Nguyễn Trần Duy Nhất - Cao thủ sàn Muay Thái (Kỳ 1): Dòng máu võ thuật

Chủ nhật, ngày 20/12/2020 21:10 PM (GMT+7)
Sinh ra trong gia đình truyền đời dòng máu võ thuật, Nguyễn Trần Duy Nhất đã đổ mồ hôi, thậm chí cả máu để tiến đến vinh quang võ đài. Cao thủ muay Thái này đã làm điều đó như thế nào?
Bình luận 0
 - Ảnh 1.

Bà Minh Ánh Ngọc (bìa phải, mẹ Duy Nhất) từng nhiều lần đoạt giải đấu đài võ tự do - Ảnh: NVCC

Trên sàn đấu chỉ có đối thủ và khát khao chiến thắng. Dù đối thủ là ai, cũng luôn ghi nhớ phải đánh hết mình và không sợ hãi!

Bà Minh Ánh Ngọc (cựu võ sĩ tự do, mẹ Nguyễn Trần Duy Nhất)

Trận thắng KO đối thủ người Nhật và Malaysia ở giải đấu võ thuật lớn châu Á One Championship 2019 đánh dấu chặng đường mới trên võ đài chuyên nghiệp của võ sĩ muay Thái Nguyễn Trần Duy Nhất, đội tuyển muay Thái Việt Nam.

Lò võ Tấn Gia Quyền

Sự trở lại mạnh mẽ của cao thủ muay Thái tại Việt Nam được người hâm mộ mong đợi hơn khi sắp tới Duy Nhất sẽ tham gia trận đấu đặc biệt với võ sĩ Rodtang Jitmuangnon người Thái Lan, nhà vô địch của giải đấu danh giá châu Á One Championship.

Trước khi là "độc cô cầu bại", nhà vô địch liên tiếp 7 lần tại giải vô địch muay Thái quốc tế cùng nhiều giải bán chuyên và chuyên nghiệp khác ở bộ môn muay Thái, Duy Nhất là con nhà nòi của một phái võ cổ truyền.

Duy Nhất là con thứ hai trong gia đình có "máu" võ thuật. Mẹ Duy Nhất - võ sĩ Minh Ánh Ngọc - cũng từng là một cao thủ võ tự do trong làng võ Việt trước năm 1975 với nhiều trận thắng "knock out" đối thủ. "Mẹ từ giã nghiệp võ sau khi lập gia đình và có thêm bốn tấm "huy chương" là bốn đứa con vào thời khốn khó của võ thuật Việt sau năm 1975. Mẹ hay đùa chúng tôi trong những bữa cơm gia đình thời thơ ấu phải nhường nhau từng miếng thịt, miếng cá: Nhờ tinh thần võ sĩ mà mẹ đủ can đảm đẻ bốn đứa con giữa thời cơm đong gạo đếm này" - anh cười nhớ lại.

Duy Nhất là hậu duệ đời thứ tư của Lò Tấn, nay là Tấn Gia Quyền - một lò võ có tiếng lâu năm ở tỉnh Nghĩa Bình (Quảng Ngãi - Bình Định). Nhất tập võ cổ truyền từ bé và tới năm 14 tuổi bắt đầu thượng đài ở các giải đấu võ cổ truyền trong nước. Từ thời ông cố rồi ông nội Duy Nhất đều sống bằng nghề võ với những võ đường có khi lên tới hàng trăm võ sinh. Bây giờ, Duy Nhất tiếp tục chọn võ nghiệp cho cuộc đời mình.

Bốn chị em Duy Nhất sinh ở Nha Trang, nơi ba mẹ gặp nhau khi thường xuyên đi giao đấu. Hồi ấy, mẹ Duy Nhất nổi tiếng ở lò võ Lữ Gia của võ sư Minh Sang, em trai "võ vương" Minh Cảnh Đông Dương. Những lần ra Nha Trang rèn võ sinh, Minh Cảnh thấy cô học trò nhỏ Minh Ánh Ngọc ở lò võ Lữ Gia ra đòn đánh mạnh mẽ, lanh lẹ nên đã nhận làm con nuôi.

"Võ vương" Minh Cảnh đưa con gái nuôi và các võ sinh ở lò võ Lữ Gia đi thi đấu từ miền Trung đến miền Tây, Sài Gòn, miền Đông Nam Bộ. Mẹ Duy Nhất kể hồi đó lò võ hàng trăm võ sinh nam thì chỉ có gần 10 người là con gái và phải tập chung với nam, có khi phải giao đấu với nam để luyện thể lực, ý chí. Và dù mẹ Duy Nhất là con gái, các sư huynh vẫn giao đấu không nương tay, nên đã lên đài là phải ghi nhớ: "Chiến đấu bất dung tình, dung tình bất chiến đấu".

"Cứ 4h sáng, võ sinh phải thức dậy chạy bộ, đứng tấn, múa quyền, luyện tập rất khổ cực. Học võ là phải rèn ý chí, không có ý chí, đam mê thì không bao giờ theo nghiệp võ được" - mẹ Duy Nhất kể. Cha Duy Nhất cũng luôn nhắc nhớ con cháu Lò Tấn truyền thống gia đình: Võ học là đam mê và học hỏi. Lò Tấn của gia đình Duy Nhất được khai nghiệp từ đời ông cố Tấn Hoành vào thời Pháp thuộc.

