Dân Việt

Kỳ vọng Trung Bộ thắng lớn vụ đông xuân

Khánh Nguyên 24/12/2020 11:48 GMT+7
Các địa phương khu vực Trung Bộ đang chuẩn bị bước vào cao điểm vụ đông xuân 2020 - 2021.

Trong bối cảnh các địa phương này vừa trải qua mưa lũ lịch sử, Bộ NNPTNT đã quyết định xuất cấp không thu tiền 2.340 tấn hạt giống lúa, 500 tấn hạt giống ngô, 40 tấn hạt giống rau cho các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Tăng tốc sản xuất sau lũ

Bước vào sản xuất vụ đông-xuân 2020-2021, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) chủ trương thay đổi về giống, lịch thời vụ và kỹ thuật canh tác. Ngoài những hướng dẫn cụ thể về lịch thời vụ gieo trồng, huyện chú trọng chuyển đổi, cơ cấu bộ giống các loại cây trồng chủ lực, như: Lúa, ngô, lạc, đậu, sắn.

Kỳ vọng Trung Bộ thắng lớn vụ đông xuân  - Ảnh 1.

Nông dân thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) xuống đồng khôi phục diện tích rau vụ đông sau lũ. Ảnh: CHÍ TUÂN

Cục Trồng trọt căn cứ số lượng hạt giống cây trồng đang tồn kho dự trữ quốc gia, nhu cầu về chủng loại hạt giống của địa phương để giao nhiệm vụ cho các đơn vị dự trữ thực hiện xuất cấp (không thu tiền) 2.340 tấn hạt giống lúa, 500 tấn hạt giống ngô và 40 tấn hạt giống rau hỗ trợ các tỉnh.

Cụ thể, về giống lúa, Bố Trạch cơ cấu sản xuất giống lúa thâm canh, như: X21, VN20, Xuân Mai, lúa lai Nhị ưu 838; giống lúa chất lượng cao, như: IR353-66, XT28, PC6; giống lúa có triển vọng, như: QS447, QS88, Hà Phát 3; lúa nếp SVN1, IJ352 và một số giống sản xuất thử nghiệm, như: VNR20, PN99, Hương Việt 3. Giống ngô lai chú trọng: CP3Q, CP511, NK4300, NK6410, ngô nếp HN68, HN88; giống lạc: L14, SVL1; giống đậu xanh: DDX208, ĐX044…

Đồng thời, Bố Trạch cũng kiên quyết loại bỏ giống lúa P6, HT1, VN20 ra khỏi cơ cấu giống trên các đồng ruộng thường xuyên bị bệnh rầy nâu, đạo ôn gây hại.

Huyện cũng đã ban hành chính sách bù giá giống cây trồng cho nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, gồm các giống lúa chất lượng cao, giống ngô lai, giống lạc…

Trong khi đó, vụ đông xuân 2020 - 2021, huyện Tây Sơn (Bình Định) sản xuất khoảng 5.213ha lúa. 

Để đảm bảo sản xuất thắng lợi vụ đông xuân, UBND huyện yêu cầu Phòng NNPTNT huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mùa vụ.

Tiếp tục triển khai các mô hình khuyến nông năm 2021, kiên quyết gieo sạ đúng lịch thời vụ chung trên cơ sở điều kiện thực tế tại địa phương, chân ruộng cao sạ cưỡng gieo sạ trong tháng 11/2020, chân cao chân ruộng 2 vụ/ năm tập trung gieo sạ từ ngày 10/12 đến ngày 25/12/2020, chân ruộng trũng nước rút đến đâu gieo sạ đến đó, kết thúc gieo sạ cuối tháng 1/2020.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cũng đã yêu cầu ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương không được để xảy ra thiệt hại lớn trong sản xuất vụ đông xuân vì chủ quan, lơ là. 

Các địa phương phải tính toán cụ thể theo từng tiểu vùng để có kế hoạch canh tác phù hợp; rà soát các vùng trũng, thấp, bám sát diễn biến thời tiết, tránh gieo xạ sớm, dễ ngập, úng, phải gieo lại nhiều lần.

Trong khi đó, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), vụ đông xuân năm 2020 - 2021 có nhiều yếu tố thuận lợi để thắng lớn khi ruộng đồng vừa được bù đắp một lượng phù sa, mầm sâu bệnh đã bị diệt sau mưa lũ.

Cung ứng giống chất lượng

Để cung ứng đủ lượng giống cho các địa phương sản xuất, Bộ NNPTNT vừa có công văn gửi Cục Trồng trọt; UBND các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam; Công ty cổ phần Giống cây trồng - Vật nuôi Thừa Thiên - Huế; Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam; Công ty Giống rau quả Trung ương về việc xuất dự trữ quốc gia hạt giống cây trồng hỗ trợ các địa phương yêu cầu Cục Trồng trọt căn cứ số lượng hạt giống cây trồng đang tồn kho dự trữ quốc gia, nhu cầu về chủng loại hạt giống của địa phương để giao nhiệm vụ cho các đơn vị dự trữ thực hiện xuất cấp (không thu tiền) 2.340 tấn hạt giống lúa, 500 tấn hạt giống ngô và 40 tấn hạt giống rau hỗ trợ các tỉnh.

Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa được hỗ trợ 200 tấn hạt giống lúa, 200 tấn hạt giống ngô và 10 tấn hạt giống rau. Tỉnh Hà Tĩnh được hỗ trợ 500 tấn hạt giống lúa, 100 tấn hạt giống ngô và 10 tấn hạt giống rau. Tỉnh Quảng Bình 640 tấn hạt giống lúa, 120 tấn hạt giống ngô và 10 tấn hạt giống rau. Tỉnh Quảng Trị 1.000 tấn hạt giống lúa, 80 tấn hạt giống ngô và 10 tấn hạt giống rau.

Giao các đơn vị dự trữ thực hiện xuất cấp (không thu tiền) hạt giống cây trồng dự trữ quốc gia với số lượng như sau: Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam thực hiện xuất dự trữ quốc gia 1.440 tấn hạt giống lúa, 290 tấn hạt giống ngô, 10 tấn hạt giống rau. Công ty cổ phần Giống cây trồng - Vật nuôi Thừa Thiên - Huế thực hiện xuất dự trữ quốc gia 900 tấn hạt giống lúa, 95 tấn hạt giống ngô. Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam thực hiện xuất dự trữ quốc gia 115 tấn hạt giống ngô và 10 tấn hạt giống rau. Công ty Giống rau quả Trung ương thực hiện xuất dự trữ quốc gia 20 tấn hạt giống rau.

Bộ NNPTNT yêu cầu đơn vị dự trữ phải cung cấp đủ số lượng và đảm bảo chất lượng hạt giống; tổ chức đóng gói, vận chuyển, giao hàng dự trữ tại trung tâm huyện, thị; việc xuất kho dự trữ theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước. Kịp thời báo cáo kết quả thực hiện xuất cấp hàng dự trữ quốc gia về Bộ NNPTNT và các Bộ, ngành liên quan để có kế hoạch bổ sung vốn dự trữ.

Bộ NNPTNT cũng đề nghị UBND các tỉnh: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị chỉ đạo và tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng số lượng hạt giống dự trữ quốc gia đúng mục đích, đối tượng, có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp tại địa phương; kịp thời báo cáo kết quả thực hiện về Bộ NNPTNT.