Liên quan đến thông tin nghiên cứu xây dựng sân bay thứ 2 ở Thủ đô Hà Nội tại huyện Ứng Hòa, tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, chiều 29/12, ông Phạm Quốc Tuyến - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QHKT) Hà Nội cho biết, việc đề xuất nghiên cứu xây dựng sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô Hà Nội bởi hiện nay sân bay Nội Bài đã quá tải và đã được nâng cấp mở rộng.
Theo quy hoạch chung Vùng Thủ đô Hà Nội được xây dựng thêm một sân bay. "Trước đây có đề xuất nghiên cứu tại Ứng Hòa và trước nữa cũng có phương án ở tỉnh Hải Dương. Đây chỉ là một trong những phương án chúng tôi cùng các đơn vị liên quan đang nghiên cứu", ông Tuyến nói.
Trước đó, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 15/12, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến việc các sở ngành của Hà Nội đang hoàn thiện văn bản để đề nghị Bộ GTVT xem xét phương án bố trí sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô, trong đó cân nhắc lựa chọn vị trí tại khu vực phía Nam Hà Nội, bà Hoàng Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho rằng, việc quy hoạch một Cảng hàng không trên địa bàn huyện vừa qua được dư luận và huyện Ứng Hòa đặc biệt quan tâm, nhưng đây là vấn đề chưa chính thức.
Theo bà Vân Anh, huyện Ứng Hòa đang đề nghị UBND TP.Hà Nội cho phép phối hợp với các sở ngành lập quy hoạch vùng để có định hướng phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2030.
"Theo quy hoạch huyện chúng tôi thuộc vành đai xanh, nhưng cũng có hướng phát triển về công nghiệp, dịch vụ để kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân từng bước được nâng lên", lãnh đạo huyện Ứng Hòa nói.
Trước câu hỏi về việc trong trường hợp Trung ương chấp thuận xây dựng cảng hàng không thứ 2 trên địa bàn huyện, quỹ đất trên địa bàn có đảm bảo hay không?, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa nhận định, điều này còn phụ thuộc vào quy mô của sân bay. "Đây là một trong những nhiệm vụ được đưa ra trong dự thảo, chưa có những đề cập sâu", bà Vân Anh thông tin.
Sở QHKT Hà Nội kiến nghị UBND TP.Hà Nội giao Sở GTVT phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - Công ty cổ phần (TEDI) xây dựng dự thảo văn bản của thành phố đề nghị Bộ GTVT xem xét phương án bố trí sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô Hà Nội và cân nhắc việc lựa chọn vị trí tại khu vực phía Nam Hà Nội (ngoài việc mở rộng, nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Nội Bài lên 100 triệu hành khách/năm).
Theo Sở QHKT Hà Nội, hiện nay, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT triển khai theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 336 có yêu cầu đánh giá việc phát triển mở rộng các cảng hàng không, đặc biệt là các cảng hàng không hiện hữu lớn như: Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng, Long Thành... để có định hướng dự trữ đất đai phục vụ phát triển (thêm đường cất hạ cánh, công trình dịch vụ) hoặc nghiên cứu bổ sung cảng hàng không, sân bay mới.
Trong Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 490, dự kiến sân bay thứ hai (sân bay quốc tế Nam Hà Nội) đặt tại khu vực huyện Ứng Hòa (Hà Nội).
Theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 768, nội dung thuyết minh đồ án có nghiên cứu 4 phương án, gồm: Sân bay tại khu vực huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), cách trung tâm Hà Nội 60-65km; sân bay tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội), cách trung tâm Hà Nội khoảng 35-40km; sân bay tại huyện Thanh Miện và Bình Giang (tỉnh Hải Dương), cách trung tâm Hà Nội khoảng 45-50km; sân bay tại huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), cách trung tâm Hà Nội khoảng 120km.
Như vậy, trong các nghiên cứu trước đây đã có phương án dự kiến bố trí sân bay thứ hai cho Thủ đô tại khu vực phía Nam Hà Nội. Qua nghiên cứu, so sánh, Sở QHKT cho rằng, phương án bố trí sân bay thứ hai tại khu vực phía Nam Hà Nội có nhiều ưu điểm.
Cụ thể, khoảng cách và thời gian tiếp cận tới trung tâm Hà Nội hợp lý; có khả năng kết nối giao thông thuận lợi, tiếp cận đồng thời với cả 3 loại hình giao thông là đường bộ, đường thủy và đường sắt; thuận lợi về giải phóng mặt bằng, quỹ đất phát triển (có khả năng bố trí được sân bay với quy mô diện tích khoảng 1.300ha) và có điều kiện phát triển các khu đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, vận tải đa phương thức, hệ thống kho bãi, logistics; tạo động lực phát triển mới cho Thủ đô Hà Nội…