Mỗi lần thượng đài, Duy Nhất luôn “chiến đấu” hết mình - Ảnh: NVCC
Và từ đó Nhất càng không ngừng tập luyện để thực hiện ước mơ của mình.
Đã thượng đài thì phải chấp nhận thắng thua là thường tình. Nhất thắng nhiều mà thua cũng không ít, và có trận thua bất công khiến mình khóc tức tưởi ngay trên sàn đấu nơi đất khách.
Nguyễn Trần Duy Nhất
Duy Nhất đến với muay Thái như một cơ duyên sắp đặt trước. Vào năm 14-15 tuổi, anh đã được đi thi đấu ở nhiều giải vô địch võ cổ truyền Việt Nam, đại diện cho Liên đoàn Võ thuật tỉnh Lâm Đồng.
"Nhất mạnh về kỹ thuật đối kháng, gan lì, thông minh khi thi đấu. Võ cổ truyền Việt hạn chế các đòn sát thương như chỏ, gối. Vì vậy, khi xem các trận đấu muay Thái có nét tương đồng với võ tự do xưa của Việt Nam, lại hợp với tố chất có sẵn, Nhất đã chọn bộ môn này để phát triển sự nghiệp võ sĩ của mình về sau" - ông Tấn Phi Diệu, cha Duy Nhất, chia sẻ.
Và có lẽ, nếu không có muay Thái, Duy Nhất vẫn loay hoay trên con đường võ thuật. Người thầy của Duy Nhất ở Đội tuyển muay Thái TP.HCM là huấn luyện viên Giáp Trung Thang chia sẻ: "Vào năm 2008, để chuẩn bị cho Việt Nam đăng cai Đại hội thể thao trong nhà năm 2009, lúc này bắt đầu có nội dung thi môn muay Thái nên chúng tôi tổ chức chiêu sinh. Khi đó, Nhất đang học năm 1 Đại học Thể dục thể thao TP.HCM. Nhất tham gia thi đầu vào và là người nổi trội nhất trong lứa võ sinh hồi ấy.
Nhất được chọn vào đội, tập luyện cho đến 2009 thì tham dự Đại hội thể thao. Và ở giải này, Nhất đã đoạt huy chương vàng đầu tiên ở đấu trường châu Á môn muay Thái, rồi bén duyên với muay Thái và theo tới giờ. Nhất mạnh ở đòn đá phá trụ, đá vòng cầu. Đặc biệt là ở em có ý thức tự giác trong tập luyện, luôn chăm chỉ tập không đợi phải nhắc, tập cả trong và ngoài giờ bất kể thời tiết hay có giải đấu hay không".
Còn với Nhất, kể từ đấy, muay Thái là "đường băng" để có thể cất cánh bay xa trong sự nghiệp võ sĩ đã chọn. Việc học võ cổ truyền từ gia đình cũng tạo cho Nhất những miếng đòn đặc biệt kết hợp với muay Thái và trở thành thế mạnh khi thượng đài.
"Võ Việt mình thì mạnh về di chuyển và né tránh, chỉ đỡ khi cần thiết. Sau này, mình kết hợp võ cổ truyền của người Việt mình là di chuyển nhanh, tránh đòn nhiều hơn đỡ. Vì khi địch thủ đánh hụt thì người ta sẽ bị mệt, lộ sơ hở để mình tấn công lại hiệu quả hơn. Hay như đòn "quét trụ" vốn là tuyệt chiêu của Lò Tấn cũng tương đồng đòn đá vòng cầu trong muay Thái... để đối phó với đối phương" - Duy Nhất chia sẻ.
Bà Minh Ánh Ngọc, mẹ Duy Nhất, nhớ lại: "Để thi đấu một trận chỉ 9 phút thì phải luyện tập mỗi ngày hàng năm trời. Có nhiều bài tập luyện thể lực, sức bền và kỹ thuật. Hằng ngày ba anh em Duy Nhất, Tự Do, Triều Dâng đều phải chạy bộ để tập thể lực. Ngày tập ba buổi, sáng chạy bộ 10km, rồi nhảy dây luyện sức bền, chiều thì tập kỹ thuật, tối tập chiến thuật. Đặc biệt là rèn tâm lý khi thi đấu, dù thua hay thắng đều phải chấp nhận. Mọi người phải luôn nghĩ mình cũng như đối thủ, quan trọng nhất là tự tin thể hiện hết khả năng của mình, khi đã cố hết sức thì xuống đài dù thua cũng không hối tiếc".
