Để giúp bà con nuôi gà ở Hải Dương và các địa phương lân cận tháo gỡ khó khăn, mới đây Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương tổ chức buổi tọa đàm chủ đề: "Kết nối tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà Hải Dương chất lượng cao năm 2020".
Quy mô lớn nhưng đầu ra hẹp
Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương, đàn gà 12 triệu con của tỉnh phân bố chủ yếu ở các huyện như Chí Linh, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, Thanh Hà, Gia Lộc... Trong đó, có 406 trang trại chăn nuôi gà quy mô từ 3.000 con/trang trại trở lên, và 1.257 gia trại nuôi từ 500 con/gia trại trở lên.
Ông Lục Văn Nhàn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ gà đồi Chí Linh cho biết, hiện chưa có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm nên giá cả gà đồi Chí Linh không ổn định. Người dân mong muốn có chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi với thời gian dài hơn; lựa chọn con giống tốt; kiểm soát, ngăn chặn việc nhập lậu, buôn bán trái phép thịt gia cầm để bảo vệ người chăn nuôi…
Những năm gần đây, huyện Cẩm Giàng nổi lên là một trong những địa phương phát triển mạnh chăn nuôi gà, với tổng đàn khoảng 860.000 con.
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cẩm Giàng cho biết: Trên thực tế, nghề chăn nuôi gà tại địa phương quy mô nhỏ lẻ còn khá phổ biến, mang tính tự phát, thiếu liên kết, chất lượng con giống chưa cao, dịch bệnh thường xuyên xảy ra…
Chính bởi vậy, việc kết nối tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà là khâu quan trọng nâng cao giá trị, mang lại thu nhập ổn định cho người chăn nuôi.
Chí Linh là địa phương có tổng đàn gà lớn nhất tỉnh Hải Dương, lên tới hơn 3 triệu con. Chăn nuôi gà thả đồi đã trở thành một nghề giúp nhiều gia đình khá giả.
Ông Lục Văn Nhàn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ gà đồi Chí Linh cho biết, Chí Linh có nhiều mô hình chăn nuôi gà an toàn với quy mô từ 2.000 - 5.000 con/lứa đã được hình thành.
"Số hộ chăn nuôi gà quy mô từ 1.000 - 3.000 con ngày càng phổ biến ở các xã, phường miền núi, trở thành nghề chính của nhiều hộ dân ở Chí Linh. Trong đó, chăn nuôi gà thả đồi đã góp phần không nhỏ vào giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của Chí Linh" - ông Nhàn chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Huỳnh - Phó Chủ tịch UBND TP.Chí Linh, hiện thành phố có 2.527 hộ chăn nuôi, trong đó 80% số hộ là chăn nuôi gà với các giống chủ yếu như: Chọi lai, mía lai, Đông Tảo lai… Năm 2014, gà đồi Chí Linh đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong chăn nuôi gà ở Chí Linh còn nhiều khó khăn, thiếu liên kết giữa hộ chăn nuôi với các doanh nghiệp tiêu thụ. Đặc biệt, hiện có rất ít cơ sở chế biến nên rất cần sự hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến lớn nhằm ổn định đầu ra, nâng cao giá trị cho sản phẩm gà đồi Chí Linh.
Hướng đến chăn nuôi an toàn
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý đã giải đáp nhiều câu hỏi của các hộ chăn nuôi gà về tìm đầu ra ổn định cũng như các biện pháp phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi gà an toàn sinh học.
Ông Nguyễn Văn Đức (xã Lê Lợi, TP.Chí Linh) nêu câu hỏi: "Tôi được biết dùng mật ong ngâm tỏi sẽ tăng sức đề kháng cho gà, xin hỏi chuyên gia nên dùng liều lượng như thế nào là phù hợp?". Giải đáp câu hỏi này, chuyên gia về gia cầm Nguyễn Thị Nga cho biết, mật ong ngâm tỏi có tác dụng rất tốt để tăng sức đề kháng cho gà, tuy nhiên bà con cần lưu ý khi dùng phải xác định được liều lượng, không nên cho ăn nhiều quá và cho ăn ít quá cũng không phát huy tác dụng.
"Bên cạnh đó, trước khi xuất bán gà phải dừng việc cho ăn tỏi, gừng trước 1 tuần, như vậy thịt gà sẽ thơm ngon. Chúng tôi cũng khuyến cáo bà con không nên cho gà ăn tỏi, gừng tươi hoàn toàn mà phải ngâm với mật ong hoặc ngâm dấm" - bà Nga lưu ý.
Bà Phạm Thị Mến (xã Hoàng Hoa Thám, TP.Chí Linh) gửi đến tọa đàm câu hỏi: Các công ty có ký kết hợp đồng và làm các thủ tục bao tiêu sản phẩm lâu dài, bền vững hay không?
Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Đình Phong - Giám đốc Công ty TNHH Chicken PT Hải Dương cho hay, hiện công ty đang thu mua các sản phẩm gia cầm để chế biến, cung cấp sản phẩm cho các khu công nghiệp ở Hải Dương và một số khách sạn. Để được công ty bao tiêu sản phẩm lâu dài thì người chăn nuôi cần xây dựng thương hiệu, khẳng định được chất lượng gà, cũng như quản lý nguồn thức ăn, quy trình chăn nuôi, thú y.
"Khi người chăn nuôi đảm bảo được các yếu tố này, chúng tôi sẽ gắn kết bền vững với khách hàng và sẽ ký cam kết đầu ra với người chăn nuôi" - ông Phong nói.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Đáng (xã Bắc An, TP.Chí Linh) thì quan tâm đến việc ngành chức năng tỉnh Hải Dương có chủ trương, giải pháp gì để hỗ trợ người chăn nuôi gà xây dựng thương hiệu, ổn định thị trường tiêu thụ. Về vấn đề này, ông Vũ Việt Anh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh luôn xác định phát triển chăn nuôi gà theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, công nghệ cao, sản phẩm được tiêu chuẩn hóa, đẩy mạnh liên kết tiêu thụ trong chuỗi.
Năm 2021, Hải Dương sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp với một số giải pháp về liên kết, tiêu thụ, dự báo thị trường, hỗ trợ xây dựng mô hình điểm chăn nuôi theo chuỗi liên kết giữa các trang trại và doanh nghiệp, gắn với quản lý truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng sản phẩm ngay từ nơi sản xuất…