Chế độ lương hưu là chế độ nhận được rất nhiều sự quan tâm của người lao động. Bởi đây là chế độ đảm bảo khi người lao động (NLĐ) đã hết tuổi lao động nhưng vẫn sẽ nhận được một khoản tiền hưu trí hàng tháng.
Điều 52 Luật bảo hiểm xã hội 2012 có quy định về mức lương hưu hằng tháng khi đủ điều kiện hưởng lương hưu:
"1. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 50 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 58, Điều 59 hoặc Điều 60 của Luật này tương ứng với mười lăm năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
2. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 51 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 1%.
3. Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung".
Tại Khoản 1 Điều 62 Luật BHXH quy định cách tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần: Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu như sau:
- Tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
- Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
- Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2001 đến ngày 31/12/2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
- Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
- Tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
- Tham gia BHXH từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
- Tham gia BHXH từ ngày 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.
Khi tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương đã đóng BHXH được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí BHXH đối với người lao động tham gia BHXH trước ngày 1/1/2016, đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 trở đi thì tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ (Khoản 1 Điều 63 Luật BHXH).
Trên đây là nội dung quy định của chính sách về cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH nói chung và đối với người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024 (tính 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu).
Dù người lao động thực hiện theo chế độ tiền lương nào thì khi tính hưởng chế độ BHXH, tiền lương đã đóng BHXH đều được điều chỉnh mức đóng theo chính sách về tiền lương cơ sở tại thời điểm hưởng hoặc theo chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ để đảm bảo giá trị tiền lương đã đóng BHXH và quyền lợi trong việc thụ hưởng các chế độ BHXH của người lao động.