Xác định cải cách hành chính là công việc khó khăn và có nhiều trở ngại, nhưng trong 10 năm qua (2011-2020) Bộ NNPTNT và các đơn vị trong Bộ đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Những nỗ lực cải cách hành chính cũng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ và chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính trong bộ máy quản lý nhà nước của Bộ.
Đột phá từ cải cách thể chế
Trong giai đoạn 2011-2020, Bộ NNPTNT đã xây dựng hệ thống pháp luật của ngành đảm bảo các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ đều đã được điều chỉnh bởi văn bản có giá trị pháp lý cao là Luật (9 luật).
Là người trực tiếp tham gia công tác cải cách hành chính và chịu trách nhiệm "gác cửa" của Bộ về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ NNPTNT trong 10 năm qua, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhận định, cải cách hành chính là một công việc khó, nhất là trong cải cách thể chế.
"Đến thời điểm này, chúng tôi không nợ bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào" - bà Nguyễn Thị Kim Anh chia sẻ và cho biết mỗi khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật ra đều phải "nín thở 3-6 tháng để nếu có vấn đề gì thì rất trăn trở".
Công tác cải cách không phải là công việc của riêng ai cả mà ở đây phải là tất cả các đồng chí, từng cán bộ công chức, từng thủ trưởng đơn vị, từng lãnh đạo Bộ phải có ý chí về cải cách hành chính thì lúc đấy mới thực hiện được. Bộ NNPTNT đã làm được điều đó và ở đây sự lan tỏa cải cách hành chính là ai cũng sẵn sàng thay đổi, cải thiện để công việc sau được tốt hơn với tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NNPTNT)
"Các văn bản quy phạm pháp luật của ngành nông nghiệp đến giờ cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ vụ sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và cơ bản không có những vấn đề gì lớn phải sửa ngay "- bà Kim Anh nói
Theo bà Nguyễn Thị Kim Anh, cái khó khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ NNPTNT là phải có cùng thời điểm vào ngày có hiệu lực của Luật trong khi ngành nông nghiệp lại có nhiều lĩnh vực rất khó và tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, trong 5 năm qua, đơn vị đã tham mưu xây dựng và hoàn thiện Luật Lâm nghiệp, 6 Nghị định và 10 Thông tư về lĩnh vực lâm nghiệp.
Trong quá trình xây dựng Luật Lâm nghiệp và các văn bản dưới Luật, Tổng cục Lâm nghiệp đã bãi bỏ 98 thủ tục hành chính, đơn giản 25 thủ tục hành chính và đến nay chỉ còn có 39 thủ tục hành chính trong toàn ngành nông nghiệp, trong đó có 19 thủ tục ở Trung ương, 16 thủ tục ở cấp huyện và còn lại là các thủ tục ở cấp dưới.
Việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng rõ ràng, minh bạch đã tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính cũng như thành phần về hồ sơ.
"Đối với 19 thủ tục ở Trung ương, chúng tôi đều xây dựng quy trình nội bộ theo hướng điện tử và vận hành trên hệ thống điện tử một cửa để giải quyết thủ tục hành chính của Bộ. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện, xử lý các quy định còn chồng chéo bất cập, không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp" - ông Trị nói.
Tiết kiệm trên 1.290 tỷ đồng/năm từ cắt giảm kiểm tra chuyên ngành
Ở lĩnh vực chuyên ngành, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, trước đây công việc kiểm tra chuyên ngành chính của Cục là kiểm dịch thực vật và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nông sản xuất nhập khẩu.
Năm 2018, Chính phủ yêu cầu một đầu mối về kiểm tra chuyên ngành, Cục BVTV đã được giao thêm nhiệm vụ kiểm tra thức ăn chăn nuôi nhập khẩu (chuyển nhiệm vụ từ Cục Chăn nuôi) và thức ăn thủy sản (chuyển từ Tổng cục thủy sản) có nguồn gốc thực vật. Điều này đã gây áp lực cho hệ thống, bởi con người vẫn vậy, thậm chí giảm đi trong khi công việc lại nhiều lên.
Để xử lý vấn đề này, Cục BVTV đã thúc đẩy giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Đồng thời, phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi trong việc hướng dẫn đọc hồ sơ, rồi tập huấn lấy mẫu.... Tuy nhiên, phải đến ngày 17/10/2020, Cục BVTV mới chính thức đưa thủ tục này xử lý trực tuyến.
"Khi có sự thay đổi của văn bản pháp luật thì thủ tục lại thay đổi. Trong quá trình chúng tôi làm từ năm 2019, lúc đó xây dựng Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt. Khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2020/NĐ-CP. Đây là một trong những điểm mới, thủ tục lại thay đổi và hệ thống chúng tôi làm với trên Một cửa quốc gia cũng phải chỉnh sửa lại.
Vừa rồi, Cục BVTV cũng phối hợp chặt chẽ với Viettel và Tổng cục Hải quan thì mới hoàn chỉnh để có thể đưa lên Cổng dịch vụ công trực tuyến. Chúng tôi phối hợp với tất cả các đơn vị lại tiếp tục tập huấn cho cán bộ kiểm dịch thực vật, đặc biệt tại hai Chi cục Kiểm dịch thực vật 1 (TP. Hải Phòng) và Chi cục Kiểm dịch thực vật 2 (TP. Hồ Chí Minh) là hai đơn vị có nhiều thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu vào" - ông Dương nói.
