Phát biểu tại Họp báo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 12/2020 tại Hà Nội, các chuyên gia, học giả của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức phi chính phủ đều đánh giá cao khả năng chống dịch Covid-19 của Việt Nam, đồng thời tỏ rõ niềm tin vào khả năng phục hồi của nền kinh tế dưới chính sách quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ.
Bà Carolyn Turk cho rằng, Việt Nam kiểm soát tốt Covid-19 và nền kinh tế trải qua cú sốc lớn. "Các bạn làm tốt hơn nhiều so với hầu hết quốc gia khác và việc ứng phó nhanh Covid-19 đã giúp nền kinh tế ổn định nhanh chóng. Thời gian tới, để nền kinh tế phục hồi lâu dài, Việt Nam cần xem xét các biện pháp phục hồi dựa trên nền tảng của phát triển bền vững và hiệu quả như chọn lọc dự án xanh, đầu tư vào chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ...".
Theo bà Carolyn Turk, Việt Nam đang ở ngã rẽ của quá trình phục hồi hậu Covid-19 để phát triển bền vững, tăng cường khả năng chống chịu, giải quyết ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Jacques Morisset là Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB cho rằng, dịch bệnh tại Việt Nam đã được kiểm soát, điều này thể hiện dấu ấn mạnh mẽ của Việt Nam khi thế giới đang bùng phát dữ dội.
"Tuy nhiên, tôi đặt ra vấn đề đặt ra là tại sao Việt Nam xử lý tốt với Covid-19 nhưng không xử lý tốt được với biến đổi khí hậu, xử lý các vấn đề môi trường. Theo tôi, bài học kinh nghiệm chống Covid-19 thành công có thể được Chính phủ áp dụng để giải quyết tốt môi trường và biến đổi khí hậu, để phát triển bền vững hơn", ông Jacques nói.
Theo ông Jacques, Covid-19 là vấn đề bức thiết vì ảnh hưởng tới kinh tế, đe dọa sinh mạng con người. Nhưng biến đổi khí hậu và môi trường cũng tác động mạnh lên con người, đặc biệt là trẻ em, người yếu thế trong xã hội.
Tại họp báo, TS. Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về Biến đổi khí hậu cho biết, sau Covid-19, nhiều người lao động ở miền Trung phải quay trở về quê để chờ kinh tế phục hồi, quay lại thành phố làm việc. Tuy nhiên, khi họ về quê thì lại gặp cảnh bão lũ, cuộc sống khó khăn, năm nay họ hoặc không có thu nhập hoặc bị mất đi 80% so với năm ngoái..
Thêm nữa, hàng loạt khách sạn ở miền Trung đóng cửa do tác động Covid-19 quá lớn, khủng hoảng thiên tai cũng vượt sức chịu đựng của người dân nhiều địa phương. Cơ hội quan trọng là sự chia sẻ giữa đồng bào, ông chủ và người lao động, đây là cách vượt qua Covid-19 và thiên tai mà nhiều nước phải vượt qua, tính đến.