Dân Việt

5 năm tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo: Nông dân trồng lúa đạt lợi nhuận "khủng" 75%?

Trần Đáng 27/12/2020 18:47 GMT+7
Tại Hội thảo về tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tổ chức tại TP.HCM mới đây, Cục trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, sau giai đoạn đầu tái cơ cấu (2016-2020), lợi nhuận nông dân trồng lúa đạt 75%.

Được biết, Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo, giai đoạn 2016-2020, đề ra mục tiêu đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa ở vùng sản xuất lúa hàng hóa từ 30% lợi nhuận trở lên.

Sau 5 năm tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, lợi nhuận nông dân trồng lúa đạt 75% - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi hội thảo về tái cơ cấu ngành lúa gạo.

Giải thích cho việc lợi nhuận trồng lúa tăng cao đến 75%, ông Trần Xuân Định, chuyên gia tư vấn kỹ thuật Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo cho rằng, đây là tính toán từ những mô hình trồng lúa có hiệu quả nhất của Viện Chiến lược và Chính sách nông nghiệp năm 2019.

"Có nhiều yếu tố để nông dân trồng lúa đạt mức lợi nhuận này, như giảm chi phí đầu vào (giống, phân, thuốc), sử dụng giống lúa chất lượng cao… nên năng suất, chất lượng tăng, giá bán cao nên lợi nhuận tăng", ông Định giải thích.

Về khách quan, ông Định cũng cho rằng, do trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều nước trồng lúa giảm nguồn cung gạo, tăng nhập khẩu nên giá gạo tăng cao. 

"Cầu tăng, trong khi cung không đủ nên giá cao. Và khi Việt Nam tăng xuất khẩu gạo thì nông dân cũng tăng lợi nhuận", ông Định chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Chí Thiện - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, tại vùng trồng lúa hàng hóa trên địa bàn tỉnh, nông dân có lợi nhuận trung bình khoảng 50%.

Sau 5 năm tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, lợi nhuận nông dân trồng lúa đạt 75% - Ảnh 2.

Bà Trần Thu Hà phát biểu tại Hội thảo tái cơ cấu ngành lúa gạo.

Tại hội thảo, bà Trần Thu Hà - Giám đốc Dự án "Sản xuất lúa bền vững và Giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam" (AVERP) cho rằng, mức lợi nhuận trồng lúa đạt 75% là quá "khủng".

Theo bà Hà, trong một cuộc điều tra của AVERP với 1.000 hộ trồng lúa ở tỉnh Thái Bình, lợi nhuận đạt 30% là quá "phấn khởi".

"Trong 1.000 hộ của cuộc điều tra, không phải hộ nào cũng đạt mức ấy", bà Hà thổ lộ.

Cũng theo bà Hà, khâu quyết định để tăng lợi nhuận cho nông dân là giống lúa chất lượng cao.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng, nên cân nhắc khi đưa chỉ tiêu lợi nhuận nông dân trồng lúa vào đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo giai đoạn tiếp theo.

"Thực tế có đo đếm được chính xác không?", ông Bùi Bá Bổng đặt vấn đề.

Báo cáo tại hội thảo cho thấy, các khâu để tăng lợi nhuận cho nông dân trồng lúa trong đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo, giai đoạn 2016-2020, là chưa đạt, ví dụ như: Cắt giảm lượng giống gieo sạ, phân thuốc; cơ giới hóa sản xuất…

Theo ông Định, trong giai đoạn tới để tăng lợi nhuận phải giảm chi phí đầu vào, tăng tỷ lệ cơ giới hóa, giống chất lượng, bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu…

Sau 5 năm tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, lợi nhuận nông dân trồng lúa đạt 75% - Ảnh 3.

Thương lái thu mua lúa tại Đồng Tháp Mười.

 Và để làm được điều này, ông Định cho rằng, phải có lộ trình, phải xác định khâu nào ưu tiên để kiến nghị Chính phủ tập trung đầu tư.

"Nguồn lực có giới hạn, nên phải xác định đâu là khâu ưu tiên để đầu tư và phải có lộ trình", ông Định cho biết.

Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 được triển khai từ năm 2016 với mục tiêu tổng quát nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh lúa gạo làm cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người trồng lúa, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững và tham gia hiệu quả vào thị trường toàn cầu.
Nhiều chỉ tiêu được đặt ra cho mốc năm 2020 như: đảm bảo lợi nhuận người trồng lúa hàng hóa đạt từ 30% tổng thu trở lên; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận chiếm trên 75% diện tích tại vùng chuyên canh của Đồng bằng sông Cửu Long. Tại các vùng chuyên canh, diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn chiếm 20% trở lên.
Diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt từ 50% diện tích gieo trồng trở lên, giảm 30% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật so với ban đầu, giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 8% và 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam...