Dân Việt

Những điều kỳ thú giờ mới biết về vườn chim độc nhất vô nhị của Việt Nam

Hữu Việt Tâm 30/12/2020 06:23 GMT+7
Có thể nói, Cà Mau là tỉnh có nhiều vườn chim, sân chim, bãi đậu nhất trong vùng ĐBSCL và cũng là tỉnh duy nhất có vườn chim nằm ngay giữa lòng thành phố.

Vườn chim “độc nhất vô nhị”

Đây là vườn chim nhân tạo duy nhất trong cả nước có vị trí nằm giữa lòng thành phố. Nó thuộc khuôn viên khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phường 1 (TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau). Mặc cho phố xá và những công trình xây dựng đua nhau phát triển xung quanh, vườn chim vẫn tồn tại như là nét đặc thù quý giá của vùng đất Mũi.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, khu vực này là vùng đồng năng, thuộc Lâm Viên 19/5 do sở Lâm nghiệp tỉnh Minh Hải quản lý (nay tách thành Bạc Liêu và Cà Mau - PV).

Vì nơi đây có nhiều cây cối rậm rạp nên chim muông thường về cư trú, nhưng do chưa có nơi ở riêng biệt nên chim đi về rất thất thường. Nhận thấy, nếu tạo điều kiện thuận lợi chim sẽ về đây cư trú cố định nên năm 1989, tỉnh lên kế hoạch trồng thêm tràm để tạo khu rừng riêng biệt cho chim ở trên diện tích khoảng 3 ha.

Những điều kỳ thú giờ mới biết về vườn chim độc nhất vô nhị của Việt Nam - Ảnh 1.

Thời điểm thuận lợi tham quan vườn chim là lúc chim rời vườn đi ăn, khoảng 5-6h và lúc 17-18h khi chim bay về tổ.

Bên cạnh đó, vườn chim được xây thêm tường rào xung quanh để tránh bị săn bắt, làm chuồng và tổ chức “chim mồi” để dụ chim về nhiều hơn. Hiện nay, diện tích toàn bộ khu đất trong hàng rào vườn chim là khoảng 31,5 nghìn m2.

Theo lời kể của người quản lý vườn chim, đa số các loài chim đi kiếm ăn vào ban ngày như: Cò, Cồng cộc... Cò đi từ khi mặt trời vừa mọc, khoảng từ 5 đến 7h và về lúc 17 - 18h30; cồng cộc và cốc đế nhỏ đi muộn hơn, khoảng 7h30 đến 10h và về sớm hơn, thường trước đàn cò.

Thời gian đi và về của các loài này còn phụ thuộc vào thời tiết. Riêng, vạc đi ăn vào ban đêm, khi mặt trời vừa lặn (18 – 19h30) và trở về sớm, khoảng từ 4h30 đến 6h20.

Các loài còn lại hầu như chỉ kiếm ăn vào ban ngày và đi không xa, chỉ quanh quẩn trong vườn (cò bợ, cuốc, gà nước vằn, kịch, gà đồng,…) hoặc trong khuôn viên của bảo tàng (sáo, phướn, tu hú, bồng chanh,…).

Theo kết quả nghiên cứu, kiểm đếm của viện Tài nguyên và Môi trường (đại học Quốc gia Hà Nội) và viện Điểu học Hoàng gia Nhật Bản năm 2018, số lượng chim đếm được ở vườn chim này khoảng hơn 6.000 cá thể (chỉ đếm số chim của một số loài chính bay về ngủ đêm ở vườn chim, thời điểm đếm là từ 16h30 đến 18h30 trong ngày).

Những điều kỳ thú giờ mới biết về vườn chim độc nhất vô nhị của Việt Nam - Ảnh 2.

Đàn cồng cộc và cốc đế nhỏ đi ăn.

