Từ những cây rau mọc tự nhiên, hoang dại ven sông, trong rừng, như: trâm, ổi, lộc vừng, mặt trăng, sơn máu, cóc… một số hộ dân trên địa bàn thị xã Trảng Bàng đã đưa về trồng trong vườn. Qua thực tế, mô hình trồng rau rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó người dân địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi những loại cây trồng kém năng suất sang trồng rau rừng. Cùng với đó, các tổ hợp tác, tổ liên kết rau rừng trên địa bàn thị xã cũng dần hình thành, nhằm liên kết sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Hồng Mao–Tổ trưởng Tổ liên kết rau rừng tại thị xã Trảng Bàng cho biết, xác định thực phẩm sạch có vai trò quan trọng làm nên thương hiệu rau rừng của địa phương. Vì vậy, ngay từ khi mới thành lập, Tổ đã định hướng cho các thành viên sản xuất rau theo hướng VietGAP. Đến nay tất cả các sản phẩm rau rừng của tổ đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất an toàn.
Sản xuất theo hướng VietGAP là hướng đi đúng đắn, rau rừng trên địa bàn không chỉ có người tiêu dùng tại địa phương sử dụng, mà tổ liên kết đã kết nối được với một số nhà hàng nổi tiếng tại TP.Hồ Chí Minh như, chuỗi nhà hàng Hoàng Ty và các siêu thị có tiếng như Aeon, Co.opMart… giúp các tổ viên và bà con trên địa bàn có thu nhập ổn định.
Chăm chỉ trồng rau sạch, biết cách đưa rau rừng vào siêu thị và hướng đến xây dựng thương hiệu cho rau rừng. Đó là cách giúp ông Trần Văn Thành (ngụ phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng) vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất của mình.
Ông Thành cho biết, qua tìm hiểu nhận thấy người tiêu dùng có nhu cầu tiêu thụ rau rừng rất lớn, trong khi nguồn cung chưa bảo đảm, giá cả lại đắt đỏ. Từ đó, vào năm 2013 gia đình ông bắt đầu trồng 7.000m2 với nhiều loại rau khác nhau như: trâm ổi, trâm sắn, sơn máu, mặt trăng, chùm mồi, bí bái…
Ông Thành cho biết thêm, cây ra lá và đọt quanh năm, càng thu hoạch cây càng bung nhiều đọt non, sản lượng thu hoạch năm sau luôn cao hơn năm trước, trung bình mỗi ngày gia đình ông thu hoạch khoảng 40 – 50 kg, với giá bán 15.000 – 20.000 đồng/kg. Để có sản phẩm đạt chất lượng, ông Thành đã đăng ký chứng nhận VietGAP cho toàn bộ sản phẩm rau rừng gia đình, để cung cấp cho siêu thị Co.opMart mỗi ngày.
Trong khi mọi người tìm hướng đi bền vững cho các loại rau thịnh hành trên thị trường, thì gia đình ông Thành vẫn kiên trì phát triển thương hiệu rau rừng. “Đây là hướng phát triển bền vững. Không dừng lại ở việc bán, cung cấp, hiện tôi đang cố gắng xây dựng thương hiệu rau rừng. Với tôi - câu chuyện về rau rừng vẫn còn dài phía trước”, ông Thành khẳng định.
Cùng chung suy nghĩ với ông Thành, ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ khu phố Phước Hội, phường Gia Bình) cho biết, khách hàng ưa chuộng rau rừng không chỉ vì ngon mà còn vì sạch, an toàn. Chính vì vậy, tôi sẽ hướng đến sản xuất rau rừng theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng hóa chất, thuốc kích thích tăng trưởng cho cây.
Đặc biệt, để bảo đảm chất lượng rau bán đi, ông Tuấn không hái rau khi quá non hay quá già mà tập trung hái đúng thời điểm. Tỉ mỉ trong cách chăm, cách trồng hiện nay, mỗi ngày ông Tuấn bán ra thị trường từ 40 -50 kg rau rừng các loại cho các khách hàng quen thuộc.
Phát triển rau rừng dù còn khó khăn nhưng là hướng đi đúng, nên không dừng lại ở diện tích 2.000m2, ông Tuấn cho biết, nếu có quỹ đất, gia đình ông sẽ tiếp tục nhân rộng và phát triển thêm diện tích trồng rau rừng, cố gắng tạo dựng thương hiệu từ loại cây đặc trưng này.
Ông Lê Văn Hòa - Chủ tịch Hội nông dân phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 30 hộ gia đình tham gia Tổ liên kết rau rừng. Hộ nào ít cũng có 1 công, hộ nhiều thì 6 - 7 công. Trung bình mỗi công cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Đây không chỉ là mô hình phát triển kinh tế mang về thu nhập ổn định mà còn là cách để người dân giữ gìn và phát triển đặc sản của thị xã Trảng Bàng.