Ông Nguyễn Sông Thao, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NNPTNT) cho biết, trong giai đoạn 2011-2020, Bộ đã thực hiện quyết liệt việc kiểm soát chặt chẽ các quy định về thủ tục hành chính. Đến tháng 12/2020, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn có tổng số 390 thủ tục hành chính. So với thời điểm tháng 1/2016, Bộ đã cắt giảm 118 thủ tục hành chính, bao gồm: 64 thủ tục hành chính cấp bộ, 32 cấp tỉnh, 23 cấp huyện, 5 cấp xã.
Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT đã tổ chức rà soát 63 thủ tục hành chính liên quan tới kiểm tra chuyên ngành được quy định tại 27 văn bản, gồm 3 Luật, 6 Nghị định, 18 Thông tư. Bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 32/63 thủ tục hành chính, đạt 50,7%.
Về rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, Bộ đã công bố Danh mục điều kiện đầu tư kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp gồm 272 điều kiện. Số lượng điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đã bãi bỏ, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa gồm 251 điều kiện; trong đó, bãi bỏ 115 điều kiện, sửa đổi 136 điều kiện.
Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh ước tiết kiệm được 233.790 ngày công, tương đương 32 tỷ đồng/năm; việc cắt giảm mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành ước tính tiết kiệm trên 1.291 tỷ đồng/năm.
4 năm nâng 9 bậc xếp hạng
Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn đánh giá, kết quả cải cách hành chính của Bộ trong 10 năm qua được thể hiện khá toàn diện trên cả 6 nội dung, tạo sự chuyển biến nhất định trong quản lý, điều hành của Bộ. Từ đó, góp phần phát triển nông nghiệp toàn diện, thúc đẩy cơ cấu lại ngành và xây dựng nông thôn mới.
"Chỉ số cải cách hành chính của Bộ NNPTNT từ xếp hạng thứ 13 (năm 2016) lên vị trí thứ 7 (năm 2017) và giữ vị trí thứ 4 trong 2 năm liên tiếp được đánh giá gần đây (năm 2018 và 2019)" - ông Tuấn nói
Ông Tuấn cho rằng, cải cách hành chính vẫn là việc cần làm thường xuyên lâu dài bởi công cuộc cải cách hành chính gắn liền với sự phát triển của nhà nước. Thời gian tới, việc cải cách thủ tục hành chính phải dựa trên quan điểm là chuyển từ kiểm soát trước sang kiểm soát sau. Điều này có nghĩa là người thực hiện các thủ tục sẽ tự chủ, tự quản lý còn Nhà nước thì trên cơ sở đánh giá rủi ro sẽ có quy trình kiểm soát sau.
"Do đó đột phá tới đây cần làm là phải ứng dụng công nghệ thông tin vào Chính phủ điện tử để làm tốt hơn và mọi người có thể tiếp xúc, tham gia công khai, minh bạch với Chính phủ điện tử" - ông Tuấn nhấn mạnh.
Đánh giá cao những nỗ lực của Bộ NNPTNT về cải cách thủ tục hành chính trong giai đoạn vừa qua, ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ nêu rõ, Bộ cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được. Trong cải cách về thể chế cần tập trung xây dựng những văn bản quy phạm pháp luật chất lượng và lượng hóa để tránh chồng chéo về 1 việc mà nhiều đơn vị cùng làm như trong lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp…
"Nếu Bộ NNPTNT cải cách mạnh mẽ sẽ bị vướng trong chính bộ máy của Bộ. Hiện nay vẫn còn tình trạng 1 việc mà nhiều người làm. Thí dụ như chồng chéo trong lĩnh vực Chăn nuôi, Thú y; Bảo vệ thực vật và trồng trọt, thủy lợi. Trong hệ thống giảng dạy vẫn còn nhiều trường, điều này khiến không đủ tạo nguồn lực và cơ sở vật chất cũng như chất lượng đội ngũ giáo viên và đặc biệt tạo dựng thương hiệu nông sản để cung cấp ra thị trường phải chất lượng và cạnh tranh và người tiêu dùng chấp nhận" - ông Thừa phân tích.
Tổng cục Lâm nghiệp đơn giản hóa giấy tờ liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp
Thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ (số 19-2015/NQ-CP, 19- 2016/NQ-CP, 19-2017/NQ-CP, 19-2018/NQ-CP,...), Quyết định số 08/QĐTTg ngày 06/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ, các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT về thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, những năm qua, Tổng cục Lâm nghiệp đã nỗ lực triển khai nhiệm vụ này.
Kết quả từ năm 2015 đến nay, Tổng cục đã thực việc chuẩn hóa thủ tục hành chính và trình Bộ công bố danh mục thủ tục hành chính chuẩn hóa; xây dựng phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp và được Bộ trưởng phê duyệt tại Quyết định số 3973/QĐ-BNN-TCLN ngày 06/10/2015.
Trong các năm 2018, 2019, đã thực hiện rà soát và đề xuất đơn giản hóa các thủ tục hành chính về lâm nghiệp trong các văn bản quy định chi tiết Luật Lâm nghiệp.
Kết quả đã đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính về lâm nghiệp, giảm số thủ tục hành chính từ 154 thủ tục hành chính năm 2015 xuống còn 33 thủ tục hành chính tháng 3 năm 2020.
Định hướng cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 của ngành NNPTNT phấn đấu tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng nền hành chính phát triển, xây dựng nhà nước kiến tạo, hành động, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; hệ thống cơ quan hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.