Dân Việt

“Huyền thoại” của những người an ủi mẹ Rừng - Kỳ 2: "Muốn bà con tin, mình phải làm trước"

Phóng sự của Hoàng Chiên 24/12/2020 14:00 GMT+7
Cũng như rất nhiều người dân xóm Nặm Nàng, xã Kim Đồng, huyện Thạch An (Cao Bằng), anh Bế Văn Hiệp gắn bó với rừng, sống nhờ rừng, ăn ở cùng rừng, dường như bấy lâu nay, mọi thứ trong đời ông… đều liên quan đến rừng. Anh coi rừng như Bà Mẹ thứ hai mà anh luôn dốc sức chăm sóc hàng chục năm qua.

Món quà sinh nhật vợ do Mẹ Rừng gửi tặng

Chính nhờ những năm tháng trong quân ngũ, được đi đây đó, thấy sự khác biệt giữa các vùng đất, khi trở về và chứng kiến cảnh xóm mình lác đác vài nóc nhà, đồi núi trọc trơ, nơi có rừng chỉ vài cây tạp lưa thưa trên triền đồi, cây nhỏ không dùng làm được việc gì khác ngoài củi đun khi mùa đông đến, chàng lính trẻ Bế Văn Hiệp đã có những thay đổi trong suy nghĩ.

Hồi đi bộ đội, đóng quân ở Thái Nguyên, mỗi lần cùng đồng đội đi dã ngoại Hiệp thấy bà con trồng rừng. Đó là năm 2002, anh chứng kiến bà con cùng nhau gánh những sọt giống cây keo, cây mỡ đi trồng rừng… Chứng kiến cảnh trao tiền, mua bán gỗ rừng trồng làm nguyên liệu giấy trên các chuyến xe tải hiện đại, thấy người ta làm nhà cao cửa rộng, cuộc sống mới đáng ước mơ. Từ buổi ấy, ý nghĩ về việc tích cực trồng rừng trên diện rộng, góp phần đắc lực vào phủ xanh đồi trọc, tạo cảnh quan đẹp cho quê nhà, phát triển kinh tế gia đình… được Hiệp ấp ủ.

Chuyện như là “huyền thoại” của những người an ủi Mẹ Rừng - Kỳ 2: Muốn bà con tin, mình phải làm trước - Ảnh 1.

Anh Bế Văn Hiệp bên cánh rừng gỗ mỡ 10 năm tuổi của mình.

Trở về quê hương Nặm Nàng sau 3 năm "trải nghiệm" cuộc sống ồn ã nhưng đầy mệt mỏi nơi phố thị, Hiệp đem lòng yêu thương một sơn nữ. Họ tổ chức đám cưới với bao khát vọng về một ngày mai thật sung túc. Thế nhưng, cuộc sống thêm nhiều phần khó khăn hơn khi vợ chồng Hiệp đón đứa con đầu lòng.

Cả hai vẫn cơ bản thất nghiệp mà bao chi phí cho cuộc sống "bỉm sữa" đắt đỏ cứ lớn dần. Ngày ngày ra sân nhà nhìn quả đồi phía sau nhà vẫn trọc, Hiệp thấy xót xa trong lòng. Anh bàn với vợ là nhất định phải trồng rừng, trồng rừng trên quả đồi đó. "Chỉ có rừng mới mang lại… hạnh phúc cho chúng mình. Em không tin anh bây giờ, thì sau này em sẽ phải tin. Vì anh đã chứng kiến điều hạnh phúc kia từ hồi nhập ngũ và hành quân qua xứ Thái Nguyên", Hiệp quả quyết.

Ban đầu vợ Hiệp vẫn một mực can ngăn. Gia đình phản đối vì cho rằng đó là điều không thể. Bao năm qua ở Nặm Nàng chưa có ai trồng rừng cả, mà muốn trồng cũng lấy đâu tiền mua giống cây, lấy đâu phân bón và đủ thứ tiền chăm sóc rừng. Cây gỗ lớn chậm lắm, đất cằn lắm, bao giờ mới có thu nhập, trong khi, trước mắt cái đói cái thiếu vẫn gào réo từng giờ từng phút.