Dự đoán số lượng chim trong vườn khoảng 10 nghìn cá thể, trong đó có khoảng 53 loài chim. Chiếm số lượng nhiều là cò, số lượng trong vườn lúc cao điểm dự đoán khoảng 7.000 – 8.000 con; cồng cộc khoảng 3.600 con;…

Theo ông Trịnh Huy Hoàng - Phó Trưởng ban Quản lý di tích, từ khi hình thành cho đến nay, vườn chim được nhiều thế hệ giữ gìn, bảo quản, duy trì.

Để vườn chim phát triển ổn định, đơn vị quản lý luôn chú trọng công tác an ninh (lắp camera quan sát vườn chim), quan tâm đến việc mở rộng diện tích vùng đệm, xử lý môi trường nước, phát triển chủng loại và số lượng.

Bên cạnh việc chăm sóc còn chú trọng thuần dưỡng. Đây là khâu đòi hỏi nhiều công phu, chuyên môn và sự kiên trì.

“Đất lành chim đậu”

Để bảo tồn và phát triển vườn chim, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau đã xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển vườn chim trong khuôn viên Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo.

Trong đó có việc đề xuất duy trì và mở rộng vườn chim, phương án sẽ mở rộng mặt bằng vườn chim về phía Đông Bắc khoảng 3,66 ha, nhằm mở rộng không gian sinh sống cho đàn chim trong vườn, tạo vùng đệm, giúp hạn chế những ảnh hưởng xấu tác động như tiếng ồn, khói, bụi, sóng điện từ…

Những điều kỳ thú giờ mới biết về vườn chim độc nhất vô nhị của Việt Nam - Ảnh 3.

Tổ cò ngàng nhỏ.

Mục tiêu chung của Đề án chính là bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái vườn chim, giữ gìn và bảo vệ môi trường tại vườn chim không bị ô nhiễm, không làm ảnh hưởng xấu đến dân cư đang sinh sống gần khu vực vườn chim.

Thêm nữa, việc bảo tồn vườn chim trong lòng thành phố gắn với tạo cảnh quan sinh động, gần gũi với thiên nhiên, phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu, tham quan; qua đó, đáp ứng nhu cầu tinh thần cho người dân, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã trong cộng đồng.

Tỉnh Cà Mau đã đưa ra nhiều giải pháp cải tạo, xử lý ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí đảm bảo các chỉ số nằm trong giới hạn cho phép, kiểm soát dịch bệnh cho đàn chim, ngăn ngừa động thực vật ngoại lai….

Những điều kỳ thú giờ mới biết về vườn chim độc nhất vô nhị của Việt Nam - Ảnh 4.

Một tổ Vạc.

Nếu có dịp đi du lịch Cà Mau, đây sẽ là địa chỉ tham quan gần nhất và thú vị đối với mọi du khách. Đến đây du khách sẽ càng hiểu rõ hơn câu nói “đất lành chim đậu” và hơn cả là hiểu được công lao của biết bao người đã gìn giữ, dẫn dụ các loài chim về đây tạo thành một sân chim độc đáo ngay trong lòng TP.Cà Mau.

Tỉnh có nhiều vườn chim

Năm 1998, toàn tỉnh Cà Mau có tất cả 19 sân chim, vườn chim và bãi đậu với tổng diện tích là 296,6 ha. Các vườn chim và bãi đậu lâu nhất là 8 – 9 năm, đa số là từ 1 – 4 năm tập trung ở các huyện Đầm Dơi (9 cái), huyện Ngọc Hiển (6 cái), huyện Cái Nước (2 cái), huyện Thới Bình (1 cái), và TP.Cà Mau (1 cái). Trong tổng 19 sân chim, vườn chim hiện có, có 17 vườn chim ở rừng ngập mặn, chỉ có 2 sân chim ở khu vực rừng tràm là vườn chim Hồ Thị Kỷ và vườn chim TP. Cà Mau.

Tỉnh có nhiều vườn chimTỉnh có nhiều vườn chimTỉnh có nhiều vườn chimTỉnh có nhiều vườn chim