Dân Việt

Hưng Yên: Phát triển các Hợp tác xã kiểu mới từ mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp

Đức Thịnh 06/01/2021 04:57 GMT+7
Những năm qua, Hội ND tỉnh Hưng Yên đã đẩy mạnh việc thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp làm nòng cốt cho việc phát triển các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX). Đến nay, các cấp Hội thành lập được hơn 100 mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, 57 HTX và 50 THT.

"Nâng cấp" từ chi, tổ hội nghề nghiệp

Bà Trần Thị Tuyết Hương – Chủ tịch Hội ND tỉnh Hưng Yên cho biết: Hội ND tỉnh Hưng Yên đã tiến hành khảo sát nhu cầu và chỉ đạo điểm xây dựng thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp tại 10/10 Hội ND huyện, thành phố. Đồng thời, Hội tổ chức 11 lớp tập huấn hướng dẫn thành lập chi, tổ hội nghề nghiệp cho trên 800 đại biểu là đại diện lãnh đạo Hội ND cấp huyện, cấp xã, chi hội trưởng, tổ trưởng và hội viên tiêu biểu có nhu cầu tham gia chi, tổ hội nghề nghiệp.

Các chi hội, tổ hội nghề nghiệp được thành lập tập trung chủ yếu ở các ngành nghề: Trồng cây ăn quả, cây có múi, trồng hoa, cây cảnh, cây dược liệu, nghề mộc, nuôi cá, chế biến dược liệu, trồng rau an toàn, nghề mộc…

“Lên đời” HTX từ mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp - Ảnh 1.

Mô hình trồng nhãn của thành viên HTX nhãn Miền Thiết xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Ảnh: N.L

"Năm 2021, cùng với việc tăng cường tuyên truyền về "Xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp", Hội ND tỉnh Hưng Yên tiếp tục định hướng các chi, tổ hội nghề nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường".

Bà Trần Thị Tuyết Hương -

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên

Hiện, toàn tỉnh có 36 chi hội nghề nghiệp, 84 tổ hội nghề nghiệp, trong đó có một số chi hội, tổ hội nghề nghiệp hoạt động rất hiệu quả như: Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động đã phát triển thành HTX chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp; chi hội trồng cây ăn quả xã Đồng Thanh, huyện Kim Động phát triển thành HTX rau, củ quả; tổ hội đồ gỗ mỹ nghệ xã Hòa Phong, huyện Mỹ Hào phát triển thành HTX mỹ nghệ Hòa Thuận và HTX thủ công mỹ nghệ Tùng Lâm; tổ hội trồng cam xã Tam Đa, huyện Phù Cừ phát triển thành HTX nông nghiệp…

Phát huy vai trò nòng cốt của nông dân giỏi

Điểm nhấn đáng chú ý nữa của Hội ND tỉnh Hưng Yên trong việc xây dựng mô hình kinh tế tập thể, đó là, Hội phát huy hiệu quả các CLB nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, tăng cường phối hợp chuyển giao KHKT, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Đặc biệt, Hội đã khai thác nguồn lực của tổ chức quốc tế để tổ chức các hội thảo nâng cao năng lực quản lý kinh doanh HTX cho đội ngũ cán bộ HĐQT và ban giám đốc của các THT, HTX do Hội thành lập, đồng thời, tổ chức cho cán bộ hội và hội viên tham quan mô hình THT, HTX điển hình của các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Đến nay, các cấp Hội đã tư vấn, hướng dẫn thành lập 57 HTX theo Luật HTX mới năm 2012, thành lập mới 50 THT.

Một trong những HTX được Hội ND thành lập theo Luật HTX 2012, hoạt động hiệu quả, tạo sức lan tỏa mạnh cho bà con nông dân phát triển kinh tế tại tỉnh Hưng Yên là HTX nhãn Miền Thiết (xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu). HTX có 27 thành viên hiện đang sản xuất giống nhãn Miền Thiết là chính với tổng diện tích trên 42ha, trong đó có 22ha đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Với việc áp dụng quy trình sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP, cùng với việc ứng dụng phần mềm quản lý thông minh Agricheck; sử dụng tem truy xuất nguồn gốc…, chất lượng và mẫu mã sản phẩm nhãn chín muộn Miền Thiết đã không ngừng cải thiện, không chỉ có mặt tại các cửa hàng, siêu thị trong nước mà còn vươn sang thị trường Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan… Từ đó, các hộ thành viên yên tâm phát triển sản xuất, mỗi vụ thu hoạch trừ các khoản chi phí có lãi 10 - 12 triệu đồng/sào.

Anh Nguyễn Văn Yêm, thành viên trong HTX cho biết: Hiện nay, gia đình anh đang có khoảng 2 mẫu trồng nhãn Miền Thiết, trong đó có hơn 3 sào chuyên sản xuất nhãn giống, chủ yếu là giống nhãn Miền Thiết. Trung bình mỗi năm, gia đình anh xuất bán 1 - 3 nghìn cây nhãn giống tới các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Bắc Giang… mang lại nguồn thu nhập 40 - 60 triệu đồng/sào.