Nhưng với niềm tin, với khát vọng đem màu xanh đích thực đến cho quê hương, Hiệp đã dày công thuyết phục vợ. Một hôm, Hiệp rủ vợ vào rừng lấy củi đun. Hôm đó và nhiều hôm sau, Hiệp lấy mỗi lần hai vác củi, lấy về Hiệp đã trộm một vác đem bán mỗi bó được 10.000 đồng, lấy tiền mua cây keo giống về trồng.

Chuyện như là “huyền thoại” của những người an ủi Mẹ Rừng - Kỳ 2: Muốn bà con tin, mình phải làm trước - Ảnh 2.

Dù là ông chủ của 16 nhân công, nhưng anh Hiệp vẫn “nghiện”đi thăm ngắm rừng, chăm sóc rừng.

Công việc cứ thế, một thời gian sau vợ Hiệp thấy các cây đến "tuổi" làm củi đều bị chặt hết cả. Hóa ra vợ Hiệp đi chặt cây keo chờ nó khô để làm củi. Vì cô sợ, mùa đông đến, không có chỗ kiếm củi, rừng cũng chẳng còn cây tạp nào, lấy đâu ra củi mà sưởi ấm. Hiệp kiên quyết ngăn vợ: Cứ giữ rừng đi, rừng lớn lên và cây mọc đều như so đũa, lúc đó khai thác sẽ có nhiều tiền. Củi từ đó chứ từ đâu ra, có tiền là có củi; mà cứ gì phải đốt củi mới nấu cơm được, giờ có bếp ga, bếp từ rồi mà.

Ông Hoàng Phượng Vỹ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cao Bằng - cho biết: "Anh Bế Văn Hiệp là một trong những người cần cù, chăm chỉ, có "sự nghiệp" trồng rừng rồi, anh còn hết lòng giúp bà con phát triển kinh tế nhờ rừng, tạo công an việc làm cho người dân địa phương. Đó là một tấm gương rất đáng khen ngợi. Tỉnh Cao Bằng cần nhiều người Bế Văn Hiệp như thế và hơn nữa".

Vợ Hiệp chẳng tin, cứ thế giận chồng mấy tháng giời!

Có chúng tôi đến thăm, anh Hiệp bồi hồi nhớ lại những ngày đầu mới gây dựng trồng rừng. Mỗi sáng thức dậy lại mài dao, chêm cán cuốc, lặng lẽ lên rừng phát cỏ dại, cuốc cho đất tơi xốp, chăm sóc từng cọng cây một. Một năm, hai năm rồi ba năm, tổng diện tích rừng trồng mới được 3 ha cây keo, cũng có lúc Hiệp nản muốn buông xuôi theo vợ.

Nói về kỹ thuật chăm sóc ban đầu cho cây trồng của mình, Hiệp bảo: Nhờ có cuốn sổ hướng dẫn kỹ thuật trồng cây keo của Nhà máy giấy Cao Bằng, tôi dựa vào đó nghiên cứu, một thời gian rút ra kinh nghiệm là cây keo mình trồng phải xử lý thực bì tốt, nếu có cây bụi, dây leo mà mình trồng ẩu vào đó, cây giống chết ngay. Keo chết là mất bao nhiêu công đi kiếm củi tích cóp đấy.

Chuyện như là “huyền thoại” của những người an ủi Mẹ Rừng - Kỳ 2: Muốn bà con tin, mình phải làm trước - Ảnh 4.

Anh Bế Văn Hiệp vác gỗ vừa khai thác trong rừng trồng của gia đình mình về xưởng chế biến.

Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, cây keo còi cọc ngày nào sau ba năm chăm bẵm đã to bằng cái phích đựng nước, có người đến hỏi mua nhưng Hiệp không bán.

"Năm ấy đến sinh nhật vợ, em vác một bó củi lớn về dựng ở hiên nhà, nói với vợ là quà của Mẹ Rừng gửi anh mang về tặng sinh nhật em đấy", Hiệp kể. Từ bấy giờ, vợ Hiệp tin vào lý thuyết trồng rừng phát triển kinh tế, vừa có tiền và vừa có củi đun, mà xóm làng lại đẹp lên vô cùng.

