Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an đang đề xuất trình Chính Phủ tiến hành đề án đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Về kinh phí đầu tư lắp camera giám sát trên cao tốc, quốc lộ, theo Cục CSGT, hiện việc đầu tư hệ thống camera giám sát có các nguồn vốn khác nhau, trong đó có nguồn vốn do Bộ Công an đầu tư cho Cục CSGT và công an các địa phương, các đề án do UBND các tỉnh đầu tư sau đó chuyển giao cho công an quản lý.
Đối với 2 thành phố lớn là TP Hà Nội và TP HCM nguồn vốn đầu tư lắp đặt camera của địa phương, một số tỉnh thành khác thì UBND tỉnh thuê thiết bị của một số đơn vị… Như vậy chúng ta lắp đặt các hệ thống khác nhau nhưng nếu không có chỉ đạo thống nhất thì tính kết nối, tính hệ thống rất khó khăn.
Do đó Chính phủ giao nhiệm vụ, theo lộ trình Cục CSGT tiến hành lắp đặt camera tại các tuyến quốc lộ và đang tập trung lắp đặt tại các tuyến cao tốc, trước mắt là tập trung quốc lộ 1.
Tuy nhiên, việc xử phạt phương tiện vi phạm giao thông thông qua camera giám sát vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, do có nhiều phương tiện chưa chính chủ hoặc tài xế đi thuê phương tiện. Đặc biệt, là tài xế là người làm thuê cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Để làm rõ vấn đề trên, trao đổi với PV Dân Việt, Thượng tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Đăng ký xe (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) cho biết: "Đối với xe không chính chủ vi phạm giao thông thì vẫn xử phạt được".
"Trong quá trình lực lượng CSGT tuần tra có phương án xử phạt nguội và xử phạt nóng như vậy, tại đầu ra và đầu vào của các tuyến cao tốc, quốc lộ đều có tổ công tác, khi camera phát hiện xe vi phạm thì có thể xử lý tại đầu ra của tuyến đường luôn. Do đó, xe không chính chủ cũng sẽ bị xử phạt nóng", Thượng tá Phạm Việt Công thông tin.
Theo Thượng tá Phạm Việt Công, hiện nay, đang phát sinh các trường hợp che biển số để đi trên cao tốc và quốc lộ, Cục CSGT sẽ có chuyên đề kiểm tra những chiếc xe này đầu ra, đầu vào tuyến cao tốc mà không khớp sẽ bị cảnh báo, nếu xác định tùng khớp đúng xe vi phạm thì sẽ có chế tài xử phạt nóng tại chỗ.
"Riêng, xe cho thuê, xe không chính chủ thì vẫn đang là vấn đề khó đối với lực lượng CSGT khi xử phạt nguội qua camera giám sát. Hiện chưa có phương án phát hiện đâu là xe cho thuê và đâu là xe cho mượn", Thượng tá Phạm Việt Công cho hay.
Bên cạnh đó, Thượng tá Phạm Việt Công cũng cho rằng: "Để giải quyết những khó khăn nêu trên, Cục CSGT đang nghiên cứu tổng hợp để phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý. Sắp tới dự thảo Luật, sẽ phải đưa quy định xe chính chủ và xe cho thuê, xác định ai là người chịu trách nhiệm đối với những trường hợp này.
Qua đó, những xe cho thuê, kinh doanh dịch vụ đều phải đăng ký trên hệ thống đồng bộ để các lực lượng nắm được để xử lý vi phạm. Đồng thời, gắn trách nhiệm với đơn vị cho thuê nếu để tài xế thuê xe vi phạm.
Trước đó, Đại tá Đỗ Thanh Bình - Cục phó Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an thông tin: "Đề án lắp đặt camera giám sát trên cao tốc, quốc lộ cũng tạo cơ sở pháp lý, trong đó có tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn giám sát quốc gia để các địa phương căn cứ vào tiêu chuẩn đó thực hiện, đảm bảo yếu tố kỹ thuật và đảm bảo yêu cầu bảo mật hệ thống".
"Hiện nay hệ thống camera trong các thành phố chủ yếu quan sát hành vi dừng đỗ trái phép, các vụ tai nạn xảy ra, các vụ phạm tội trên đường phố. Camera trên quốc lộ đo tốc độ tự động để phát hiện vi phạm về tốc độ, nguyên nhân chính gây tai nạn", Đại tá Đỗ Thanh Bình thông tin.
Năm 2020, lực lượng CSGT đã triển khai đồng bộ quyết liệt nhiều giải pháp, do đó có nhiều chuyển biến rõ rệt, tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí, là năm đầu tiên số người chết giảm xuống dưới 7.000 người. Trong năm xảy ra hơn 14.900 vụ, làm chết hơn 6.800 người (so với 2019 giảm 772 người chết).
Tai nạn giao thông tuy giảm cả 3 mặt nhưng tai nạn nghiêm trọng liên quan đến xe chở khách, xe đầu kéo còn xảy ra nhiều gây bức xúc, lo lắng trong dư luận. Năm 2020 cảnh sát giao thông cả nước phát hiện xử lý hơn 3.600.000 trường hợp vi phạm, trong đó hơn 185.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và hơn 1.400 tài xế dương tính với ma túy.
Trong 10 ngày đầu thực hiện cao điểm (từ 15 đến 24/12/2020), lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện hơn 5.800 lái xe vi phạm nồng độ cồn, 46 tài xế dương tính với ma túy.