Như vậy, tính đến thời điểm này, dự án thu phí tự động không dừng cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đã được Bộ GTVT vận hành với tổng số trạm thu phí ETC trên cả nước là 91 trạm.
Trong số 35 trạm thu phí thực hiện thu phí tự động không dừng (ETC) giai đoạn 2, có 25 trạm thuộc các dự án BOT do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý được Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC) thành viên Tập đoàn Viettel làm nhà cung cấp dịch vụ với tên gọi ePass.
Bên cạnh đó, có 10 trạm thu phí đã lắp đặt thu phí tự động không dừng do các địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đánh giá về tiến độ dự án thu phí tự động không dừng, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, tính đến nay, cả 2 giai đoạn dự án thu phí tự động không dừng đã có 91/116 trạm triển khai vận hành. Hiện còn 15 trạm chưa thực hiện được do thời gian thu phí ngắn, phương án tài chính nhà đầu tư không đảm bảo.
Trước đây, các trạm thu phí BOT chưa triển khai thu phí tự động không dừng, do đó, khi Bộ GTVT đưa công nghệ thu phí tự động không dừng vào các trạm BOT, dẫn đến tất cả các trạm BOT đã hoàn chỉnh và sau khi được quyết toán, đưa vào khai thác phải thay đổi khi quyết định làm ETC. "Vì vậy, nên phát sinh nhiều vướng mắc về chủ thể giữa cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ GTVT, nhà đầu tư, ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ ETC về quyền lợi của các bên trong vấn đề triển khai", Thứ trưởng Lê Đình Thọ chia sẻ.
Khi triển khai dự án thu phí tự động không dừng, Bộ GTVT đã nghiên cứu và thấy rằng hành lang pháp lý chưa đồng bộ và đầy đủ. Đến năm 2020 rà soát và đánh giá lại đã tạo hành lang pháp lý khi sửa đổi Quyết định 07 sang Quyết định 19 của Thủ tướng Chính phủ trong đó đề cập đến trách nhiệm của các bên liên quan từ Trung ương tới địa phương, nhà đầu tư BOT.
Theo kế hoạch trước đây của Bộ GTVT, dự án thu phí tự động không dừng bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (BOO1) thực hiện tại 44 trạm thu phí do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, do Công ty TNHH VETC cung cấp dịch vụ. Đến nay dự án đã hoàn thành với 40 trạm thu phí thực hiện ETC (riêng 4 đường cao tốc của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam được Thủ tướng chấp thuận thực hiện ETC khi bố trí được nguồn vốn).
Dự án giai đoạn 2 (BOO2) thực hiện ở 33 trạm thu phí do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đơn vị cung cấp dịch vụ ETC giai đoạn 2 là Công ty CP giao thông số Việt Nam - VDTC.
Hiện còn 8 trạm được Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng cho lùi thời hạn hoặc không triển khai ETC, gồm: không triển khai ETC tại 3 trạm trên QL51 do thời gian thu phí còn khoảng 1 năm; chưa triển khai ETC tại 3 trạm thu phí có doanh thu thấp là trạm trên đường Hồ Chí Minh, trạm thu phí cầu Mỹ Lợi, trạm thu phí cầu Thái Hà; 2 trạm thu phí bị người dân phản đối phải dừng thu phí là trạm Bờ Đậu quốc lộ 3 (Thái Nguyên) và trạm T2 quốc lộ 91 (Cần Thơ).
Do các trạm thu phí BOT tại 3 tỉnh có thể không hoàn thành dự án thu phí tự động không dừng, Bộ GTVT đề nghị các tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí không dừng.
Cụ thể, các trạm thu phí BOT do các địa phương quản lý gồm 50 trạm thu phí thì còn 7 trạm thuộc 3 tỉnh quản lý là Thái Bình, TP HCM và Đồng Nai tiến độ triển khai rất chậm, có nguy cơ không kịp tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Các dự án trạm thu phí BOT của 15 địa phương (trừ Cà Mau) sẽ gồm 46 trạm thu phí BOT, trong đó có 6 trạm thu phí BOT đang xây dựng, chưa tổ chức thu phí. Trong số 40 trạm thu phí BOT đang tổ chức thu, có 33 đã lắp đặt xong hệ thống thu phí tự động không dừng.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án thu phí tự động không dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị UBND TP HCM, tỉnh Đồng Nai và Thái Bình đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt tại các trạm chậm tiến độ nêu trên.