"Muốn bà con tin mình, cứ phải làm trước đã"

Câu chuyện của Hiệp đã đưa chúng tôi cuốn theo hành trình trồng rừng phát triển kinh tế của anh. Chàng lính trẻ mới xuất ngũ, không việc làm ngày nào giờ đã thành ông chủ. Hiệp dẫn chúng tôi ra khỏi nhà, xòe bàn tay năm ngón về phía các quả đồi bao quanh bạt ngàn cây xanh, với líu lo tiếng chim hót và nhạc lá rì rào trong cái lạnh của tiết trời đông bắc cuối năm.

"Rừng của nhà tôi hết đấy, 13ha, trong đó có hơn 4ha keo; bạch đàn hơn 2ha; cây mỡ 5,4ha. Vừa rồi khai thác mỡ rồi trồng bạch đàn tiếp, trồng giống mới. Nếu cây phát triển tốt sẽ động viên bà con trồng theo".

Rồi Hiệp dẫn chúng tôi đi thăm khu vực trồng hơn 5,4 ha cây mỡ, giờ cây to gần bằng cột nhà, cao cả chục mét, thẳng tắp, vỏ trắng cả một vùng, cây vững trãi vươn lên trời, các thân cây đứng như so đũa. Hiệp cho biết: Những cây mỡ này được hai vợ chồng trồng từ năm 2009. Hiện gia đình đang khai thác 1,5ha. Dự kiến, riêng tiền này sẽ thu được trên dưới 300 triệu đồng.

Chuyện như là “huyền thoại” của những người an ủi Mẹ Rừng - Kỳ 2: Muốn bà con tin, mình phải làm trước - Ảnh 5.

Nhân công trong xưởng của anh Hiệp khai thác gỗ sau 10 năm chăm sóc.

Nhận thấy hiệu quả từ trồng rừng mang lại của gia đình anh Hiệp, bà con ở xóm Nặm Nàng giờ đây nhiều người đã bắt đầu cùng chung tay trồng rừng nhiều hơn. Cán bộ huyện tự hào, ở Kim Đồng bà con tham gia trồng nhiều rừng nhất huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.

Với 13ha rừng hiện có, Hiệp vẫn muốn mở rộng thêm diện tích "phủ xanh núi đồi", "nếu ai muốn chuyển nhượng là em mua luôn", Hiệp tự hào. Nhờ trồng rừng mà năm 2016, gia đình Hiệp thuộc diện hộ nghèo, năm sau theo tiêu chí vẫn là hộ nghèo nhưng anh xin ra để nhường xuất hỗ trợ đó cho những gia đình khác. "Vì tôi là Đảng viên, nên phải phấn đấu làm sao cho thoát nghèo để làm gương. Nhường sự hỗ trợ cho hộ khác có hoàn cảnh tương tự", Hiệp tâm sự.

Năm 2018 Hiệp mạnh dạn đầu tư máy bóc gỗ làm ván ép. Bởi theo Hiệp mình thu mua cho bà con được giá hơn mà, đồng thời họ không phải chở về xuôi để bán nữa. Mình có lợi mà bà con cũng có lợi. Nhận thấy việc làm xưởng ván bóc vừa chủ động được nguồn gỗ của gia đình khai thác và vừa lo đầu ra về gỗ rừng trồng cho bà con trong xã nên Hiệp rất tâm đắc. Giờ Hiệp và bà con có thể chủ động chống lại tình trạng tư thương ép giá khi bán gỗ.

Chuyện như là “huyền thoại” của những người an ủi Mẹ Rừng - Kỳ 2: Muốn bà con tin, mình phải làm trước - Ảnh 6.

Anh Bế Văn Hiệp cùng công nhân chuẩn bị đưa ván gỗ thành phẩm đi bán.

Vừa rồi, Hiệp đầu tư "trọng điểm" hơn: Làm thủ tục vay ngân hàng, vay bạn bè, người thân để đầu tư mua một máy bóc gỗ hiện đại, mới tinh. Anh cũng đi thăm quan, học hỏi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, thậm chí sang Trung Quốc học cách làm và tìm đối tác cho đầu ra sản phẩm gỗ ép nhà mình.

