nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh CNC 3 giai đoạn trong bể nổi làm bằng khung sắt tròn, phủ bạt và áp dụng kỹ thuật tách chất thải rắn, tái sử dụng nước sẽ là hướng đi cho tương lai.
"Bén duyên cùng con tôm ngay từ những ngày đầu lập nghiệp, bản thân tôi luôn mong muốn tìm ra cách nuôi mới giúp nông dân giảm bớt chi phí sản xuất. Đồng thời sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận và trên hết là không gây ô nhiễm môi trường" - ông Bảy nói.
Theo ông Bảy, tiềm năng và lợi thế của Thạnh Phú là biển. Không chỉ vươn khơi, bám biển mà còn tận dụng được vùng đầm, bãi để nuôi trồng thủy sản cộng với việc ứng dụng chế phẩm sinh học semi biofloc - một loại hạt phức hợp đa dạng của vi khuẩn, tảo, mùn xác hữu cơ, động vật phù du, giun nhỏ... có giá trị dinh dưỡng cao làm thức ăn cho tôm, đã giúp giảm tới 30% lượng thức ăn trong ao nuôi, duy trì chất lượng môi trường nước tốt, đảm bảo cho tôm sinh sống, hạn chế dịch bệnh, đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường.
Tôm sẽ được nuôi qua 2 giai đoạn ương và 1 giai đoạn nuôi thương phẩm. Mỗi giai đoạn nuôi trong 1 ao phù hợp. Cách di chuyển tôm từ ao này sang ao kia sau mỗi giai đoạn là theo dòng chảy tự nhiên, nhờ đó tránh cho tôm bị stress, bị lây nhiễm mầm bệnh.
Lãi ròng hơn 10 tỷ đồng/năm
Sau nhiều lần tham quan, học hỏi kinh nghiệm, cuối năm 2016, ông Bảy gom hết vốn liếng để đầu tư, xây dựng bể nổi và hệ thống xử lý nước thải theo quy trình biofloc để nuôi tôm siêu thâm canh.
Theo ông Bảy, 1ha đất nếu nuôi theo cách bình thường như trước đây sẽ có 2 ao nuôi, mỗi ao khoảng 4.000m2 mặt nước. Diện tích còn lại làm ao lắng xử lý nước, tuy thả tôm với mật độ cao nhưng hiệu quả không cao.
Vì vậy, ông đã áp dụng theo nuôi hai giai đoạn, 1ha đất chỉ cho nuôi khoảng 1.500m2 mặt nước, diện tích còn lại là ao ươm và ao xử lý nước, tôm sẽ nuôi với mật độ cao khi đó tôm nuôi cần rất nhiều nước sạch để thay đổi liên tục, tôm sẽ lớn nhanh ít bệnh, cho năng suất khoảng 9 tấn, cao hơn 3 lần so với thả nuôi theo bình thường.
Với mật độ thả nuôi 300 con/m2, chỉ sau hơn 2 tháng, tôm trong bể nổi đã đạt trong lượng trung bình 30 con/kg.
Để ứng dụng quy trình nuôi tôm trong bể nổi, người nuôi phải tuân thủ đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào qua ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng, cuối cùng là đến ao nuôi. Chọn con giống sạch bệnh, chất lượng, ươm trong bể từ 20 - 30 ngày cho đạt kích cỡ đồng đều thì mới thả ra ao nuôi. Trong quá trình nuôi, chất thải rắn từ ao phải được lắng lọc kỹ, thu gom thường xuyên - đây là một trong những yếu tố quan trọng để mang lại sự thành công lâu dài cho mô hình này.
Theo ông Bảy, nếu thời tiết thuận lợi, giá bán ổn định khoảng 175.000 đồng/kg (loại 30 con/kg), năm 2019 đạt sản lượng 300 tấn tôm, ông thu lãi gần 20 tỷ đồng. Từ hiệu quả của mô hình, ông Bảy đã chia sẻ kinh nghiệm và giúp nhiều nông dân trong xã thành công với con tôm.