Ông cố Duy Nhất sinh ở Quảng Ngãi, Lò Tấn ban đầu cũng ở đây. Ông vốn sinh ra trong gia đình tư sản khá giả nhưng lại mê học võ, nên đã bái thầy nhiều võ sư nổi tiếng. Những sư phụ đầu tiên của ông cố Duy Nhất đều là những võ sĩ lừng danh giới võ thuật Việt trước 1975 như "võ vương" Minh Cảnh, vô địch quyền anh Đông Dương. Ngoài ra, ông còn học các võ sư Minh Trình ở Sài Gòn với đòn chỏ lật khét tiếng, "hùm xám" Hà Trọng Sơn ở Bình Định với đòn đánh bật ngã đối thủ bằng "phá bệ" ác liệt.

Ở Nha Trang, ông cố Tấn Hoành cũng bái thầy võ sư Kim Sang với đòn chỏ lật, lái luôn khiến đối thủ hoảng sợ trên đấu đài. Sài Gòn thời đó còn có võ sư Dương Văn Quang cũng về dạy võ cho ông với đòn phang ống khốc liệt.

Chính dòng máu võ thuật đó khiến Duy Nhất vừa tự hào vừa đam mê. Anh không nhớ rõ mình bắt đầu học võ từ khi nào, chỉ nghe ba má kể lại từ khi biết đứng, biết đi lẫm chẫm thì thế đứng yêu thích của Duy Nhất là… đứng tấn.

 - Ảnh 3.

Nguyễn Trần Duy Nhất lúc 14 tuổi cùng cha Tấn Phi Diệu và hai em trai Tự Do, Triều Dâng.

Giữ "máu lửa" võ thuật thời khó

Thời cha mẹ Duy Nhất còn là võ sĩ đấu đài tự do khắp nước, mỗi tháng có vài đấu đài giữa các võ đường. Ban tổ chức thường mời chừng 10 võ đường tham gia, mỗi võ đường cử 5-7 võ sĩ theo hạng cân để đi thi đấu. Võ sĩ thời đó được người dân mến mộ lắm. Ban tổ chức nhờ vé bán được cho khán giả mà "bao" hết chi phí cho võ sĩ đi thi đấu. Đời sống võ thuật thời ấy vì thế vô cùng sôi động, người ta đi coi đấu võ như coi hát, coi phim bây giờ. Võ sĩ sống được bằng chính đam mê của mình, chỉ ăn, tập và đi đánh đài cho tới ngày giải nghệ.

Năm 1999, Duy Nhất 10 tuổi, cha mẹ theo ông nội Tấn Diêu đi lập nghiệp ở Lâm Đồng. Đời sống khó khăn, cha mẹ Duy Nhất vừa giữ nghề võ bằng cách chiêu sinh lò võ ở Cát Tiên vừa bươn chải mưu sinh nuôi bốn đứa con ăn học. Duy Nhất còn nhớ như in những ngày cha mẹ mình xoay đủ nghề kiếm sống. Mẹ thì đi học may quần áo, rồi bán cơm, phở, hủ tiếu ở gần một trường học. Cha vừa dạy ở lò võ vừa học thêm nghề may giày dép. Bản thân bốn chị em Duy Nhất cũng vừa đi học vừa phụ cha mẹ bán quán, trợ giảng ở võ đường.

Đôi lúc rảnh, mẹ Duy Nhất vẫn thường tâm sự với các con về đam mê của mình mà đầy luyến tiếc: "Hồi mẹ tập luyện, điều kiện không có, sân võ là nền đất, bao cát mua từ các tiệm may, họ dùng loại vải bỏ đi từ áo giáp, nhồi trấu, cát vào mà tập. Chứ thời đó lò nào có cái bao da mà tập thì là cả một gia tài. Vậy mà võ thuật cổ truyền mình vẫn có bao nhiêu tên tuổi được người ta mến mộ, nhớ mãi đến giờ".

Trong lò võ của gia đình, cha mẹ Duy Nhất vẫn còn giữ lại những chiếc găng tay thi đấu đã mục nát để làm kỷ niệm. Và những kỷ vật từng đẫm mồ hôi, kể cả máu võ đài ấy đã trở nên vô cùng quý giá với Duy Nhất. Cùng với dòng máu võ thuật gia đình, Duy Nhất đã cháy bỏng đam mê và bền bỉ vượt qua mọi khổ luyện để tiến dần đến vinh quang sàn đấu...

Duy Nhất tham gia môn muay Thái từ năm 2008, thi đấu trong màu áo đội tuyển muay Thái TP.HCM và đội tuyển muay Thái Đội tuyển quốc gia Việt Nam. Hơn 10 năm, anh đã 7 lần giành chức vô địch giải muay Thái thế giới; 4 lần đoạt đai vô địch muay bán chuyên nghiệp. Tại các giải muay Thái chuyên nghiệp, Duy Nhất có 15 trận thắng, với 6 trận thắng K.O, thua 2 trận, hòa 1 trận.

Các giải đấu muay Thái chia làm ba cấp bậc: nghiệp dư, bán chuyên và chuyên nghiệp. Các giải đấu chuyên nghiệp có đẳng cấp cao hơn, trình độ võ sĩ cao hơn và khắc nghiệt hơn rất nhiều so với muay Thái nghiệp dư. Khi thượng đài các võ sĩ muay Thái chuyên nghiệp được sử dụng các đòn sát thương và không mang đồ bảo hộ. Hiện trong giới võ sĩ muay Thái ở Việt Nam đã có một số tên tuổi lấn sân chuyên nghiệp như Nguyễn Trần Duy Nhất, Nguyễn Kế Nhơn, Trương Cao Minh Phát, Lê Hoàng Đức, Huỳnh Hoàng Phi, Nguyễn Tăng Quyền...

_____________________________

Lúc còn nhỏ, Nhất đi đâu cũng bị cà khịa đánh lộn. Những bài học đầu đời trước khi giỏi võ phải nằm lòng tinh thần võ sĩ.

Kỳ tới: Tinh thần võ sĩ

Lê Vân (Theo Tuổi Trẻ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem