Dân Việt

Doanh nghiệp mới bán giống được 2 tháng, làm gì đã có gạo ST25 mà rao bán tràn lan trên Sendo, Lazada?

Khánh Nguyên 19/12/2020 10:30 GMT+7
Trên thị trường, trên mạng xã hội... đang xuất hiện nhan nhản cửa hàng, shop, cá nhân quảng bá rầm rộ và rao bán gạo ST25. Trong khi đó, đơn vị sở hữu bản quyền giống lúa cho biết, mới cung cấp giống ra thị trường được… 2 tháng.

Từ trường hợp gạo ST25 đang đặt ra gay gắt vấn đề về quản lý, bảo vệ thương hiệu nông sản.

Ông Hồ Quang Trí - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, đơn vị sở hữu bản quyền giống lúa ST25 cho biết, doanh nghiệp cũng đang rất đau đầu về tình trạng kinh doanh tràn lan gạo ST25 giả trên thị trường mà chưa có giải pháp nào chấm dứt tình trạng này.

"Đúng là doanh nghiệp của tôi đang kinh doanh lúa giống ST25, nhiều nơi đã mua giống của chúng tôi về gieo trồng, nhưng tôi xin khẳng định, doanh nghiệp mới đưa lúa giống ST25 ra thị trường được 2 tháng nay nên chưa thể có gạo thành phẩm. Muốn có gạo từ lúa giống ST25 đơn vị chúng tôi cung cấp phải đợi đến vụ đông xuân 2020 - 2021" - ông Trí nói.

Cũng theo ông Trí, phần lớn những lời rao bán gạo ST25 trên các trang bán hàng trực tuyến là hàng giả. 

"Họ lấy gạo khác, đóng vào bao và tự nhận là giống ST25. Trước đó, chúng tôi cũng có bán những loại giống tương tự như ST25 cho người dân, sau đó những người này lại lấy thóc đó làm giống bán ra ngoài nên chất lượng rất khó kiểm soát. Rất có thể họ lấy những loại gạo đó để đóng gói, bán ra ngoài với mác ST25 để kiếm lời" - ông Trí cho biết thêm.

Làm giả, làm nhái nông sản nhìn từ gạo ST25: Doanh nghiệp, người tiêu dùng đều thiệt - Ảnh 1.

Kỹ sư Hồ Quang Cua (giữa) trong một lần giới thiệu bao bì và sản phẩm gạo ST25. Ảnh: T.L

Kỹ sư Hồ Quang Cua - "cha đẻ" của giống lúa ST25 - cũng từng bày tỏ sự lo ngại: "Nếu như tình trạng này không được ngăn chặn, chắc chắn không lâu nữa thương hiệu gạo ST25 sẽ bị thế giới nhìn bằng con mắt khác. Bởi chính cách làm ăn theo kiểu "ăn xổi" của một số doanh nghiệp, cá nhân đang giết dần những doanh nghiệp uy tín, trực tiếp đưa giá trị của gạo Việt xuống tầm thấp của thế giới".

Làm giả, làm nhái nông sản nhìn từ gạo ST25: Doanh nghiệp, người tiêu dùng đều thiệt - Ảnh 3.

Gạo ST25 tại một điểm bán chính thức của Công ty CP Lương thực Phương Nam. Ảnh: P.H.P

Gạo ST25 là sản phẩm của Anh hùng lao động - kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các cộng sự đã dày công nghiên cứu, chọn tạo trong suốt gần 30 năm qua. Gạo ST25 được đưa tham dự cuộc thi "World's Best Rice", do Tổ chức The Rice Trader (TRT) tổ chức trong hội nghị gạo thế giới lần thứ 11 tại Manila (Philippines) vào tháng 11/2019. Tại đây, gạo thơm ST25 đã đoạt giải Nhất với danh hiệu Gạo ngon nhất thế giới năm 2019, cũng tại cuộc thi này, năm 2020, ST25 đoạt giải Nhì.

Ông Hồ Quang Trí cũng thừa nhận một thực tế, dù biết các loại gạo rao bán ồ ạt trên mạng, trên các trang bán hàng trực tuyến 100% là hàng giả, hàng nhái nhưng doanh nghiệp gần như bất lực.

"Chúng tôi cũng từng có ý định đi kiện những đối tượng vi phạm bản quyền, nhưng thực tế những quy định trong vấn đề tác quyền của ta vẫn còn những kẽ hở. Ví dụ, chúng tôi đi đăng ký bảo hộ thương hiệu thì chỉ được đăng ký bảo hộ giống ST25 của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí chứ không phải giống ST25 nói chung. Chính vì vậy, khi chúng tôi gửi đơn kiện, ngành chức năng nói những sản phẩm này họ chỉ chưa đăng ký bảo hộ thôi chứ họ không vi phạm" - ông Trí nêu một thực tế.

Cũng theo ông Trí, giải pháp của doanh nghiệp là xúc tiến đổi mới mẫu mã bao bì để tránh làm giả, dù biết điều này không hề tốt cho việc định vị thương hiệu sản phẩm trong lòng người tiêu dùng.

Vinh dự sản xuất được loại gạo ngon nhất thế giới, nhưng việc duy trì danh tiếng, thương hiệu cũng là một thử thách lớn. Trong vấn đề này, theo ông Trí, rất cần các cơ quan ban ngành có thẩm quyền sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý những thương hiệu làm giả, làm nhái, tránh để tình trạng diễn ra ngày càng nghiêm trọng, khiến uy tín của gạo ST25 bị hạ thấp.

Từ việc gạo ST25 bị mạo danh, cho thấy cần có quy chuẩn chặt chẽ hơn trong việc quản lý, công bố, sử dụng thương hiệu gạo nói riêng, thương hiệu nông sản đặc sản nói chung. 

Đồng thời người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng, tìm hiểu và lựa chọn các nhà sản xuất, nhà cung cấp có uy tín để tránh bị thiệt hại do mua phải gạo giả, nông sản nhái hay giả mạo thương hiệu. 

Theo Điều 13 Nghị định số 185/2013 về hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hành vi buôn bán hàng giả nhãn mác, bao bì hàng hóa sẽ bị xử phạt tiền từ 200.000 đồng đến 30.000.000 đồng phụ thuộc vào số lượng hàng hóa giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

Trong đó, mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người buôn bán hàng giả bao bì, nhãn mác hàng hóa còn bị áp dụng các biện pháp phạt bổ sung, khắc phục hậu quả: Bị tịch thu hàng hóa vi phạm. Nộp lại số lợi bất hợp pháp từ việc buôn bán hàng giả.