"Ngày đầu mở xưởng vất vả, đến 9h tối mới về ăn cơm, mặt mũi đen nhẻm hết. Khổ lắm. Đến giờ phút này thì tôi cảm thấy rất hài lòng" - Hiệp nói.

Sự hài lòng của Hiệp còn thể hiện qua việc dù mới đi vào vận hành hơn 2 năm, hiện nay xưởng bóc gỗ của hiệp đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 16 công nhân ở địa phương với thu nhập từ 3 - 5 triệu/tháng.

Ngoài chăm sóc rừng, khai thác rừng, tạo công ăn việc làm cho bà con. Hiệp không ngừng học hỏi, tìm tòi áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào phát triển rừng sao cho đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, được lợi nhất cho gia đình và bà con. Anh nói : "Cứ trồng rừng, sau này gỗ sẽ… thành tiền hết".

Chuyện như là “huyền thoại” của những người an ủi Mẹ Rừng - Kỳ 2: Muốn bà con tin, mình phải làm trước - Ảnh 7.

Những hàng cây thẳng tắp trong khu rừng trồng 13ha của anh Bế Văn Hiệp

Theo Hiệp, trồng cây keo chỉ 5 năm, 1ha cho chủ rừng thu về khoảng 120 - 130 triệu đồng, còn trồng mỡ thì phải chờ lâu hơn: 20 năm. Mình phải lấy ngắn nuôi dài.

Theo chân Hiệp đi sâu vào rừng gỗ mỡ, vừa tắt chiếc cưa máy nổ phành phạch trên tay, anh nhẩm tính: Diện tích rừng gỗ mỡ trồng 10 năm, trả 150 triệu đồng/ha thì chia ra mỗi năm trồng được 15 triệu đồng. Nhưng nếu đưa gỗ kia vào xưởng mình chế biến luôn, thay vì bán cho tư thương khác, giá trị cây mỡ phải lên đến 200 triệu/ha.

Chuyện như là “huyền thoại” của những người an ủi Mẹ Rừng - Kỳ 2: Muốn bà con tin, mình phải làm trước - Ảnh 8.

Rừng cây gỗ mỡ được anh Hiệp trồng và chăm sóc cách nay 10 năm đã cho thu hoạch

Chuyện như là “huyền thoại” của những người an ủi Mẹ Rừng - Kỳ 2: Muốn bà con tin, mình phải làm trước - Ảnh 9.

Đích thân anh Hiệp sử dụng cưa máy để khai thác gỗ

Chuyện như là “huyền thoại” của những người an ủi Mẹ Rừng - Kỳ 2: Muốn bà con tin, mình phải làm trước - Ảnh 10.

Vác gỗ về xưởng chế biến thành ván bóc

Chuyện như là “huyền thoại” của những người an ủi Mẹ Rừng - Kỳ 2: Muốn bà con tin, mình phải làm trước - Ảnh 11.

Xếp ván bóc sau khi phơi khô

Chuyện như là “huyền thoại” của những người an ủi Mẹ Rừng - Kỳ 2: Muốn bà con tin, mình phải làm trước - Ảnh 12.

Chuẩn bị chở ván bóc thành phẩm đi bán

Anh Hiệp cười hề hề rồi đúc rút kinh nghiệm: "Trồng rừng có cái sướng là được ngắm rừng xanh mát, tươi tốt, có lợi cho sức khỏe. Rừng đủ lớn, chỉ đứng trước sân nhà chỉ tay lên đồi, người ta đến trả tiền cho mình rồi tự đi thu hoạch. Đất đai, đồi rừng mình có sẵn, sao mình không trồng rừng. Đến giờ phút này, cả làng, cả xóm quanh đây, hễ ai có đất đều tham gia trồng rừng hết. Muốn bà con tin mình, cứ làm trước và làm thành công, khỏi cần nói nhiều".

Trước khi chia tay chúng tôi, Hiệp chia sẻ: "Cứ hôm nào xưởng nghỉ là mình lại lên thăm rừng. Có hôm lên rừng thấy cây đẹp, mình ở đến trưa, thậm chí tối muộn còn chưa muốn về. Giờ trồng rừng thành đam mê rồi".

(Còn nữa)

Đón đọc Kỳ 3: Nguyên Bí thư huyện ủy dựng lán giữ rừng săng lẻ