Vụ kiệu tết tại xã Bình Phục thường bắt đầu từ tháng 6 âm lịch, nông dân bắt đầu gieo giống và bón phân, chăm sóc tích cực để kiệu phát triển. Đất cát pha tại địa phương chính là ưu thế lớn trong việc trồng loài cây này, giúp củ kiệu trắng, giòn và thơm hơn so với kiệu miền Nam. Kiệu trồng đến khi ra củ thì được bón thúc để cây đẻ nhánh, theo đó nông dân tỉa lá héo úa tránh gây hư hại cho toàn cây.
Theo các hộ dân trồng kiệu ở địa phương, năm nay thời tiết thất thường, lúc mới xuống giống thì gặp hạn hán kéo dài, giai đoạn cây cho củ thì gặp mưa lớn kéo dài khiến kiệu úng và hư hại, năng suất không cao như mọi năm.
Ông Nguyễn Hồng (ở thôn Bình Hiệp) chia sẻ: “Tôi trồng 2 sào kiệu, nhưng vừa rồi mưa to quá hư hại gần một nửa. Số kiệu còn lại vẫn xanh tốt và cho củ đẹp, tôi đang kỳ vọng vụ tết sẽ có giá cao hơn mọi năm”.
Trên cánh đồng trồng kiệu của nông dân xã Bình Phục, ông Trần Tình (ở thôn Bình Hiệp) nói: “Tôi gieo 3 tạ giống trên một mẫu đất cát pha, tới nay cây vẫn phát triển ổn định. Hiện tôi chỉ lo tưới đủ nước và tỉa lá hư, đợi đến tháng chạp thu hoạch”.
Còn cụ Triệu Thị Đồng (ở thôn Ngọc Sơn) cho biết, cụ đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trồng kiệu trên mảnh đất quê hương, năm nào không trồng kiệu thì xem như mất tết. “Trồng kiệu không chỉ giúp tôi có thêm thu nhập phụ cho con cái, mà còn mang tới niềm vui tuổi già. Ra đồng trồng kiệu, tôi có dịp chỉ thêm cách trồng cho lớp trẻ” - cụ Đồng chia sẻ.
Tại xã Bình Phục, hầu hết người dân đều trồng kiệu. Giá kiệu mỗi năm dao động từ 35.000 - 45.000 đồng/kg tùy loại kiệu lớn hay nhỏ. Theo nông dân, tết năm 2021 này giá kiệu có thể sẽ tăng vì năng suất thu hoạch kiệu thấp, mưa lớn kéo dài khiến kiệu hư hại nhiều.
Cầm trên tay nắm lá kiệu bị úa sau khi tỉa, ông Hồ Tấn Bản nói: “Hết mưa rồi tới bão, may mà còn biết bón thúc kịp thời để giữ con giống, chứ không mất trắng. Giờ chúng tôi chỉ đợi đến vụ tết bán ra. Cầu trời mưa thuận gió hòa để kiệu xanh tốt, giá cao!”.