Tại huyện vùng cao Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái), trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhiệt độ xuống dưới 10 độ C như hiện nay, người chăn nuôi ở các xã đã chủ động tăng cường phòng chống rét cho đàn gia súc.
Đảm bảo tốt thức ăn
Gia đình anh Sùng A Páo ở Km16, xã Pá Hu, có 4 con bò và 2 con trâu. Với gia đình anh thì đây là tài sản lớn, là thành quả bao năm tích cóp của 2 vợ chồng. Vì vậy anh luôn chăm sóc thật chu đáo để đàn trâu, bò nhà mình sinh trưởng và phát triển tốt.
"Vài năm trở lại đây, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy nhận thức trong chăn nuôi, nên hiện nay các hộ chăn nuôi đều không thả rông vào mùa đông nữa".
Ông Mùa A Sùng
Nhiều năm chăn nuôi anh rút ra kinh nghiệm, mùa đông luôn khan hiếm thức ăn xanh do nhiệt độ xuống thấp, cỏ cây bị chết rét nên trâu, bò thường thiếu thức ăn, đã thế mùa đông ở vùng cao lại rất lạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến đàn gia súc nếu như không chăm sóc tốt. Vì vậy, gia đình anh đã chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi của mình trong suốt mùa đông.
Năm nay cũng vậy, ngay khi gặt xong lúa mùa, gia đình anh đã thu gom toàn bộ rơm của gia đình phơi khô tích trữ, đồng thời chăm sóc tốt gần 1ha cỏ voi. Anh Páo nói: "Mình đã làm lại toàn bộ nhà để rơm, trong đó mái được lợp bằng fibro ximăng, xung quanh che chắn cẩn thận để rơm luôn được khô ráo sạch sẽ. Gia đình mình cũng tu sửa lại chuồng trại nuôi nhốt gia súc, đảm bảo trâu bò không bị chết rét. Vào những ngày rét đậm, rét hại như thế này, mình cho trâu bò ở tại chuồng, cho ăn cỏ, rơm khô và bổ sung thêm cám gạo để trâu bò tăng sức đề kháng".
Theo ông Mùa A Sùng - Chủ tịch UBND xã Pá Hu, toàn xã có 973 con trâu và bò. Xác định trâu bò là cơ nghiệp quý của mỗi hộ dân nên năm nào cũng vậy, chuẩn bị bước vào mùa đông, xã đã chỉ đạo các thôn phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân phòng chống đói rét cho gia súc, và việc này luôn được ưu tiên thực hiện, nhất là vào những đợt rét đậm, rét hại.
Thông qua công tác tuyên truyền vận động mà trước tiên là sự tiên phong từ chính các gia đình cán bộ đảng viên, người dân trong xã đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phòng chống đói rét cho đàn gia súc.
Đến nay, 100% hộ chăn nuôi đã có chuồng trại nuôi nhốt gia súc, trồng cỏ làm thức ăn với tổng diện tích cỏ toàn xã gần 30ha cỏ, cùng với 240 cây rơm dự trữ. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình còn trồng thêm chuối để bổ sung thức ăn cho gia súc.
"Trước đây bà con trong xã thường thả rông gia súc, nhưng vài năm trở lại đây, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy nhận thức trong chăn nuôi nên hiện nay các hộ chăn nuôi đều không thả rông vào mùa đông nữa" - ông Sùng chia sẻ.
Huyện Trạm Tấu hiện có tổng đàn gia súc chính trên 34.500 con trong đó đàn trâu, bò trên 13.000 con. Vào những ngày nhiệt độ xuống thấp như hiện nay, huyện đã yêu cầu 100% các xã, thị trấn chủ động tuyên truyền, vận động đến các hộ chăn nuôi thực hiện bắt buộc các biện pháp phòng chống đói rét cho gia súc, dịch bệnh cho gia súc như: 100% hộ chăn nuôi phải sử dụng bạt dứa, phên cỏ tranh hoặc vật liệu khác có sẵn để che chắn chuồng trại giữ ấm cho gia súc, tăng cường thức ăn thô xanh, thức ăn tinh và không thả rông gia súc trong những ngày nhiệu độ xuống thấp.
Người dân chủ động
Hiện nay, tỉnh Lào Cai có trên 45.000 hộ chăn nuôi gia súc lớn với tổng đàn gia súc trên 147.000 con. Trong đó, đàn trâu 117.000 con; bò 24.000 con; ngựa 5.700 con…
Những ngày qua, do nhiệt độ xuống thấp dưới 10 độ C nên ông Nguyễn Thọ Hùng (thôn Hòa Mục, xã Thái Long, TP.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) đã che chắn lại chuồng trại, chuẩn bị dự trữ đầy đủ thức ăn cả tinh và thô cho trâu.
Ông Hùng cho biết: "Con trâu này có được là từ số tiền vay Ngân hàng Chính sách xã hội, nó là cả gia sản của gia đình tôi. Năm nay nghe dự báo nhiệt độ thấp, lạnh lắm nên tôi đã tận dụng các vật liệu sẵn có để che gió cho trâu, dự trữ thức ăn không để cho trâu bị đói, ốm vì rét".
Theo ông Hùng, dù ngày hay ban đêm, trời lạnh, ông đều phải che bạt. Đồng thời, tăng thêm cám gạo, cám ngô, trộn ngô, trộn rau cho trâu ăn và bổ sung thêm nước muối để trâu tăng sức đề kháng.
"Năm nay, ngay khi tiết trời chuyển sang mùa đông, không chỉ gia đình tôi, mà các hộ chăn nuôi trong xã đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống đói rét cho gia súc nhằm giảm thiểu thiệt hại do giá rét gây ra" - ông Hùng chia sẻ.
Tại tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo về phòng chống đói, rét cho đàn gia súc. Theo đó, về chế biến, dự trữ thức ăn vận động người dân tranh thủ thu gom triệt để rơm rạ, các loại cỏ thân mềm phơi khô, bảo quản, dự trữ ở nơi khô ráo. Tận dụng thân cây ngô, lạc, bã mía, cỏ trồng và cỏ tự nhiên để chế biến, dự trữ bằng hình thức ủ chua, ủ men vi sinh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến cáo bà con sửa chữa, gia cố lại chuồng trại, dùng bạt, bao dứa, tấm nylon lớn để che chắn chuồng trại đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm ướt chuồng trại trong những ngày mưa rét.