Nuôi theo phong trào, khó kiểm soát
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 579 cơ sở, hộ gia đình tham gia gây nuôi động vật hoang dã với số lượng 64.061 cá thể.
Trong đó có 185 cơ sở nuôi cá sấu nước ngọt đã được Chi cục Kiểm lâm cấp giấy chứng nhận đăng ký với 41.861 cá thể.
“Còn số lượng bà con nuôi tự phát, không đăng ký không thể thống kê được, nhưng số đó chắc sẽ không ít hơn số có đăng ký”, một người công tác trong ngành nông nghiệp cho hay.
Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện U Minh, số hộ nuôi các loại động vật hoang dã có đăng ký kiểm soát, kiểm đếm được trên 200 hộ. Còn lượng bà con nuôi tự phát, không đăng ký không thể thống kê được cũng rất lớn, đặc biệt là con trăn.
Hiện nay, phong trào nuôi trăn đang phát triển rất mạnh ở các vùng nông thôn trong tỉnh Cà Mau. Anh Nguyễn Thành Găng, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, cho biết, trăn là loài vật hoang dã dễ nuôi, ít dịch bệnh lại ăn chim, chuột và gà, vịt.
Tuy nhiên, con trăn đang bế tắc đầu ra, giá trăn giảm mạnh, loại từ 6-30 kg/con, giá 80.000 đồng/kg, giảm 40.000-50.000 đồng so với trước khi xuất hiện dịch Covid-19.
Cá sấu và trăn là loài vật hoang dã hung dữ, theo quy định, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu gây nuôi phải làm thủ tục đăng ký nguồn gốc, chủng loại, số lượng với Chi cục Kiểm lâm.
Thế nhưng, tình trạng nuôi cá sấu tự phát, xây dựng chuồng trại không đúng quy cách, thiếu an toàn, dẫn đến cá sấu sổng chuồng, gây nên mối nguy hiểm đối với cộng đồng.
Điều đáng nói, một số chủ trại nuôi cá sấu với số lượng lớn nhưng vẫn lơ là, thiếu ý thức trong việc kiểm tra, bảo quản trại nuôi, làm số lớn cá sấu sổng chuồng ra ngoài khu dân cư, gây nguy hiểm tính mạng người dân.
Riêng trong tháng 10 vừa qua, trên địa bàn các huyện Đầm Dơi, Thới Bình và TP Cà Mau, người dân phát hiện và vây bắt được 4 con cá sấu nuôi bị sổng chuồng, trong đó 2 con có trọng lượng trên 50 kg, gây bất an cho người dân.
Trước tình hình cá sấu liên tục sổng chuồng, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở NNPTNT phối hợp các địa phương, đơn vị có liên quan rà soát, kiểm tra tình hình tổ chức, trình tự thủ tục, điều kiện gây nuôi của các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã nói chung, cá sấu nói riêng trên địa bàn.
Đồng thời, tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn trong gây nuôi động vật hoang dã đối với đời sống người dân và hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn (rào chắn, gia cố chuồng trại...); xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Nhiều mô hình mới
Không dừng lại, khắp nơi trong tỉnh Cà Mau mấy năm gần đây đều râm ran chuyện nuôi và thu nhập khủng từ cua đinh, cần đước, chồn mướp, chồn hương.
Có cả những hộ nuôi được xem là “mô hình mới” và địa phương muốn tìm cách nhân rộng. Nhưng khi hỏi người nuôi về đầu ra, ai cũng cho biết là bán cho thương lái, cho hàng quán ở TP Cà Mau hoặc các cơ sở thu mua để lấy da (với loài trăn, rắn, cá sấu) chứ không như thị trường các loại sản phẩm khác tiêu thụ đa dạng.
Chắc hẳn chúng ta chưa quên, cách đây chưa lâu nhiều địa phương rộ lên phong trào nuôi ốc bươu vàng, nhưng đến bây giờ bà con vẫn chưa hết khổ vì tác hại của loài vật ngoại lai này để lại.
Hết ốc bươu vàng rồi đến rùa tai đỏ, giờ có thêm thông tin người nông dân tự nhân rộng nuôi ruồi lính đen để làm thức ăn chăn nuôi các loại cá và gia cầm khác.
Phó trưởng phòng NNPTNT huyện U Minh Đỗ Thanh Dân cho biết: “Đến nay, chỉ nghe thông tin có người nuôi loại cá thể này trên địa bàn, nhưng chưa nghe địa phương báo cáo và phòng cũng không nắm rõ. Về mặt chuyên môn, phòng chưa tường cá thể ruồi lính đen đặc tính như thế nào cũng như lợi và hại của nó. Chỉ có thể khuyến cáo bà con xem việc chăn nuôi và phát triển sản xuất phải cần có nhiều thông tin và am hiểu về loài mình nuôi. Tránh tình trạng dở khóc dở cười như đã xảy ra ở trăn và cá sấu cũng như bài học từ ốc bươu vàng”.
Trong khi nhiều nông dân đang loay hoay không biết trồng cây gì và nuôi con gì để đem lại hiệu quả kinh tế cao, thì HTX Thành Công, Ấp 9, xã Thới Bình, huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) mạnh dạn thực hiện mô hình nuôi cua đinh.
Giám đốc HTX Thành Công Huỳnh Thanh Điền cho biết, từ khi vay được nguồn vốn hỗ trợ nông dân 200 triệu đồng, 9 xã viên đầu tư mua trên 400 con cua đinh giống về nuôi, Qua 4 tháng chăm sóc, mỗi con đạt trọng lượng khoảng 400 gam và đang phát triển tốt.
Ông Công cho biết thêm, đây là đối tượng nuôi mới trên điạ bàn, đang được đơn vị bán con giống ký kết bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch bằng với giá thị trường ở thời điểm thu hoạch.
Và hiện nay giá cua đinh thương phẩm khoảng 550.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, giá cả trên thị trường lên hay xuống và xuất bán cho thị trường nào thì ông chưa biết, chỉ biết là nơi bán con giống cam kết bao tiêu sản phẩm.
Và bài học từ con cá sấu, trước đây người bán con giống cũng hứa sẽ mua toàn bộ số cá thương phẩm. Điều đáng nói, người nuôi lại không thể định giá và gần như bị phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.
Thực tế, không ít nhà nông làm giàu từ những cách làm ăn mới, nhưng việc chạy theo phong trào khiến hàng loạt gia đình trắng tay, rơi vào cảnh túng bấn, nợ nần.
Và trong khi vòng luẩn quẩn trồng - chặt; chặt - trồng chưa tìm được hướng giải quyết, thì hiện nay con cá sấu và trăn cũng đang rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười. Ồ ạt nhân rộng mô hình, liệu các đối tượng nuôi mới như cua đinh, cần đước, chồn hương, chồn mướp lại giẫm lên điệp khúc mất giá như cá sấu và con trăn hiện nay không?./.