Những ngày này, Duy Nhất đang khổ luyện để chuẩn bị cho Sea Games 31 sẽ diễn ra tại Việt Nam trong năm 2021. Mục tiêu của Nhất là giành được huy chương vàng sau nhiều năm lỡ hẹn ở giải này. "Gặp được anh Nhất trong thời gian này rất khó khăn, vì lịch tập dày đặc mỗi ngày ba buổi. Để rèn thể lực, anh chạy bộ từ nhà tới câu lạc bộ gần 10km mỗi sáng, tối. Chưa kể cuối tuần là thời gian anh tổ chức sân chơi Fight Night cho các võ sĩ phong trào, bán chuyên muay Thái" - chị Kim Oanh chia sẻ về lịch làm việc dày đặc của chồng.
Và đánh knock out võ sĩ Nhật Wantanabe tại giải muay Thái chuyên nghiệp One Championship - nh: NVCC
"Nhà vô địch khi thất bại sẽ ra sao?". "Nhất thắng nhiều và thua cũng không ít. Mỗi lần thua là một bài học phải khắc cốt ghi tâm để làm động lực cho những trận chiến đấu mới" - Duy Nhất chia sẻ.
Trong trận chung kết Giải vô địch châu Á năm 2009, Nhất đối đầu với võ sĩ Thái Lan sau hai trận thắng liên tiếp. Lúc đó, do sức ép sân chủ nhà và bất lợi đấu trên sân khách nên Nhất đã để vuột chức vô địch. "Trận đấy đánh ba hiệp, mình ăn điểm hai hiệp, nên sang hiệp 3 mình nghĩ chỉ cần đánh giữ sức để dành cho trận sau. Cuối cùng bị thua vì sang hiệp 3 lại thua điểm. Sau lần đó mình rút ra kinh nghiệm đã lên đài là phải thắng tuyệt đối, phải thể hiện liên tục chứ không thể lùi bước".
Một trong những trận bại khó quên trên đất khách của Nhất là tại SEA Games năm 2013 tổ chức ở Myanmar. Trong trận bán kết muay Thái lần đó, Nhất là người chủ động tấn công và nổi trội hơn trong cả ba hiệp đấu nhưng cuối cùng lại bị xử thua điểm vì "lợi thế sân nhà" của đội bạn.
"Trận thua khiến mình đổ sụp vì sự công bằng trong thể thao, mình khóc tức tưởi trên sàn đài ngay sau trận đấu. Nhưng sau đó Nhất lại nghĩ: Tại sao mình không đánh knock out đối thủ để không còn bị bất lợi dù là ở trên sân nhà hay sân khách? Kể từ đó, mục tiêu của Nhất ở mọi sàn đấu là phải chiến thắng K.O để thắng tuyệt đối, để người ta không còn cớ gì xử ép mình được" - Duy Nhất tâm sự.
Sau trận đấu nhớ đời đó, Nhất đã khổ luyện mỗi ngày với những bài tập thể lực, sức bền gấp đôi, gấp ba bình thường. Trong năm 2015, Nhất liên tục có nhiều chiến thắng K.O, lần thứ 4 liên tiếp giữ đai vô địch muay Thái thế giới với 7 trận thắng liên tục, đạt danh hiệu vận động viên xuất sắc nhất giải. Cũng từ đấy, trong nước, Nhất hầu như không có đối thủ và được người hâm mộ gọi tên "độc cô cầu bại" trên sàn muay Thái Việt Nam.
Trên võ đài, ngoài chuyện thắng thua, Duy Nhất cũng có thêm nhiều bài học sống động và day dứt về đời nghề. Đó là trong một trận đấu ở giải Asian Indoor Game tại Hàn Quốc, Nhất thắng thuyết phục khi đánh K.O đối thủ đến từ Turkmenistan. Nhưng cú đá K.O lần đó của Nhất khiến vận động viên đội bạn bị gãy xương đùi.
"Khi xuống đài, Nhất tới bắt tay chào và hỏi thăm võ sĩ đội bạn. Dù biết thắng thua, chấn thương trong thể thao là điều khó tránh, nhưng khi nhìn thấy đối thủ của mình phải bó bột, đau đớn và lén quay đi khóc, tự nhiên Nhất cũng rớm nước mắt! Thể thao là vậy, khi mình ở đỉnh cao thì được mọi người chú ý, nhưng khi chấn thương hay tai nạn là có thể chấm dứt sự nghiệp cùng với những bẽ bàng hơn người thường. Có khi võ sĩ ấy rồi sẽ sống trong cô đơn vì rơi vào sự lãng quên của những người từng tung hô mình" - Duy Nhất trải lòng.
*************
Khi thượng đài, nhẹ thì chảy máu miệng, tét trán, nặng thì gãy tay chân. Chú ruột Duy Nhất đã treo găng vĩnh viễn ở độ tuổi 30 vì di chứng của nhiều trận thượng đài.
Kỳ tới: Những miếng đòn hiểm