Dân Việt

Những vườn cây ăn quả sai lúc lỉu ở một huyện ngoại thành Hà Nội

Đức Thịnh 23/12/2020 05:15 GMT+7
Từ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), nhiều hội viên nông dân huyện Gia Lâm, TP Hà Nội đã đầu tư phát triển kinh tế trang trại, trồng cây ăn quả, cho doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Giúp hội viên tăng thu nhập

Hiện, Hội ND xã Phú Thị (huyện Gia Lâm) đang hỗ trợ 270 lượt hộ hội viên vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ HTND với tổng dư nợ hơn 8,5 tỷ đồng để phát triển kinh tế.

Từ ngày được vay vốn, anh Nguyễn Xuân Thanh (ở thôn Tô Khê, xã Phú Thị) đã đầu tư phát triển kinh tế trang trại, trồng cây ăn quả, cho doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Thanh phấn khởi cho biết: "Năm 2015, gia đình tôi thuê được 14.600m2 đất, triển khai trồng các loại cây ăn quả: Chuối tiêu hồng, ổi Đài Loan, bưởi, cam Canh. Cùng với đó, áp dụng thâm canh "lấy ngắn nuôi dài", không cho đất nghỉ, tận dụng khoảng trống giữa các hàng cây (bưởi, cam...), tôi trồng cây ngắn ngày như đậu tương, bầu… Nhờ đó, trang trại cho thu hoạch sản phẩm quanh năm, giúp gia đình tăng thu nhập, hoàn trả vốn vay Quỹ HTND, đồng thời còn có vốn tích lũy".

Vốn quỹ “vun trồng” những vườn cây trĩu quả - Ảnh 1.

Từ nguồn vốn Quỹ HTND, nhiều nông dân xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội đã đầu tư trồng cam hiệu quả. Ảnh: Đức Thịnh

Để quản lý tốt các nguồn vốn vay, Hội ND huyện Gia Lâm đã tổ chức 30 buổi tập huấn nghiệp vụ cho 2.850 lượt cán bộ Hội ND. Hội cũng phối hợp với các ngành chức năng, các doanh nghiệp tổ chức 1.200 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 140.000 lượt hội viên tham dự.

Chủ tịch Hội ND xã Phú Thị Nguyễn Thị Lan cho biết, hoạt động vay vốn đã tạo điều kiện để hội viên phát triển kinh tế gia đình; đồng thời các hội viên cũng gắn kết hơn trong các hoạt động của hội. 

Ngoài việc hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vốn và kiến thức khoa học kỹ thuật, Hội ND xã Phú Thị còn giúp họ chuyển đổi đất trồng đỗ, ngô, lạc kém hiệu quả… sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; phối hợp với hợp tác xã nông nghiệp xây dựng, đề nghị cấp chứng nhận vùng sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP cho 10ha chuối…

Ưu tiên các mô hình tổ hội nghề nghiệp

Tương tự, Hội ND xã Phù Đổng cũng hỗ trợ gần 400 lượt hộ hội viên vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ HTND hơn 10 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội ND xã Phù Đổng Nguyễn Văn Quyền cho hay, được vay vốn, các hộ hội viên đã tập trung đầu tư phát triển các mô hình như trồng hoa, cây cảnh, chăn nuôi bò sữa... Điển hình như các hộ hội viên: Nguyễn Hồng Chương, Nguyễn Văn Hạnh (thôn Phù Đổng 1); Bùi Thị Hoa (thôn Phù Đổng 2)... làm ăn hiệu quả từ nguồn vốn được vay, có thu nhập 300-400 triệu đồng/năm.

Trong 10 năm qua, các cấp Hội ND huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội đã giải ngân quay vòng hơn 103 tỷ đồng Quỹ HTND. Trong đó, tính riêng đến đầu tháng 11/2020 đến nay toàn huyện có 1.762 lượt hộ hội viên vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế với tổng số hơn 38,65 tỷ đồng. Từ nguồn vốn Quỹ HTND, nhiều hội viên nông dân Gia Lâm đã mạnh dạn đầu tư các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả.

Vốn quỹ “vun trồng” những vườn cây trĩu quả - Ảnh 3.

Ông Chu Anh Tuấn - Chủ tịch Hội ND huyện Gia Lâm cho biết: Trong hỗ trợ vốn Quỹ HTND, căn cứ vào nguồn vốn và nhu cầu vay vốn của hội viên nông dân trong huyện, Hội ND huyện đã phân bổ cho từng đơn vị trong huyện vay thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh theo định hướng phát triển kinh tế của từng đơn vị.

Theo ông Tuấn, những năm gần đây, Hội ND huyện Gia Lâm đã ưu tiên nguồn vốn vay Quỹ HTND để thực hiện mô hình kinh tế tập thể, tổ hội nghề nghiệp, các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh. Sự thay đổi này đã góp phần tăng thêm ý nghĩa của nguồn vốn Quỹ HTND.