Dân Việt

Tìm cách “gỡ khó” cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thủ đô

Đức Thịnh 04/01/2021 16:55 GMT+7
Vừa qua, Hội ND TP.Hà Nội tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp thúc đẩy nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp”. Tham dự hội thảo có hơn 40 đại biểu là đại diện các sở, ngành, Hội ND các huyện; các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố.

Từng bước tháo gỡ khó khăn

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) Nguyễn Xuân Định cho biết: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, trong đó các chính sách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã giúp nông nghiệp nước ta đạt nhiều thành tích đáng kể. Năng suất và sản lượng tăng góp phần hoàn thiện mục tiêu quốc gia về an ninh lương thực, giảm nghèo, ổn định xã hội và thương mại.

Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản - lương thực hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận thấp trong các nông hộ nhỏ, chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm không ổn định và thậm chí còn ở mức thấp, giá trị gia tăng thấp. Hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chưa cao.

Tìm cách “gỡ khó” cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thủ đô - Ảnh 1.

Mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao của hợp tác xã Đan Hoài, huyện Đan Phượng (Hà Nội). Ảnh: Thu Hà

Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội mới chiếm khoảng 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Các mô hình sản xuất nông nghiệp cao quy mô còn nhỏ, ứng dụng công nghệ cao mới đạt từng phần, từng khâu…

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Hà Nội, hiện, Hà Nội đã thực hiện dồn điền đổi thửa được gần 7.900ha, tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng công nghệ cao. Toàn thành phố có 164 mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế lớn, trong đó có nhiều mô hình đạt 1-5 tỷ đồng/ha/năm.

Trong những năm qua, thành phố đã ban hành một số cơ chế, chính sách đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nhất là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nhưng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội vẫn còn những hạn chế. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao mới chiếm khoảng 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Các mô hình sản xuất nông nghiệp cao quy mô còn nhỏ, ứng dụng công nghệ cao mới đạt từng phần, từng khâu…

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích điều kiện để xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, đề xuất một số giải pháp, cơ chế, chính sách về đất đai, nguồn vốn, việc nâng cao trình độ nghề cho nông dân, từng bước tháo gỡ khó khăn, tồn tại trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao…

Hỗ trợ vốn, đào tạo nghề cho nông dân

Phát biểu tham luận tại hội thảo, Chủ tịch Hội ND huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch cho rằng, hiện nay việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất của người nông dân còn nhiều rào cản, nút thắt cần được tháo gỡ. Trong đó việc tích tụ, tập trung ruộng đất vẫn là khâu khó nhất hiện nay. Thành phố cần có những văn bản hướng dẫn rất cụ thể, tạo cơ chế, chính sách tích tụ, tập trung ruộng đất cho các hộ, doanh nghiệp, HTX đầu tư vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp.

Trong khi đó, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Xuân Hoàng Thị Hậu cho rằng, muốn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao thì yếu tố con người là quan trọng nhất. Bởi con người tham gia vào tất cả các khâu. Nếu người đứng đầu đơn vị không chủ động thay đổi tư duy thì khó có thể thành công. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chuỗi liên kết để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Chia sẻ với những khó khăn của người nông dân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Điều phối nông thôn mới Hà Nội - Hoàng Thị Huyền cho biết: Trong những năm qua, TP.Hà Nội dành sự ưu tiên đặc biệt cho nông nghiệp công nghệ cao. Điều đó được thể hiện qua hàng loạt chủ trương, chính sách như đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như Nghị quyết số 25, Nghị quyết số 10, Quyết định số 390…

Nhiều đại biểu nhận định, Hà Nội là nơi tập trung đông đảo các nhà khoa học đầu ngành, các cơ sở nghiên cứu hàng đầu cả nước nhưng do thiếu thông tin nên việc liên kết lực lượng này với doanh nghiệp, nông dân chưa hiệu quả. Đây là vấn đề cần khắc phục để tới đây có thêm các dự án nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố ứng dụng vào thực tế. Trong đó, những lĩnh vực cần quan tâm là công nghệ sinh học, công nghiệp chế biến, giống, phát triển mô hình nông nghiệp thông minh…