Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết Chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH giai đoạn 2011-2020 và đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Cùng tham dự hội nghị còn có đồng chí Nguyễn Văn Giàu- Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; đồng chí Thào Xuân Sùng – Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; đồng chí Lê Minh Hưng - Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Chánh Văn phòng T.Ư Đảng và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư và địa phương.
Tín dụng chính sách xã hội có tính nhân văn sâu sắc
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển bền vững đất nước, thể hiện tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Qua các báo cáo, tham luận trình bày tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh bày tỏ sự vui mừng nhận thấy chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH giai đoạn 2011-2020 đã được triển khai thực hiện thành công, hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra. Đồng thời, đánh giá cao một số kết quả nổi bật mà toàn hệ thống đã đạt được.
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, tín dụng chính sách xã hội thực sự là giải pháp sáng tạo có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội; đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế xã hội của giai đoạn 2011-2020.
Trong quá trình thực hiện, Ngân hàng CSXH đã chủ động khai thác các nguồn vốn, bình quân tăng nguồn vốn 10% mỗi năm, quy mô tăng 2,6 lần trong 10 năm qua.
Ngoài ra, việc các tổ chức tín dụng nhà nước duy trì số dư tiền gửi 2% tại Ngân hàng CSXH theo quy định đã thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ đối với hoạt động tín dụng chính sách của Nhà nước. Chất lượng tín dụng chính sách cũng không ngừng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn rất thấp, chỉ chiếm 0,24%.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị ngân hàng tiếp tục phát triển theo hướng tự chủ, ổn định, bền vững; xây dựng chiến lược phát triển 10 năm tiếp theo, đảm bảo tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; thường xuyên rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo điều kiện triển khai vay vốn kịp thời, đúng đối tượng; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phổ biến, tuyên truyền và phối hợp triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tin tưởng, ngân hàng sẽ không ngừng phát triển, giữ vững niềm tin của xã hội như phương châm "thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ".
Hơn 21,5 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn ưu đãi
Khai mạc hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH khẳng định: Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH, nhận được sự quan tâm được sự lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các cấp ủy, chính quyền địa phương, Ngân hàng CSXH đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, tập trung nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đến nay đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Từ những kết quả đạt được, có thể khẳng định tín dụng chính sách xã hội đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong phạm vi cả nước.
Báo cáo tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng nêu rõ: Thực hiện Chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2020, nhất là sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Thủ tướng ban hành Kế hoạch 401/QĐ-TTg, Ngân hàng CSXH có điều kiện thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Chiến lược phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Theo đó, giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt bình quân 10%/năm, từ 90.400 tỷ đồng năm 2010 lên 235.661 tỷ đồng (ước đến thời điểm 31/12/2020).
Phương thức ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục triển khai có hiệu quả hơn từ năm 2014 với việc Ngân hàng CSXH cùng các tổ chức này ký kết lại đã gắn kết chặt chẽ bốn nhà là "Ngân hàng; Chính quyền; Tổ chức chính trị - xã hội; Tổ tiết kiệm và vay vốn".
Đến 30/11, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đang phối hợp với Ngân hàng CSXH tham gia quản lý 224.344 tỷ đồng, chiếm 99,5%/tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội. Cùng với gần 173.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 10.426 Điểm giao dịch xã hoạt động định kỳ phủ rộng trên hầu hết các thôn, xã, phường, thị trấn trong toàn quốc đặc biệt vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn đã giúp Ngân hàng CSXH thực hiện hiệu quả phương châm "Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ", "Giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã".
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được đầu tư đến 100% xã phường, thị trấn trên cả nước với hơn 21,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, doanh số cho vay lên tới 504.565 tỷ đồng.
Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đã giảm từ 9,88% (năm 2016) xuống còn 3,75% (năm 2019), dự kiến xuống dưới 3% (năm 2020).