Dân Việt

Cam Văn Chấn rớt giá thê thảm, thương lái chẳng thấy đâu, nông dân rầu rĩ mang cam ra lề đường bán

Hữu Nguyên 07/01/2021 19:00 GMT+7
Hiện những vườn cam Văn Chấn (Yên Bái) đang vào vụ thu hoạch, nhưng người trồng cam đang đứng ngồi không yên khi giá cam giảm mạnh, có thời điểm chỉ còn 5.000 đồng/kg. Dù cam đã rất rẻ, nhưng cũng chẳng mấy thấy bóng dáng thương lái thu mua khiến bà con phải mang cam ra lề đường bán.

Những năm trước đây, cây cam Văn Chấn là một trong những cây trồng chủ lực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ở huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái). Thậm chí cây cam còn được xem là cây làm giàu, giai đoạn 2007 - 2017, đã có nhiều nông dân trở thành tỷ phú, triệu phú nhờ trồng cam. Có thời gian, cam Văn Chấn còn được bày bán ở các siêu thị lớn tại Hà Nội và được thương lái từ các tỉnh, thành đổ xô về thu mua.

Nhưng từ năm 2018 đến nay, thị trường cam chững lại, giá cam, quýt cũng đang xuống rất thấp, khiến người trồng cam Văn Chấn không khỏi lo lắng.

Yên Bái: Lận đận tìm đầu ra cho vùng cam Văn Chấn - Ảnh 1.

Vườn cam Văn Chấn quả sai lúc lỉu, chín vàng nhưng vắng bóng thương lái thu mua.

Theo chân một số thành viên HTX sản xuất cam, bưởi an toàn Hồng Sơn, PV Dân Việt vào vườn cam chanh của các hộ gia đình này tại thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Dù vườn cam sai lúc lỉu, quả chín mọng, thế nhưng lại đìu hiu, vắng bóng thương lái đến thu mua, ngã giá.

Theo ông Hà Khắc Lâm - Giám đốc HTX sản xuất cam, bưởi an toàn Hồng Sơn, hiện HTX có khoảng 25ha cam được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng ước khoảng 500 tấn quả.

Hằng năm, cứ vào vụ cam, thương lái lại đến tìm mua cam của HTX rất nhiều. Nhưng từ năm ngoái đến nay, thị trường cam bị chững lại, lại thêm ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên giá cam cũng vì thế mà giảm theo.

"Bà con làm theo tiêu chuẩn VietGAP rồi vậy mà giá cam rất rẻ, đầu ra chỉ có 7.500 - 8.000 đồng/kg. Với mức giá như vậy, thực sự bà con nông dân gặp rất nhiều khó khăn", ông Lâm chia sẻ.

Theo khảo sát hiện nay, giá cam đường Canh được cắt tại vườn dao động từ 15.000 - 17.000 đồng/kg; cam chanh giá 7.000 đồng/kg. Thậm chí, có thời điểm, thương lái đến tận vườn mua chỉ đạt 5.000 đồng/kg. Không chỉ giá cam giảm, mà nhu cầu tiêu thụ cam cũng không nhiều, mỗi chuyến hàng, thương lái chỉ mua khoảng vài ba tấn cam.

Yên Bái: Lận đận tìm đầu ra cho vùng cam Văn Chấn - Ảnh 2.

Các thành viên HTX sản xuất cam, bưởi an toàn Hồng Sơn mong muốn tìm được đầu ra ổn định cho quả cam Văn Chấn.

Theo nhiều hộ trồng cam Văn Chấn, mặc dù tham gia sản xuất cam, quýt theo tiêu chuẩn VietGAP từ nhiều năm nay, song hiện họ cũng không mấy mặn mà. Nguyên nhân bởi chi phí cho trồng cam VietGAP cao, mất nhiều thời gian chăm sóc hơn, nhưng giá cam Văn Chấn không cạnh tranh được với những sản phẩm cam, quýt khác. Hiện nay, cam Văn Chấn được các hộ dân bán chủ yếu cho thương lái.

Ông Vũ Như In (thôn Thiên Bữu, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn) cho biết: "Kể cả những khách hàng truyền thống năm nay cũng ít đi, mọi năm họ (tư thương - PV) cứ đến đặt mua là bán được, nhưng năm nay chào bán mà họ không được mặn mà lắm".

Yên Bái: Lận đận tìm đầu ra cho vùng cam Văn Chấn - Ảnh 3.

Cam Văn Chấn được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tuy nhiên hiện nay vẫn phải lận đận tìm đầu ra cho mình.

Còn theo ông Nguyễn Văn Vụ (thôn Thiên Bữu, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), giờ này mọi năm, thương lái đến mua cam của gia đình ông rất đông, nhưng năm nay vắng bóng thương lái. Gia đình ông đành bày cam ra bán lẻ cạnh đường quốc lộ nhưng lượng cam bán hằng ngày cũng chẳng được là bao.

Ông Vụ cho biết: "Không thể bán hết được, với lượng cam làm ra của HTX và bán lẻ ở thị trường này không thể hết, vẫn cần tiêu thụ ở nơi khác. Gia đình tôi một ngày cũng chỉ bán lẻ được khoảng 2 tạ cam trở lại".

Yên Bái: Lận đận tìm đầu ra cho vùng cam Văn Chấn - Ảnh 4.

Cam Văn Chấn hiện vẫn phụ thuộc vào thương lái, đầu ra rất bấp bênh.

Cũng theo một số người trồng cam Văn Chấn, việc tiêu thụ cam, quýt vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thương lái nên đầu ra không ổn định, đồng thời không chủ động được nguồn hàng, số lượng hàng theo yêu cầu. Bên cạnh đó, cam Văn Chấn còn thua kém về mẫu mã, chất lượng so với cam quýt ở nhiều địa phương khác, nên khó cạnh tranh hơn.

Bà Lê Thị Hoa, thương lái tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: "Cam Hưng Yên, cam Bắc Giang hay cam Cao Phong cũng không ngon hơn so với cam ở Văn Chấn nhưng người ta biết cách làm, quả nhỏ hơn. Ví dụ, người tiêu thích ăn quả cam bé, nhất là cam Canh phải bé, nhưng bà con ở Văn Chấn chưa biết cách làm bằng họ, quả to hơn nên giá không được như nơi khác".

Yên Bái: Lận đận tìm đầu ra cho vùng cam Văn Chấn - Ảnh 5.

Hiện nay trên địa bàn huyện Văn Chấn có khoảng gần 2.000 ha cam, quýt.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nông Ích Chấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: "Cây cam được phát triển mạnh ở nhiều nơi, sản lượng ngày càng cao nên quả cam Văn Chấn cũng chịu tác động, bị ảnh hưởng khâu tiêu thụ".

Hiện nay, tổng diện tích cam, quýt trên địa bàn huyện Văn Chấn là gần 2.000ha, tập trung chủ yếu ở một số xã, thị trấn vùng ngoài. Trong số đó, nhiều diện tích cam, quýt đã được bà con trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tổng sản lượng cam, quýt năm 2020 vào khoảng 8.000 tấn quả, bao gồm 5 giống cam, quýt chủ lực: Cam chanh, cam đường canh, cam sen, cam V2, cam sành.

Cam Văn Chấn được biết đến không chỉ ngon, ngọt mà mẫu mã cũng rất đẹp.

Tháng 12/2016, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm "Cam Văn Chấn".